Tình hình dịch bệnh và các biện pháp mở cửa du lịch của Singapore
Theo Cơ quan Thống kê Singapore, tính đến cuối năm 2021, Singapore có khoảng 5,4 triệu người, trong đó có 92% dân số đã hoàn thành ít nhất 2 mũi vắc xin, và hơn 70% đã được tiêm mũi nhắc lại.
Từ đầu năm 2020, thời điểm dịch bệnh bắt đầu bùng phát trên quy mô toàn cầu cho tới nay, Singapore trải qua 3 làn sóng dịch lớn, trong đó đợt dịch tháng 2/2022 có quy mô lớn nhất, đạt đỉnh ở mức 20.000 ca/ngày, cao hơn rất nhiều so với hai đợt dịch trước. Sau 3 đợt dịch, tổng số ca mắc của Singapore vào khoảng hơn 1 triệu ca. Theo số liệu từ Bộ Y tế Singapore, có đến 99% số ca mắc có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, chỉ 0,04% số ca mắc cần sử dụng dịch vụ chăm sóc y tế đặc biệt (Intensive Care Unit- ICU). Số ca mắc mới đang có xu hướng giảm theo thời gian. Singapore đang thích ứng tốt với dịch bệnh ở thời điểm hiện tại.
Việc gỡ bỏ các hạn chế liên quan tới dịch bệnh bắt đầu được Chính phủ Singapore thực hiện từ cuối tháng 3/2022 với việc người dân Singapore không cần phải đeo khẩu trang khi sinh hoạt ở các khu vực ngoài trời kể từ ngày 29/3/2022. Từ 1/4/2022, Singapore cho phép tất cả các hành khách đã tiêm đủ hai mũi vắc xin được nhập cảnh mà không cần cách ly, với điều kiện phải có kết quả xét nghiệm âm tính (bằng phương pháp PCR hoặc test nhanh tại các cơ sở y tế được công nhận) 72h tiếng đồng hồ trước khi bay. Đến ngày 26/4/2022, Singapore tiếp tục dỡ bỏ quy định nêu trên, hành khách đến Singapore chỉ cần mang theo chứng nhận tiêm chủng với ít nhất 2 mũi tiêm (quy định có thể thay đổi tùy thuộc vào loại vắc xin). Trước đó, ngày 22/4/2022, Lực lượng Liên ngành Singapore (Multi[1]Ministry Taskforce) cũng đã phê chuẩn quyết định gỡ bỏ một số biện pháp “Quản lý an toàn” đối với mọi địa điểm trên cả nước, bao gồm các địa điểm du lịch, ăn uống.
Hiện tại, các hoạt động du lịch ở Singapore đã gần như vận hành “bình thường” trở lại. Một số quy định an toàn hiện nay vẫn được duy trì, cụ thể: đối với các sự kiện lớn (mega-events) có quy mô hơn 500 người và các hộp đêm, việc khai báo y tế thông qua ứng dụng TraceTogether (ứng dụng quản lý tiêm chủng của Singapore) vẫn được áp dụng; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống mặc dù không bị bắt buộc đặt các quầy khai báo qua ứng dụng TraceTogether như trước đây nhưng vẫn phải có trách nhiệm đảm bảo tất cả các khách sử dụng dịch vụ đều có chứng chỉ hoàn thành tiêm chủng vắc xin hợp lệ...
Xây dựng các kịch bản ứng phó với dịch bệnh
Singapore vẫn đang theo dõi rất sát sao những diễn biến của dịch bệnh trong nước và quốc tế để điều chỉnh những quyết sách mở cửa/gỡ bỏ các hạn chế.
Theo nghiên cứu của Yeoman, Postma và Hartman (2022), có 3 cách tiếp cận khi xây dựng kịch bản ứng phó với dịch bệnh, bao gồm: (1) Theo mục tiêu, (2) Theo hướng dự báo và (3) Theo hướng thăm dò. Cụ thể, kịch bản theo mục tiêu sẽ được xây dựng theo những mục tiêu cụ thể, diễn tả bối cảnh tương lai mà đối tượng xây dựng kịch bản hướng đến. Kịch bản theo hướng dự báo xây dựng dựa trên những số liệu có sẵn về tiến trình phát triển của một thực thể nhất định, từ đó đưa ra những kịch bản phát triển trong tương lai gần. Cụ thể, dự báo tăng trưởng du lịch của quốc gia, hay dự báo về số ca bệnh trong tương lai có thể được hiểu là những kịch bản theo hướng dự báo. Cuối cùng, kịch bản theo hướng thăm dò được xây dựng từ nền tảng những nguy cơ tiềm tàng. Dựa trên sự biến đổi của các nguy cơ này, những viễn cảnh cụ thể sẽ được xây dựng. Thông thường, kịch bản theo hướng thăm dò sẽ được áp dụng để nắm bắt những biến đổi trong tương lai xa.
