Nhà văn Elizabeth McLean
(Tác giả của tập truyện ngắn “Imagining Vietnam” (Hình dung Việt Nam) vừa giành được giải thưởng “Ấn tượng dành cho nhà văn mới” của vương quốc Anh).
“Tôi đã ở Hà Nội 6 năm, từ năm 2005 đến khi trở về quê nhà tại Vancouver, Canada vào tháng 6/2011. Trong năm cuối cùng tại Hà Nội, tôi sống ở một ngõ nhỏ số 154 phố Đội Cấn, là một con phố rất hẹp, vỉa hè chen chúc những cửa hàng tạp hóa, quán ăn, hiệu làm tóc, hiệu may quần áo, quán cafe... Đường phố xe cộ qua lại đông khủng khiếp, những dòng người liên tục nối đuôi nhau từ lăng Bác đến một ngã tư Đội Cấn - Liễu Giai...
Cho đến một ngày... vào tết năm 2011, tôi bước ra khỏi ngõ nhà mình và đứng như trời trồng trong đôi dép lê. Trước mặt tôi là một con phố vắng tanh, những vỉa hè chẳng một bóng người. Nắng tỏa xuống vỉa hè, lấp lánh soi sáng những viên gạch và những chỗ lồi lõm. Không có xe ô tô, không có xe máy, không có ai cả. Những ngôi nhà cổ tuyệt đẹp mà tôi chưa từng chiêm ngưỡng đang được nắng thắp ngời lên, cho riêng tôi. Kiến trúc của những ngôi nhà ấy thật đặc biệt, đậm nét Hà Nội.
Ngày hôm ấy, chính là sáng sớm mồng 1 Tết Nguyên đán, tôi đi đi lại lại trên con phố Đội Cấn vắng người. Tôi thích thú tận hưởng từng giây phút được sở hữu con phố tuyệt diệu này cho riêng mình. Tôi không bao giờ quên được cái ngày bình yên đó, khi đôi mắt của tôi được mở ra để nhìn thấy vẻ đẹp của phố Đội Cấn. Bây giờ, ngày hôm nay, thậm chí nhắm mắt lại, tôi vẫn nhìn thấy vẻ đẹp ấy”.
Nhà thơ Jennifer Fossenbell
(Tác giả của nhiều tác phẩm văn học tinh tế về Việt Nam, trong đó có bài thơ “Lại được ở trong lòng Hà Nội” đã dành được giải thưởng đặc biệt của cuộc thi thơ “Thơ về Hà Nội” nhân dịp 1000 năm Thăng Long Hà Nội).
“Tôi cùng chồng đặt chân đến Hà Nội lần đầu tiên vào mùa đông năm 2009, và thật ngẫu nhiên, chúng tôi đến vào ngày mồng 1 Tết Nguyên đán của người Việt. Thời tiết lúc đó lạnh và xám xịt, nhưng khi ra ngoài và đi bộ vòng quanh hồ Tây để đến một ngôi chùa gần đó, chúng tôi thấy rất đông người xúng xính trong những bộ quần áo đẹp, và những người bán bóng bay như đang trôi đi cùng với những quả bóng hồng, đỏ, xanh sặc sỡ. Tất cả những gì thuộc về con người đều tưng bừng màu sắc, trên nền âm u và phẳng lặng của bầu trời, mặt hồ, những tòa nhà. Sự tương phản ấy đã gây ấn tượng sâu sắc với bản thân tôi.
Năm 2011, chúng tôi lại ăn tết ở Hà Nội, và một lần nữa tôi yêu thích cảm giác yên bình và khung cảnh đoàn tụ bao phủ lên thành phố vào dịp tết. Những người hàng xóm mời chúng tôi sang nhà họ, đãi chúng tôi món bánh chưng và món ô mai ngon tuyệt.
Vào dịp tết, tôi rất thích được đi bộ quanh phố phường Hà Nội, vì xe cộ những ngày này giảm đi đáng kể, những con phố bình lặng hơn. Tôi thả bộ xuống bờ sông Hồng ở gần nhà để nhâm nhi cà phê cùng vài người bạn.
Và rồi tất nhiên, tết mang tới cho chúng tôi những món ăn thật đặc biệt. Khi đến Việt Nam, tôi dạy tiếng Anh và một người ở trường đã tặng tôi một chiếc bánh chưng, rồi ai đó đã chỉ cho tôi cách lấy chính những chiếc lạt buộc để cắt bánh. Khi quan sát những người phụ nữ bán hàng rong trên phố, tôi học cách rán bánh chưng. Bánh chưng rán có mùi vị khác biệt với tất cả mọi thứ mà tôi từng ăn trước đó…
Có lẽ nhờ sự hào phóng và vẻ đẹp của tết Việt mà tôi đã được hít sâu vào lồng ngực một chút gì đó thật thuần khiết của tâm hồn và văn hóa Việt Nam”.
