Trên địa bàn xã Ia Mơ Nông có hai làng được coi là có thế mạnh, tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng là làng Phung và làng Kép. Đây là hai làng truyền thống của người Jrai thuộc xã Ia Mơ Nông, cách thành phố Pleiku khoảng 40km về hướng Tây Bắc. Làng Phung có cảnh quan đẹp cùng những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, có vị trí tương đối thuận lợi để khai thác du lịch do nằm trên hành lang tuyến đường đi đến công trình thủy điện Ialy. Làng Kép nằm kề bên tuyến đường đi đến công trình thủy điện Ialy, còn lưu giữ tương đối nguyên vẹn những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Jrai như nhà rông, nhà sàn, nhà mồ, giọt nước... Trải qua bao thăng trầm lịch sử, cuộc sống của cộng đồng dân tộc nơi đây vẫn giữ được những nét đặc sắc qua văn hóa cồng chiêng, kiến trúc nhà mồ, tượng nhà mồ, cùng hàng loạt các lễ hội truyền thống mang hơi thở của những tập tục sơ khai. Không chỉ có nhiều cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, với những khu rừng nguyên sinh cùng hệ thực vật đa dạng, những dòng sông quanh co chảy xiết và những hồ nước mênh mông phẳng lặng, vùng đất này còn được tô điểm bởi những cánh rừng cao su, đồi chè, cà phê bạt ngàn và những công trình thủy điện quốc gia. Đây là những điểm đến thú vị của du khách trong hành trình khám phá đời sống văn hóa các dân tộc Tây Nguyên.
Trong những năm qua, mặc dù có tiềm năng và được sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương nhưng sự tham gia vào các hoạt động du lịch cộng đồng của người dân nơi đây còn thụ động, chưa thể hiện tốt vai trò của người tham gia trực tiếp, của người thụ hưởng chính theo chủ trương phát huy tinh thần chủ động của người dân trong phát triển kinh tế du lịch cộng đồng mà Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo trong Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị đó là: tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch; có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng; nâng cao vai trò của cộng đồng, xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện trong ứng xử với khách du lịch…”.
Tại xã Ia Mơ Nông, mặc dù người dân địa phương đã tham gia vào hoạt động du lịch và nhận thức được vai trò của du lịch đối với phát triển kinh tế, nhưng số lượng người dân tham gia làm du lịch còn ít, hầu hết chưa có kiến thức và kinh nghiệm, hơn nữa theo thông tin cung cấp của ông Phạm Minh Châu - Chủ tịch xã Ia Mơ Nông thì hiện tại cả xã mới có chưa đến 10 cơ sở kinh doanh cung cấp những dịch vụ cho khách du lịch như lưu trú, ăn uống. Đặc biệt, xã chưa hình thành được Ban quản lý du lịch cộng đồng, đây chính là mấu chốt của vấn đề phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương. Bởi lẽ, để phát triển du lịch tại địa phương, gắn với lợi ích của cộng đồng người dân thì phải có các hoạt động về văn hóa như lễ hội, các hoạt động văn nghệ cac múa nhạc truyền thống, các hoạt động làng nghề thủ công như đan lát, thêu thùa… để tạo các sản phẩm điểm nhấn thu hút khách du lịch tham gia.
Để khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch Ia Mơ Nông nói riêng, Chư Pah - Gia Lai nói chung cần có sự quan tâm đầu tư đúng mức của các cấp chính quyền cũng như sự nỗ lực của các thành phần kinh tế tham gia trong các hoạt động du lịch tại địa phương. Sau đây chúng tôi xin mạnh dạn đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương như sau:
Tôn tạo tài nguyên và bảo vệ môi trường; kết hợp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa
Bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích văn hóa - lịch sử; đầu tư nâng cấp hệ thống bảo tàng, nhà triển lãm do Nhà nước quản lý cũng như khuyến khích thành lập các bảo tàng tư nhân để phục vụ nhu cầu tìm hiểu văn hóa, lịch sử của khách du lịch.