Đối với trường hợp của Singapore, việc mở cửa du lịch thích ứng với đại dịch chịu ảnh hưởng chủ yếu bởi các kịch bản theo hướng dự báo và kế đến là mục tiêu. Ở thời điểm hiện tại, việc tập trung xây dựng kịch bản ứng phó theo hai phương hướng kể trên là hợp lý bởi trong điều kiện hệ miễn dịch cộng đồng đã gần như được thiết lập, khả năng chịu tải của hệ thống y tế vẫn còn cao. Trong tương lai gần, nếu không có sự xuất hiện của các biến chủng siêu lây nhiễm mới, ít có khả năng ngành Du lịch đóng băng trở lại. Các kịch bản dự báo ở thời điểm này sẽ đóng vai trò cốt lõi, là tiền đề để thực hiện các mục tiêu phục hồi và tăng trưởng du lịch.
Về mục tiêu, Chính phủ Singapore đang hướng đến việc đơn giản hóa các thủ tục, quy trình phòng chống dịch ở mức tối đa. Mặc dù số ca mắc có thể tăng khi các hạn chế được dỡ bỏ, nếu hệ thống y tế không rơi vào mức quá tải, việc kiểm soát dịch bệnh, hạn chế các ca tử vong vẫn có thể thực hiện tốt, từ đó tạo nên sự an tâm đối với các du khách đến với Singapore. Chính phủ Singapore vẫn đang liên tục tính toán, cập nhật và công khai các dữ liệu liên quan tới số lượng ca mắc cũng như số giường bệnh còn trống trên trang web chính thức của Bộ Y tế Singapore. Việc chia sẻ các thông tin không chỉ giúp ích cho các cơ quan liên quan trong việc ban hành các chính sách phù hợp, mà còn giúp các doanh nghiệp, du khách hiểu đúng về tình hình dịch bệnh và khả năng quản lý của chính phủ, từ đó đưa ra những quyết định phù hợp.
Chính phủ Singapore cũng tiến hành dự đoán những thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh trong tương lai gần, đồng thời nghiên cứu, thực hiện những quyết sách nhằm giảm tải áp lực cho hệ thống y tế quốc gia, đặc biệt là đối với hệ thống điều trị đặc biệt (ICU). Bên cạnh việc tính toán chính xác số lượng các giường bệnh ICU còn trống, Chính phủ Singapore cũng thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực chăm sóc người bệnh ở các viện dưỡng lão cũng như đẩy mạnh việc áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà. Theo dự báo của Bộ Y tế, một đợt dịch mới có thể sẽ xuất hiện vào tháng 7 hoặc tháng 8. Tuy nhiên bằng việc áp dụng các biện pháp kể trên, các bệnh viện của Singapore sẽ không rơi vào tình trạng quá tải. Hệ thống y tế của Singapore sẽ có đủ khả năng tiếp nhận những ca bệnh đến từ nguồn khách du lịch, từ đó giúp việc mở cửa cũng như giảm thiểu các biện pháp hạn chế không bị gián đoạn.
Một số lưu ý đối với công tác ứng phó với dịch bệnh
Trong điều kiện các quốc gia trong khu vực mở cửa đón khách trở lại và dỡ bỏ các hạn chế, nếu tiếp tục quá chặt chẽ trong khâu kiểm soát dịch bệnh, sẽ rất khó để ngành Du lịch Việt Nam có thể cạnh tranh trong bối cảnh mới. Mặc dù vậy, cần phải hiểu việc gỡ bỏ các hạn chế không đồng nghĩa với việc giảm thiểu kiểm soát đối với dịch bệnh. Thay vào đó, cần có cách tiếp cận phù hợp hơn, có năng lực thích ứng cao hơn so với những quy định đã ban hành trước đây. Nhìn từ bài học của Singapore có thể rút ra được một số kinh nghiệm như sau:
Nâng cao năng lực dự báo những biến động của dịch bệnh: Từ mô hình của Singapore có thể nhận định việc áp dụng phương thức xây dựng kịch bản ứng phó với dịch bệnh theo hướng dự báo là giải pháp phù hợp. Thông qua việc cập nhật liên tục tình hình dịch bệnh trên thế giới, tính toán đà lây nhiễm trong nước, Việt Nam có thể xây dựng những kịch bản dịch bệnh. Đây chính là cơ sở quan trọng để các cơ quan liên quan, trong đó có ngành Du lịch đưa ra những quyết sách phù hợp để vừa mở cửa vừa đảm bảo an toàn cho du khách.
