Tiềm năng du lịch biển hấp dẫn
Biển Ba Động là một bãi cát dài hơn 10km từ ấp Nhà Mát tới ấp Cồn Trứng thuộc xã Trường Long Hòa (thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh), cách trung tâm TP. Trà Vinh 50km về hướng Đông Nam và cách thị xã Duyên Hải 10km về hướng Đông.
Ngay từ đầu thế kỷ 20, tại khu vực biển Ba Động đã có khu nghỉ mát và gần đó và một sân golf mini phục vụ giới thượng lưu. Đến nay, dấu tích của khu nghỉ mát và sân golf vẫn còn. Năm 1992, tỉnh Trà Vinh được tái lập và trong vòng 30 năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, điện lưới quốc gia, viễn thông, rừng phòng hộ phi lao, bờ kè chống sạt lở… đã được đầu tư, tạo điều kiện đánh thức tiềm năng du lịch biển Ba Động, đặc biệt trong khoảng 10 năm trở lại đây. Hiện nay, một số doanh nghiệp đã và đang đầu tư xây dựng khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, bờ kè chống sạt lở, quy hoạch và cắm phao an toàn bãi tắm, quầy vật phẩm lưu niệm… nhằm phục vụ du khách đến khu du lịch Biển Ba Động.
Biển Ba Động nằm giữa hai cửa biển Cung Hầu (sông Tiền) và Định An (sông Hậu), nhìn chính diện ra biển Đông. Đặc thù của vùng biển ven bờ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có biển Ba Động là vùng biển phù sa do nhiều cửa sông lớn nhỏ nên phần lớn nước đục, hạn chế cho việc khai thác dịch vụ tắm biển. Tuy vậy, do có độ dốc thoai thoải, khi nước thủy triều xuống, bãi cát trải dài ra phía biển hàng trăm mét tạo nên một vẻ đẹp hấp dẫn, ít nơi ở vùng sông nước Cửu Long có được. Thời điểm những tháng sau Tết Nguyên đán, sóng yên biển lặng, nước biển trong xanh hơn, khu du lịch biển Ba Động được nhiều du khách tìm đến nhất.
Nếu có dịp đến với biển Ba Động, du khách nên nghỉ lại qua đêm để có trọn vẹn thời gian ngắm ánh bình minh hoặc ánh hoàng hôn trên biển. Đây là thời khắc biển Ba Động đẹp và hấp dẫn nhất trong ngày. Ngoài ra, du khách cũng có thể trải nghiệm tắm biển, lướt sóng...; lựa chọn một vị trí bất kỳ dọc theo bờ kè ngắm nhìn ra mặt biển khơi xa tít tắp, nơi có những đoàn thuyền đánh cá di động phía chân trời và tận hưởng những làn gió biển thổi vào mát rượi; hay thả bộ dọc theo những lối mòn quanh co, khúc khuỷu bên những hàng phi lao uốn lượn để tự tìm cho mình những giây phút thư thái, thảnh thơi.
Ẩm thực tại Ba Động rất phong phú, du khách có thể tự tay lựa chọn nhiều loại hải sản tươi sống từ những chiếc ghe đánh cá vừa quay mũi vào bờ. Du khách có thể nhờ nhân viên nhà hàng hướng dẫn để tự tay chế biến những món đặc sản theo phong cách địa phương. Mỗi món đặc sản ở đây đều gắn một giai thoại, truyền thuyết hấp dẫn như: cá kèo kho gợt chấm nước mắm rươi, món đuôi chà là, tôm thẻ, cua biển hấp bia chấm muối tiêu chanh, chù ụ rang me... Sự hấp dẫn và lôi cuốn của ẩm thực ở biển Ba Động cũng đã góp phần không nhỏ trong việc giữ chân du khách quay trở lại.