Tiến hành quy hoạch một số điểm trình diễn nghệ thuật ca múa nhạc dân tộc với các chương trình biểu diễn độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên đại ngàn, tiến hành phân loại, hệ thống hóa và tổ chức tốt các lễ hội truyền thống trên địa bàn để phục vụ khách du lịch.
Quy hoạch, đầu tư phục hồi và phát triển các làng nghề truyền thống của địa phương; khuyến khích phát triển các điểm trưng bày và bán hàng lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ để phục vụ khách du lịch. Để thực hiện được việc này cần có chính sách hỗ trợ đào tạo, dạy nghề cho người lao động và hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở sản xuất.
Tuyên truyền giáo dục
Tăng cường vốn ngân sách cho xúc tiến quảng bá du lịch, tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, xây dựng hình ảnh và thương hiệu du lịch địa phương phong phú, thân thiện, xanh - sạch - đẹp. Đẩy mạnh chuyên nghiệp hóa và xã hội hóa hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch.
Xây dựng chương trình giới thiệu về Du lịch Gia Lai nói chung, Ia Mơ Nông - Chư Pah nói riêng trên các chương trình truyền hình Việt Nam và địa phương…
Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực
Hiện nay, trên địa bàn xã Ia Mơ Nông có làng Phung và làng Kép là hai làng có tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng nhất, tuy nhiên tất cả nhân lực làm những công việc liên quan đến phát triển du lịch cộng đồng tại đây đều chưa qua bất kể một khóa đào tạo hay tập huấn nào của các cơ quan chuyên môn về du lịch. Vì vậy, địa phương cần đề xuất lập quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn, đồng thời xây dựng và thành lập Ban quản lý du lịch cộng đồng để từng bước thực hiện kế hoạch chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa trong phát triển du lịch cộng đồng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phối hợp với UBND các địa phương xây dựng và triển khai các kế hoạch, chương trình tập huấn, bồi dưỡng kiến thức kinh doanh du lịch cho lực lượng lao động gián tiếp của ngành Du lịch. UBND địa phương cấp huyện xây dựng và xúc tiến thực hiện các chương trình giáo dục cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường, cách ứng xử, giao tiếp với khách du lịch…
Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch
Đối với sản phẩm du lịch văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, cần khai thác các nét văn hóa đặc thù của đồng bào dân tộc Tây Nguyên với các hoạt động tham quan tìm hiểu đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc ít người (tập quán sinh hoạt, lễ nghi, lễ hội, ẩm thực...) gắn với không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và kết hợp tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, chiến trường xưa, bảo tàng, công viên văn hóa…
Với du lịch cộng đồng homestay (lưu trú tại nhà dân), khai thác mô hình du lịch cộng đồng tại các buôn làng, tạo điều kiện cho du khách có cơ hội trải nghiệm đời sống và sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.
Đối với sản phẩm du lịch trang trại, cần khai thác lợi thế của địa phương là có nhiều trang trại lớn để tổ chức hoạt động du lịch tham quan các nông trại trồng cafe, chè, hồ tiêu và trải nghiệm trồng trọt, sản xuất tại nông trại…
*Bài báo được hỗ trợ bởi đề tài cấp trường. Mã số: SPHN 20_15.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
2. Trương Quang Hải, Đặng Ngọc Hà, Trần Đăng Hiếu. Thế mạnh tài nguyên du lịch nhân văn vùng Tây Nguyên. Tạp chí Khoa học xã hội Tây Nguyên, ISSN 1859-4042, số 1(17), 2015, tr.17-25
3. Trần Đăng Hiếu. Đánh giá phát triển du lịch tỉnh Gia Lai bằng phân tích S.W.O.T. Tạp chí Địa lý nhân văn, 2016.
4. Nguyễn Đức Hoàng. Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Gia Lai. Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Gia Lai, 2014.
5. Nguyễn Hồng Sơn. Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa Tây Nguyên. NXB Chính trị Quốc gia, 1996.
ThS Trần Đăng Hiếu
Khoa Việt Nam học – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.