Nhà văn, họa sĩ Suzi Garner
Tác giả của hai quyển sách về Việt Nam với những bức vẽ đặc biệt do cô thực hiện, mang tên “A Death in Hanoi” (Cái chết ở Hà Nội) và "The Lonely Langur" (Con voọc cô độc). Cô đang hoàn thành tiểu thuyết viết về Việt Nam mang tên “The View From Cloud Mountain” (Nhìn từ Núi Mây)).
“Sau nhiều năm sống và trải nghiệm tết ở Việt Nam, tôi thấy những ngày Tết se lạnh của miền Bắc đã đem đến thật nhiều điều thú vị. Tết mở ra cho tôi những cơ hội để chiêm ngưỡng những diện mạo mới của văn hóa Việt Nam, hiểu thêm những điều mới mẻ về tính cách con người.
Tết năm 2007, một người bạn tôi ở Mai Châu, Hòa Bình bị bệnh phải điều trị nhiều tháng trời ở bệnh viện Bạch Mai. Giao thừa năm đó, mọi người tổ chức ăn tất niên giữa những giường bệnh. Được dự bữa ăn đặc biệt đó, tôi thấy người Việt thật giàu nghị lực, họ có khả năng vượt qua mọi hoàn cảnh để tận hưởng những niềm vui.
Năm sau, tôi lại có dịp về Mai Châu ăn tết. Trời rất lạnh vào ban đêm, nhưng tết ở đây thật ấm áp nhờ rượu, những bữa tiệc và những điệu nhảy cùng với tiếng trống, tiếng cồng đầy ma mị. Tôi còn nhớ, lúc đang đi trên một con đường giữa làng Lạc, Mai Châu, một bà lão nhỏ nhắn gọi tôi đứng lại và loạng choạng bước đến phía tôi. Bà đứng đó, dường như đang say men rượu, cười khúc khích với hàm răng đen và đôi môi đỏ lựng vì nhai trầu. Kéo tay tôi, bà nói liếng thoắng bằng tiếng Thái và những tiếng duy nhất tôi hiểu là “Chúc mừng năm mới”.
Một năm nọ, tôi đứng khấn trước bàn thờ gia tiên của gia đình người bạn ở làng Pom Coọng. Tôi đặt đồ cúng lên bàn thờ trong lúc mẹ của bạn tôi đang khấn bằng tiếng Thái. Bà gập xuống, hai tay thành kính chắp trước ngực. Bạn tôi bảo tôi quỳ cạnh bà và tôi đã làm như thế. Mẹ của bạn tôi khấn xong, bà thúc vào sườn tôi và thì thào: “Đừng quên khấn là trong năm mới cô sẽ lấy được chồng!”.
Nhà thơ Mary Croy
(Tác giả của nhiều bài thơ độc đáo về Việt Nam, như “Nhẹ chào buổi sáng Hà Nội”, “Sông Hương”, “Lá thư tình gửi Hà Nội” … đã được dịch và in trên các tờ báo Việt Nam)
“Nhiều năm trước, khi còn ở Mỹ, tôi đã rất quan tâm đến văn hóa Việt Nam và thậm chí còn tổ chức tết với một nhóm bạn văn chương.
Từ khi đến sống và làm việc ở Việt Nam, tết là một giấc mơ đã thành sự thật. Tôi đã học được rất nhiều điều về tết của người Việt. Tôi thích về quê cùng họ vào dịp tết, gặp gỡ gia đình của họ. Tôi cũng đón tết ở nhà, với một cành hoa đào nhỏ, thực hiện những phong tục của người Việt như thả cá xuống hồ Tây ngày “ông Công ông Táo”, ăn bánh chưng… Tết thật là những ngày vui vẻ và tuyệt đẹp của năm.
Một trong những kỷ niệm tuyệt vời nhất của tôi là lúc tôi về Huế ăn Tết cùng một người bạn Mỹ tên là Tracy. Chúng tôi đã đón tàu hỏa từ Hà Nội về Huế. Khi rời tàu, tôi mệt rã rời. Nhưng chúng tôi đã có một ngày thật tuyệt vời với Nhiên, đồng nghiệp của chúng tôi và gia đình của cô ấy. Sự mến khách và ẩm thực đặc biệt của người Huế làm cho mọi mệt mỏi trong tôi tan biến. Tôi nghĩ có một yếu tố khiến tết trở nên đặc biệt đến thế: đó chính là con người Việt Nam”.
Nguyễn Phan Quế Mai (thực hiện)
Nguồn: Tạp chí Du lịch