Tính toán, tăng cường sức chịu tải và giảm tải cho hệ thống y tế; quản lý các đối tượng có nguy cơ cao một cách có hiệu quả: Những đợt dịch đã khiến nhiều doanh nghiệp trong nước lâm vào tình trạng kiệt quệ và việc mở cửa một cách ổn định là vô cùng cần thiết để ngành Du lịch phục hồi. Để thực hiện được điều đó, việc thích ứng dựa trên số ca nhiễm không còn phù hợp. Thay vào đó, cần phải tiếp cận việc kiểm soát dịch bệnh dựa trên sức chịu tải của bộ máy y tế, giảm thiểu số ca tử vong và quản lý hiệu quả các đối tượng có nguy cơ cao. Việc tính toán sức chịu tải ở Việt Nam cần phải được thực hiện theo quy mô cấp địa phương (thay vì cấp quốc gia như Singapore) do những đặc thù về tự nhiên cũng như xã hội. Việc tính toán năng lực y tế ở cấp độ địa phương cũng sẽ giúp ngành Du lịch có thể phân bổ lượng khách một cách phù hợp hơn, tránh trường hợp các cơ sở y tế rơi vào tình trạng quá tải. Đồng thời, tăng cường điều trị tại nhà; nâng cao năng lực y tế dự phòng; xây dựng các cơ chế, giải pháp chăm sóc y tế đối với các đối tượng nguy cơ cao là những giải pháp phù hợp ở thời điểm hiện tại.
Tăng cường chia sẻ thông tin, phối hợp giữa các bên liên quan: Trong quá trình thích ứng với dịch bệnh, ngành Y tế đóng vai trò chủ đạo, hỗ trợ các ngành khác vận hành một cách an toàn. Bởi vậy, ngành Y tế và ngành Du lịch cần tích cực chia sẻ thông tin liên quan đến những biến động của đại dịch, khả năng chịu tải của hệ thống y tế để từ đó đưa ra những quyết sách phù hợp. Những báo cáo của ngành Y tế sẽ là nền tảng để ngành Du lịch điều tiết, phân bổ khách du lịch một cách hợp lý, để từ đó vừa đảm bảo an toàn cho du khách vừa tránh tình trạng hệ thống y tế bị quá tải. Đồng thời, việc chia sẻ thông tin, phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cũng hết sức quan trọng, tránh gây thêm những cú sốc làm đứt gãy hoạt động kinh doanh.
Thực hiện điều ti���t, phân bổ khách du lịch một cách hợp lý: việc điều tiết và phân bổ lượng khách không còn chỉ đơn giản là biện pháp để đảm bảo khả năng chịu tải của điểm đến một cách thuần túy như trước đây mà còn là yếu tố tiên quyết để giảm thiểu áp lực lên bộ máy y tế, cũng như nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở các địa phương. Nếu không làm tốt công tác kể trên, sẽ rất khó để duy trì việc nới lỏng các hạn chế, yếu tố làm nên tính cạnh tranh của điểm đến trong bối cảnh hiện nay.
Du lịch Việt Nam đang thực sự bước vào một thời kỳ mới, buộc chúng ta phải thực sự nâng cao năng lực thích ứng với những biến động. Việc ban hành các quy định phòng dịch cứng nhắc đã không còn phù hợp mà cần phải có những tính toán chính xác về diễn biến dịch bệnh trong tương lai gần. Xây dựng kịch bản ứng phó với đại dịch là việc làm cần thiết bởi những dự báo về biến động của dịch bệnh sẽ là điều kiện để ban hành những quyết sách phù hợp nhằm ổn định hệ thống vận hành của ngành Du lịch ở thời điểm hiện tại.
Tài liệu tham khảo:
1. Hamdi, R. (2022) Commentary: Will easing COVID-19 restrictions bring tourists back to Singapore?, Channel News Asia. Available at: https://www.channelnewsasia.com/commentary/travel-masks[1]covid-tourism-attract-visitors-2591191 (Accessed: 5 June 2022).
2. UNWTO (2022) UNWTO World Tourism Barometer: March 2022. Available at: www.unwto.org/ market-intelligence. (Accessed: 5 June 2022).
3. Yeoman, I. S., Postma, A. and Hartman, S. (2022) ‘Scenarios for New Zealand tourism: a COVID-19 response’, Journal of Tourism Futures, ahead-of-p(ahead-of-print). doi: 10.1108/jtf-07-2021-0180.
Đỗ Minh Đức
(Tạp chí Du lịch tháng 8/2022)