Trải nghiệm 4 mùa hội tụ một ngày với Lễ hội mùa hè Sapa năm 2022
Dịp này, chuