Phát biểu khai mạc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch TS. Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, trước đây đối tượng khách du lịch truyền thống được biết đến chủ yếu là những người có thu nhập ổn định (độ tuổi trung niên), tuy nhiên với trào lưu phát triển du lịch của thế giới cùng sự năng động, sức trẻ và đời sống kinh tế xã hội của đất nước đi lên, mức sống cao hơn nên nhu cầu đi du lịch của giới trẻ cũng tăng. Chính vì vậy đây là thị trường rất quan trọng, tại Việt Nam nghiên cứu về thị trường này chưa nhiều nên nhiệm vụ của Viện NCPTDL là công trình nghiên cứu đầu tiên một cách toàn diện giới thiệu về xu hướng du lịch của giới trẻ, đây cũng là sự cấp thiết của đề tài Hội thảo hôm nay.
Báo cáo tại hội thảo, chủ nhiệm đề tài TS. Lê Quang Đăng cho biết, hiện nay không chỉ ở thế giới mà ngay cả ở Việt Nam du lịch giới trẻ đang bùng nổ và là một phân khúc thị trường đầy triển vọng của ngành Du lịch. Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, Việt Nam đang trong thời kỳ tỉ lệ dân số vàng với thành phần thanh thiếu niên (15 đến 35 tuổi) chiếm gần 30% tổng dân số và là bộ phận đông đảo nhất. Nhiều báo cáo và dữ liệu trên khắp thế giới khẳng định giới trẻ hay thanh niên được coi là thế hệ giàu tiềm năng du lịch nhất, vì họ thích đi chơi, khám phá, sẵn sàng chi “mạnh tay” cho những trải nghiệm. Trong đó, một số xu hướng du lịch chính được đưa ra trong báo cáo gồm: du lịch khám phá, du lịch trải nghiệm, du lịch tự túc, du lịch một mình, du lịch kết hợp team building, du lịch “phượt”, trải nghiệm du lịch đẳng cấp, du lịch thiện nguyện, hành trình xuyên Việt.
Theo số liệu khảo sát của nhóm nghiên cứu, số lượng khách giới trẻ đi du lịch chiếm khoảng 50%, khách trung niên chiếm khoảng 30%, khách người già và trẻ em chiếm 15%. Trong đó, hoạt động du lịch và chi tiêu của khách giới trẻ xuất phát từ đặc điểm tâm sinh lý của giới trẻ Việt Nam là những người đam mê “xê dịch”, thích khám phá, tìm hiểu điều mới mẻ ở những vùng đất mới. Theo kết quả điều tra của nhóm nghiên cứu đối với 308 khách giới trẻ lựa chọn tối đa 3 đáp án cho những hoạt động yêu thích nhất tại điểm đến, có 88,6% lựa chọn hoạt động tham quan danh lam thắng cảnh; 72,1% lựa chọn vui chơi giải trí, chơi các trò chơi; 67,4% lựa chọn các hoạt động check-in, chụp ảnh… Hoạt động mua sắm và chăm sóc sức khỏe, làm đẹp có tỷ lệ lựa chọn rất thấp, chỉ 3,6% và 1,9% do đây không phải là những ưu tiên của khách giới trẻ khi đi du lịch trong điều kiện tài chính có giới hạn.
Ngoài ra, với loại hình lưu trú thường sử dụng khi đi du lịch có 79,7% khách giới trẻ lựa chọn lưu trú tại các khách sạn 1-2 sao, nhà nghỉ du lịch và 63,9% khách lựa chọn loại hình lưu trú cộng đồng tại các homestay. Tỷ lệ khách giới trẻ có điều kiện kinh tế khá giả lựa chọn lưu trú tại các khách sạn 3-5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp (chiếm 15,2 %)…
Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về thực trạng, xu hướng, giải pháp thu hút khách giới trẻ, công tác xúc tiến quảng bá.
Nhận định về tiềm năng của xu hướng này, ông Cao Quốc Chung – Phó Giám đốc Vido Tour cho rằng mức chi tiêu của giới trẻ không cao, tuy nhiên đây chính là đại sứ du lịch của các điểm đến với sự nhiệt tình, nhiệt huyết và sôi nổi của tuổi trẻ. Đại diện cho doanh nghiệp du lịch, Phó Giám đốc Vido Tour đã đưa ra 8 dòng sản phẩm chính của giới trẻ mà báo cáo nên hướng đến gồm: du lịch mạo hiểm, chinh phục; du lịch văn hóa – tâm linh; du lịch thể thao; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch tham quan thắng cảnh; du lịch ẩm thực; du lịch học tập – giáo dục về nguồn; du lịch kết nối. Ngoài ra, công tác xúc tiến quảng bá thu hút giới trẻ chưa nhấn mạnh vai trò của truyền thông, đặc biệt là các KOL (người có sức ảnh hưởng) bởi đây là đối tượng có sức ảnh hưởng lớn đến giới trẻ hiện nay.
Theo TS. Trần Diễm Hằng, Trưởng khoa Du lịch Trường Đại học Hòa Bình, độ tuổi của giới trẻ (từ 15-35 tuổi) cần phải thay đổi, chỉ nên giới hạn từ 15-30 tuổi và chia nhỏ từng độ tuổi để nghiên cứu. Trong đó báo cáo cũng cần bổ sung thêm xu hướng của giới trẻ thế giới tại các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… để tham khảo và so sánh với xu hướng trong nước.
Thảo Anh