Khi đến với khu du lịch biển Ba Động, du khách cũng sẽ có cơ hội tìm hiểu bề dày lịch sử, chiều sâu văn hóa của vùng đất ven biển Trường Long Hòa, Duyên Hải. Những trầm tích văn hóa của cư dân suốt lịch sử gần 300 năm đã tạo cho Ba Động những dấu ấn văn hóa đặc sắc. Gần ba thế kỷ trước, những ngư dân vùng Bình Thuận vào định cư tại đây đã mở ra nghề đi biển và mang theo địa danh Ba Động, tín ngưỡng thờ Bà Cố Hỷ cho vùng đất mới. Những năm tháng quân tướng chúa Nguyễn Ánh trốn chạy sự truy đuổi của nghĩa quân Tây Sơn vào cuối thế kỷ 18 đã để lại các tên làng có từ tố “Long” như Trường Long Hòa, Long Vĩnh, Long Hữu, Long Toàn… cùng ngôi mộ Quận chúa như một bí ẩn lịch sử đầy cuốn hút. Cuối thế kỷ 19, tuyến rừng ven biển Duyên Hải trở thành căn cứ của nghĩa binh Đề Triệu, Phan Tôn - Phan Liêm, Lê Tấn Kế - Trần Bình… Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Trường Long Hòa nói riêng, Duyên Hải nói chung là căn cứ vững chắc của các cơ quan lãnh đạo, lực lượng vũ trang cách mạng tỉnh Trà Vinh, khu Tây Nam bộ và đặc khu Sài Gòn - Gia Định… Chính địa bàn này là một trong những mắt xích quan trọng tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại với những kình ngư lẫy lừng là những người con ưu tú của vùng đất này như Lê Thanh Lòng, Hồ Đức Thắng... Truyền thống vẻ vang đó đã tạo nên một “Trường Long Hòa sắt thép”, một “Duyên Hải anh hùng” mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ cư dân địa phương.
Đề xuất một số giải pháp phát triển du lịch biển Ba Động
Một là, hoàn thiện hạ tầng giao thông từ TP. Trà Vinh xuống thị xã Duyên Hải. Trục giao thông chính từ TP. Trà Vinh xuống tới biển Ba Động, đi qua thị xã Duyên Hải có chiều dài trên dưới 60km nhưng còn quá nhỏ so với chức năng huyết mạch kết nối giữa các địa phương mà con đường đi qua, hạn chế trong việc thu hút khách du lịch đến với biển Ba Động.
Hai là, thực hiện đề án quy hoạch phát triển chi tiết khu du lịch biển Ba Động phù hợp với thực tiễn để có định hướng và cơ sở khoa học cho việc phát triển loại hình du lịch phù hợp với tiềm năng và điều kiện thực tế tại khu vực này. Thời gian qua, các hoạt động du lịch ở biển Ba Động hầu hết là mang tính tự phát, các dịch vụ du lịch còn ít và chưa mang tính chuyên nghiệp.
Ba là, cần quy hoạch và xây dựng các sản phẩm du lịch có thế mạnh là du lịch trải nghiệm và sinh thái - văn hóa giúp du khách có cơ hội thưởng ngoạn sự kỳ thú của thiên nhiên và phong cảnh biển nơi đây cũng như được trải nghiệm các hoạt động cùng người dân làm nghề chài lưới, đánh bắt hải sản cùng ngư dân; chế biến món ăn địa phương và được tìm hiểu về các lớp trầm tích văn hóa, lịch sử của cư dân nơi đây.
Bốn là, hiện hệ thống nhà hàng, khách sạn ở khu vực Ba Động chưa đáp ứng được nhiều so với nhu cầu của những du khách có nhu cầu chi tiêu cao. Sự phụ thuộc vào mùa du lịch do điều kiện của khí hậu, thời tiết nơi đây khiến cho nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm khai thác loại hình lưu trú ở biển Ba Động; có cơ chế huy động người dân tham gia phát triển du lịch, đầu tư xây dựng hệ thống lưu trú, nhà hàng đạt chuẩn.
Năm là, sự hiện diện của Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải nằm sát bờ biển và ngay cạnh khu du lịch đã có tác động đến môi trường và cảnh quan khu vực biển Ba Động. Yêu cầu đặt ra hiện nay là có những biện pháp bảo vệ môi trường ven biển, hạn chế sự ảnh hưởng từ hoạt động của nhà máy nhiệt điện đến việc khai thác các loại hình dịch vụ du lịch của biển Ba Động thời gian tới đây.
Sáu là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch và hoạt động xúc tiến, quảng bá, nhận diện thương hiệu; gắn kết và phát huy sức mạnh của cộng đồng, phát triển thêm chuỗi sản phẩm dịch vụ bổ sung để điểm đến biển Ba Động trở nên có sức hút hơn.
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Văn Mậu, 1998, Lữ hành du lịch, Nxb Giáo Dục, Hà Nội.
2. Quang Lân biên soạn (2021), Non nước Việt Nam 63 tỉnh thành, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
3. Lê Thông, Nguyễn Minh Tuệ đồng chủ biên (2015), Địa lý dịch vụ, tập 2 - Địa lý thương mại và du lịch, in lần thứ 2, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
4. Bùi Thị Hải Yến chủ biên (2011), Tài nguyên du lịch, in lần thứ hai, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
5. Bùi Thị Hải Yến chủ biên (2012), Du lịch cộng đồng, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội
Mai Thuận Lợi
(Tạp chí Du lịch tháng 11/2022)