Bối cảnh thực tế vùng nông thôn tại Lâm Đồng
Trên thực tế, Lâm Đồng đã hình thành nhiều hình thức hợp tác cho phát triển du lịch tại các vùng nông thôn, như đã hình thành các nhóm dịch vụ cồng chiêng tại Lạc Dương với mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa người K’Ho; hình thành hai làng nghề trồng dâu nuôi tằm tại Nam Ban, Lâm Hà nhằm liên kết xây dựng chuỗi sản phẩm đạt chuẩn từ đầu vào đến đầu ra, đồng thời kết hợp phát triển du lịch; hình thành các hợp tác xã nông nghiệp, kết hợp sản xuất, thu mua nông sản của người dân và đón khách tham quan tại các nhà vườn… Khi các bên liên quan tham gia vào các nhóm hợp tác giúp mang lại nhiều lợi ích như: tạo ra nhiều việc làm hơn, nâng cao thu nhập, mở rộng mối quan hệ, nâng cao các kiến thức và kỹ năng du lịch, đồng thời giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa hướng tới phát triển du lịch bền vững.
Nhìn chung, vùng nông thôn Lâm Đồng có nhiều tiềm năng cho hợp tác phát triển du lịch, tuy nhiên hợp tác các bên liên quan cũng có nhiều hạn chế nhất định như: người dân địa phương có những hạn chế nhất định về khả năng phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch nông thôn; nhiều người dân tham gia cung ứng các dịch vụ du lịch thiếu kỹ năng và kiến thức để quảng bá sản phẩm du lịch; khó khăn trong tiếp cận khách du lịch do bất lợi về quy mô hoạt động, khoảng cách di chuyển và hạ tầng giao thông; thiếu cơ chế hợp tác thúc đẩy sự tham gia các bên liên quan vào phát triển du lịch nông thôn; kết nối giữa các cơ sở kinh doanh tại vùng nông thôn với các doanh nghiệp du lịch bên ngoài vẫn còn rất hạn chế...
Sự cần thiết tiếp cận hợp tác các bên liên quan cho phát triển du lịch vùng nông thôn
Trong điều kiện Lâm Đồng là một trong số các địa phương đi đầu cả nước về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và là địa phương đã có quá trình phát triển du lịch khá lâu dài thì tiềm năng cho phát triển du lịch và hợp tác phát triển du lịch vùng nông thôn là rất lớn.
Hợp tác các bên liên quan đang được xem là một trong số các giải pháp thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển theo hướng bền vững, giúp các bên liên quan cùng thỏa thuận, trao đổi, cam kết trên cơ sở sự đồng thuận về mục tiêu phát triển du lịch, và mang lại các lợi ích cụ thể:
Thứ nhất, đổi mới và phát triển sản phẩm du lịch. Sự tương tác giữa các bên liên quan giúp tư vấn các cơ sở kinh doanh du lịch tại vùng nông thôn để có thể xây dựng, điều chỉnh và phát triển sản phẩm du lịch theo hướng đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Đặc điểm sản phẩm du lịch nông thôn là sự kết hợp từ nhiều yếu tố như cảnh quan vùng nông thôn, phương thức sản xuất nông nghiệp của các nông hộ, tài nguyên nông nghiệp kết hợp với giá trị văn hóa của người dân địa phương. Do đó, thông qua sự tham gia của các bên liên quan trong hợp tác sẽ đóng góp vào hoàn thiện sản phẩm trên cơ sở thế mạnh từng vùng và sự khác biệt đối với sản phẩm du lịch vùng nông thôn nhằm gia tăng sự trải nghiệm cho du khách.
Thứ hai, giúp quảng bá các sản phẩm du lịch vùng nông thôn và thu hút khách du lịch. Mặc dù vùng nông thôn Lâm Đồng có nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch, tuy nhiên các sản phẩm du lịch vùng nông thôn chưa được quảng bá rộng rãi. Nhiều nông hộ chưa tìm được cách thức quảng bá sản phẩm du lịch phù hợp nên hợp tác các bên liên quan sẽ giúp người dân địa phương, đặc biệt các nông hộ và các doanh nghiệp quy mô nhỏ quảng bá được sản phẩm của mình thông qua các công ty du lịch và qua các hoạt động đón khách tại điểm đến; đồng thời, cũng giúp hình thành các tour, tuyến điểm du lịch nông thôn thông qua kết nối các điểm du lịch nông thôn.
Thứ ba, nâng cao năng lực tham gia của các bên, đặc biệt người dân địa phương. Đây là lợi ích rất quan trọng của hợp tác các bên liên quan. Thông qua hợp tác, các bên liên quan nâng cao về kỹ năng, kiến thức, thái độ phục vụ du lịch và nâng cao nhận thức, hiểu biết về du lịch. Đặc biệt, hợp tác còn giúp các nông hộ nâng cao được kỹ năng quản lý và kinh doanh du lịch trên nền sản xuất nông nghiệp và nâng cao nhận thức về sản xuất nông nghiệp đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Thứ tư, tổng hợp được các nguồn lực cho phát triển du lịch. Phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững là một xu hướng phổ biến hiện nay. Do đó, hợp tác giữa nhiều bên liên quan như chính quyền địa phương, các cơ quan ban ngành, các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài địa phương, người dân tham gia vào hoạt động du lịch sẽ giúp tổng hợp được các nguồn lực như chính sách vay vốn hỗ trợ các cơ sở đầu tư vào du lịch, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, chính sách quảng bá du lịch vùng nông thôn, đào tạo, tập huấn các kỹ năng du lịch cho các nông hộ…; đồng thời, gắn kết phát triển du lịch với chính sách xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Thứ năm, giúp tiêu thụ nông sản và gia tăng lợi ích cho các bên tham gia. Thông qua hợp tác, các công ty lữ hành sẽ đưa nguồn khách tới các nông hộ tham quan trải nghiệm. Trong quá trình tham quan khách du lịch sẽ mua các nông sản do nhà vườnsản xuất ra như rau, củ, quả, trà, cà phê, lụa tơ tằm... từ đó gia tăng lợi ích cho các nông hộ. Đồng thời, các công ty lữ hành cũng đáp ứng tối đa được nhu cầu khách hàng, nâng cao chất lượng chương trình du lịch và hiệu quả kinh doanh du lịch.
Thứ sáu, giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và bản địa. Hợp tác các bên liên quan giúp nâng cao nhận thức người dân địa phương về giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống và bản địa cho phát triển kinh tế địa phương.
Để phát triển du lịch và phát triển kinh tế vùng nông thôn thì hợp tác các bên liên quan là cần thiết. Vì vậy, tiếp cận hợp tác các bên liên quan cho phát triển du lịch nên được tổ chức, duy trì hoạt động để đảm bảo tổng hợp được các nguồn lực cho sự phát triển du lịch. Đặc biệt trong bối cảnh vùng nông thôn có nhiều điều kiện hạn chế về khả năng kết nối hợp tác cho phát triển du lịch theo hướng bền vững.
Nguyễn Thị Thanh Ngân