Theo thống kê của Sở VHTTDL Sơn La, năm 2019, tổng lượng khách du lịch đến Sơn La đạt 2,5 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 110.000 lượt; tổng doanh thu du lịch đạt 1.915 tỷ đồng. Toàn tỉnh có trên 350 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 51 khách sạn (28 khách sạn từ 1-2 sao, 08 khách sạn từ 3-5 sao và 15 khách sạn đạt tiêu chuẩn), nhà nghỉ du lịch, homestay; 33 khu, điểm, bản du lịch đang khai thác khách…
Nhìn nhận kết quả này, Giám đốc Sở VHTTDL Hoàng Ngân Hoàn cho rằng, mặc dù đã có nhiều chuyển biến, tuy nhiên chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh.
Từ thực tiễn đó, để du lịch Sơn La tiếp tục phát triển cần xác định được quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp cụ thể trong giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 trong Đề án phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025 được công nhận khu Du lịch quốc gia Mộc Châu; định hướng đưa lòng hồ thủy điện Sơn La vào quy hoạch khu Du lịch quốc gia; xây dựng các sản phẩm du lịch Sơn La độc đáo khác biệt, bền vững, gắn với quảng bá du lịch hiệu quả, bà Hoàn cho biết.
Về sản phẩm du lịch, Sơn La xác định tập trung phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Khu Du lịch lòng hồ Thủy điện Sơn La, Khu du lịch thành phố Sơn La, Khu du lịch Bắc Yên, du lịch Rừng thông bản Áng; Khu du lịch Ngọc Chiến - Mường La; xây dựng và phát triển sản phẩm điểm du lịch: điểm du lịch Thác Dải Yếm, điểm du lịch Happyland, điểm du lịch Pha Luông (huyện Mộc Châu), điểm du lịch Rừng Vàng, điểm du lịch Thung lũng Hoa Ban (thành phố Sơn La); điểm du lịch Đảo trái tim, điểm du lịch Vịnh Uy Phong (huyện Quỳnh Nhai); điểm du lịch Đèo Pha Đin (huyện Thuận Châu); điểm du lịch Tà Xùa, sống lưng khủng long, đồi Pu Nhi (huyện Bắc Yên); xây dựng và hoàn thiện các điểm du lịch tâm linh…
Bên cạnh đó, tổ chức sự kiện du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và giới thiệu quảng bá nông sản an toàn thu hút khách du lịch tiêu biểu như: ngày hội Xoài huyện Yên Châu; Ngày hội Nhãn huyện Sông Mã; Ngày hội Văn hóa Du lịch, Ngày hội Hái quả, Hội Chè cao nguyên huyện Mộc Châu; Ngày hội VHTTDL huyện Quỳnh Nhai; Bắc Yên, Phù Yên; Ngày hội hoa Đào huyện Vân Hồ...
Xây dựng sản phẩm du lịch chuyên đề: lễ hội kinh khí cầu quốc tế; giải Marathon đường mòn Việt Nam tại Mộc Châu; tổ chức các cuộc thi thiết kế hàng lưu niệm và quà tặng du lịch, cuộc thi ảnh đẹp du lịch; hội thi Ẩm thực Sơn La; hội thi Hoa hậu bò sữa Mộc Châu…; Lựa chọn phát triển các loại hoa: Hoa ban, hoa đào mang sắc thái riêng của tỉnh Sơn La…
Sơn La đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 5,2 triệu lượt khách du lịch, tổng thu từ du lịch dịch vụ đạt 5.800 tỷ đồng.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến về việc khắc phục các hạn chế tồn tại, cũng như những giải pháp cần xác định đẩy mạnh từ quản lý nhà nước, đầu tư hạ tầng, phát triển sản phẩm, thu hút đầu tư, tăng cường quảng bá và đào tạo nhân lực, giữ gìn bản sắc văn hóa, phát triển du lịch cộng đồng, áp dụng công nghệ số trong quảng bá du lịch, triển khai thí điểm mô hình kinh tế đêm để thu hút chi tiêu của du khách… đã được các doanh nghiệp thẳng thắn góp ý trên tinh thần xây dựng, sát cánh để thúc đẩy du lịch Sơn La phát triển.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội, do ảnh hưởng của Covid-19, du lịch Sơn La cũng như tất cả các địa phương đều ảnh hưởng nặng, để du lịch phục hồi, Sơn La nên lấy năm 2021 là bản lề để đẩy mạnh quảng bá, tăng cường thu hút khách.
Chia sẻ ý kiến này, Tổng Thư ký CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội Từ Mỹ Hạnh cho rằng, Sơn La cần tăng cường gắn kết với các Hiệp hội du lịch trên cả nước để lan tỏa hình ảnh du lịch mạnh mẽ hơn.
Theo bà Lê Quế, Vụ Lữ hành, TCDL, để đạt được những mục tiêu đề ra, công tác đào tạo nhân lực du lịch cần lưu ý về du lịch cộng đồng, cần có sự trang bị kỹ năng làm du lịch, ngoại ngữ, đảm bảo vệ sinh tại các bản làng đang đón khách, đào tạo làm du lịch cộng đồng…
Giám đốc Tiên Phong Travel Phùng Xuân Khánh cho rằng, Sơn La cần có slogan khái quát ý tưởng, xác định thương hiệu để quảng bá sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Lâm, chuyên gia dự án phát triển du lịch cộng đồng Sơn La lưu ý, hiện Sơn La chưa tận dụng sức dân trong phát triển du lịch cộng đồng, trong đó chưa có các quy chế dẫn đến tình trạng ồ ạt thu hút đầu tư phá vỡ cảnh quan truyền thống của bản làng mà không có chế tài xử lý. Nếu tiếp tục phát triển du lịch cộng đồng cần có giám sát khâu tổ chức mới đảm bảo tính bền vững…
Ghi nhận và đánh giá cao dự thảo Đề án phát triển du lịch Sơn La đến 2025, định hướng 2030, thể hiện quyết tâm trong phát triển du lịch, Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Thị Thanh Hương lưu ý Sơn La đặc biệt quan tâm vấn đề môi trường, bài học của nhiều địa phương nôn nóng phát triển du lịch dẫn đến những hậu quả môi trường rất khó giải quyết. "Đối với phát triển sản phẩm, du lịch cộng đồng tại Sơn La phải có tính chất đại diện cho các dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn, có tính khác biệt, tránh trùng lặp, cần xác định Hà Nội, vùng phụ cận duyên hải…là những thị trường trọng điểm, nhiều tiềm năng đối với du lịch Sơn La; đối với một số thị trường quốc tế ngành VHTTDL Sơn La xác định như Trung Quốc, Hàn Quốc… là chưa chính xác do sự tương đồng về sản phẩm, nên tập trung thị trường khách Pháp, Tây Âu… để quảng bá.
Đối với slogan du lịch Sơn La là rất cần thiết và cần có sự tính toán để triển khai. Kinh nghiệm Hà Giang về hoa tam giác mạch là rất đáng học tập, Sơn La có nhiều hoa nhưng nên chọn một chủ đề tập trung không nhất thiết tập trung và có tính dài hạn để các doanh nghiệp lữ hành không bị phụ thuộc vào mùa vụ…", Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh.
V.Hùng