Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, với lợi thế đường bờ biển dài cùng 125 bãi biển trong đó nhiều địa điểm được bình chọn trong danh sách những bãi biển đẹp, quyến rũ nhất hành tinh, bên cạnh đó Việt Nam cũng là 1 trong 12 quốc gia có vịnh đẹp nhất thế giới, du lịch biển nhiều năm qua luôn là thế mạnh của ngành Du lịch Việt Nam. Mặc dù vậy, cho đến nay việc phát huy giá trị tài nguyên biển mới chỉ dừng ở việc khai thác ven bờ, trong khi Việt Nam còn sở hữu hệ thống các đảo có tiềm năng nhưng chưa được khai thác.
Một số đảo lớn đã khai thác hoạt động du lịch như Phú Quốc, Côn Đảo, Phú Quý, Cát Bà... và một số đảo nhỏ ven bờ cũng đã có hoạt động du lịch phát triển như đảo Hòn Tre (Khánh Hòa), đảo Tuần Châu (Quảng Ninh), Cù Lao Chàm (Quảng Nam)... Đặc biệt, Phú Quốc (Kiên Giang) và Côn Đảo (Bà Rịa Vũng Tàu) là những đảo có hoạt động du lịch nổi bật nhất. Đây là 2 đảo được đầu tư bài bản với định hướng đúng đắn về phát triển hạ tầng cũng như sản phẩm, dịch vụ du lịch, vì lẽ đó cả hai đảo đã đạt được những thành tựu nhất định, khẳng định được vị trí, vai trò trong phát triển du lịch của tỉnh Kiên Giang và Bà Rịa Vũng Tàu. Không chỉ dừng ở quy mô cấp tỉnh, Phú Quốc và Côn Đảo còn đóng góp cho ngành Du lịch Việt Nam những giải thưởng giá trị như: Giải thưởng khu nghỉ dưỡng hàng đầu thế giới năm 2018 dành cho Sixsence Côn Đảo; Giải thưởng khu nghỉ dưỡng villa hàng đầu thế giới năm 2019 dành cho Premier Village Phú Quốc. Những giải thưởng danh giá này đã góp phần không nhỏ trong việc khẳng định vị trí của Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.
Nhận thấy được tiềm năng của hệ thống các đảo ven bờ, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/01/2020 đã xác định: “Du lịch biển, đảo là một trong 04 dòng sản phẩm chính của du lịch Việt Nam". Bên cạnh đó Chiến lược phát triền bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã xác định phát triển du lịch biển, đảo là một trong những nội dung góp phần hình thành các khu kinh tế biển trọng điểm. Không chỉ dừng ở tiềm năng phát triển du lịch với vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, hệ thống các đảo vùng ven biển Việt Nam còn giữ vị trí vô cùng quan trọng đối với chính trị, an ninh quốc phòng. Có thể khẳng định việc khai thác tiềm năng đảo, ngoài việc đóng góp cho các ngành du lịch, kinh tế, còn khơi dậy được lòng tự hào dân tộc, ý thức gìn giữ môi trường, nâng cao được nhận thức về chủ quyền quốc gia. Việc khai thác tiềm năng, giá trị các đảo cũng nhằm mục đích cụ thể hóa quyền, nghĩa vụ của Việt Nam trong việc thực hiện Luật Biển 2013, thực thi các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế về biển, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Tại hội thảo, đại diện Viện NCPTDL đã trình bày báo cáo về thực trạng và đề xuất phát triển du lịch biển đảo, theo đó, đánh giá chung về hiện trạng phát triển du lịch của các đảo ven biển Việt Nam với lợi thế về tài nguyên du lịch rất phong phú, đa dạng, có mức độ tập trung cao; tuy nhiên việc khai thác tài nguyên còn manh mún, sản phẩm du lịch nghèo nàn; các dịch vụ và cơ sở lưu trú chưa đáp ứng được nhu cầu của khách; nguồn nhân lực không đồng đều; sự phối hợp giữa các ban, ngành trong việc khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên còn nhiều bất cập…
Một số giải pháp đã được các đại biểu nêu ra, trong đó cần lựa chọn những sản phẩm du lịch có tính đặc thù, tập trung đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, nâng cấp hệ thống giao thông, phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về vấn đề an ninh, an toàn, gắn với quy hoạch theo từng vùng, đặc biệt là bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và kiểm soát sức tải tránh gây phá vỡ đa dạng sinh học. Theo đại diện công ty Khang Huy Travel: “yếu tố địa phương là yếu tố quan trọng nhất, tuy là người dân thân thiện, hiếu khách nhưng lại chưa biết cách làm du lịch. Vì vậy cần phải có những chương trình tuyên truyền cho người dân về du lịch bền vững”.
Theo thống kê, vùng biển ven bờ có 2.773 hòn đảo lớn nhỏ với diện tích khoảng 1.700km², trong số đó có 84 đảo có diện tích 1km2 trở lên, 24 đảo có diện tích từ 10km2 đến 557km², hàng nghìn đảo nhỏ chưa được đặt tên. Các đảo phân bố từ Bắc vào Nam với 10 huyện đảo và nhiều xã đảo. |
Thảo Anh