Theo Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Thị Thanh Hương, thời gian qua nhiều địa phương đã khai thác DLCĐ (loại hình du lịch dựa trên các giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên, sinh thái nông nghiệp…), qua đó góp phần đa dạng hóa điểm đến và sản phẩm du lịch Việt Nam, thu hút khách đến khu vực nông thôn, tạo doanh thu, việc làm cho người lao động, từng bước xóa đói giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do chưa có những quy định cụ thể, nên mỗi địa phương tùy theo tình hình thực tế, ban hành chương trình hỗ trợ phát triển DLCĐ khác nhau, như chính sách hỗ trợ phát triển DLCĐ lồng ghép vào chương trình hỗ trợ khuyến khích phát triển du lịch chung của tỉnh Hà Giang; hoặc như Đắk Nông ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ đẩu tư trong đó có phần hỗ trợ phát triển DLCĐ…
Vụ trưởng Vụ Lữ hành (TCDL) Nguyễn Quý Phương cho hay, DLCĐ tại Việt Nam xuất hiện từ năm 1997 tại một số địa phương, đến nay đã mở rộng trên khắp toàn quốc với khoảng 300 làng, bản, buôn, thôn, xóm có hoạt động DLCĐ. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến cuối năm 2019, cả nước có hơn 5.000 homestay hoạt động với sức chứa gần 100.000 khách, trong đó có hơn 2.000 cơ sở đã được công nhận đạt chuẩn…
“Mặc dù có bước phát triển nhanh chóng, nhưng đến nay DLCĐ vẫn chưa có quy chuẩn chính xác, vì vậy loại hình du lịch này phát triển ồ ạt, nhiều nơi không thành công như mong muốn do không có kinh nghiệm quản lý, thiếu sự kết nối với doanh nghiệp lữ hành dẫn tới không có nguồn khách…”, ông Phương nói.
PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch, Đại học KHXH&NV nhận định, sức ép gia tăng lượng khách tại một số điểm DLCĐ đã dẫn tới tình trạng lạm dụng tài nguyên du lịch, thương mại hóa, tầm thường hóa các giá trị văn hóa bản địa, văn hóa dân tộc; bên cạnh đó, sự trùng lặp của sản phẩm, dịch vụ DLCĐ tại một số địa phương có nét tương đồng về văn hóa cũng như điều kiện phát triển du lịch khiến cho tính hấp dẫn, độc đáo điểm đến bị giảm đi.
“Thời gian đầu khi DLCĐ mới hình thành và đi vào hoạt động tại Mai Châu, Hòa Bình cực kỳ thu hút khách bởi tính hấp dẫn của điểm đến, của bản sắc văn hóa đặc sắc, độc đáo, nhưng hiện nay Mai Châu hoàn toàn khác”, ông Long nói.
Vấn đề đáng lo ngại nhất được ông Long nhấn mạnh – là vệ sinh môi trường đang là sức ép lớn đối với du lịch nói chung và DLCĐ nói riêng.
Giám đốc CBT khu vực Tây Bắc Vì Văn Hưởng chia sẻ câu chuyện rất đáng suy ngẫm “DLCĐ Mai Hịch khai thác sản phẩm du lịch bằng bè tre trên suối cho du khách ngắm cảnh bản làng, ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, người dân bản giữ gìn cảnh quan rất tốt, nhưng chỉ được một thời gian, các hộ dân sinh sống trên thượng nguồn lại xả rác trôi xuống dưới, làm mất vệ sinh, phản cảm, và xử lý rất phức tạp”, anh Hưởng cho rằng những người trực tiếp tham gia DLCĐ cho dù ý thức tốt đến mấy, nhưng nhận thức của dân cư lân cận chưa tốt, cũng rất khó phát triển loại hình du lịch này.
Một khía cạnh khác, anh Hưởng cho rằng hiện nay vấn đề công nghệ số trong du lịch đang được nhắc đến nhiều, nhưng đối với bà con làm DLCĐ ở vùng sâu, vùng xa việc áp dụng là hết sức khó khăn, vì thế rất mong sớm được “cầm tay chỉ việc” từ các cơ quan quản lý.
Theo ông Tạ Văn Tuấn, Trưởng đại diện tổ chức AOP (Úc) tại Việt Nam, việc hài hòa lợi ích trong phát triển DLCĐ là vấn đề hết sức khó khăn, bên cạnh chủ thể là người dân làm DLCĐ còn những hộ dân khác không làm du lịch sinh sống trong cộng đồng, mà không phải ai cũng sẵn sàng chia sẻ, “không gian ồn ào, đường sá bị xuống cấp, hư hại, rồi sự riêng tư của người dân cũng (có thể) bị xâm phạm do du khách ngó nghiêng, chụp ảnh…, rồi người dân không được hưởng lợi gì từ du lịch…, tất cả những vấn đề này nếu không khéo léo xử lý thì rất khó khăn thúc đẩy sự phát triển DLCĐ”, ông Tuấn nói.
Chia sẻ ý kiến này, ông Đoàn Văn Dũng, Giám đốc công ty CP du thuyền Đông Dương (Indochina), đơn vị đang triển khai dự án DLCĐ tại Bình Liêu, Quảng Ninh chia sẻ, làm DLCĐ không phải là khai thác dịch vụ, mà đó là tài nguyên du lịch cần gìn giữ, bảo tồn vì những giá trị trải nghiệm rất quý báu mang đến cho du khách, đặc biệt là khách quốc tế. “Muốn làm DLCĐ tốt, vấn đề đầu tiên là phải có quy hoạch, có chiến lược”, ông Dũng bày tỏ.
Từ thực tế khảo sát hàng loạt điểm DLCĐ mới đây nhất, GS.TS Nguyễn Văn Đính khẳng định, DLCĐ không thể phát triển theo phong trào, cần nâng cao nhận thức về DLCĐ cũng như hỗ trợ từ cơ quan quản lý về kỹ năng, nghiệp vụ, cách thức ứng xử…
Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy cho rằng, chính sách hỗ trợ là hết sức cần thiết đối với phát triển DLCĐ, nhưng cần cụ thể, hỗ trợ những gì, ra sao. Theo ông Thủy, yếu tố quan trọng nhất là sự trang bị về kiến thức để người dân làm DLCĐ tự tin, chủ động…
Ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, xác đáng các nhà khoa học, quản lý, tổ chức và doanh nghiệp nêu ra tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết TCDL sẽ tổng hợp để hoàn thiện dự thảo, trình lãnh đạo Bộ VHTTDL ban hành Chương trình hỗ trợ, phát triển DLCĐ tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Viễn Nguyệt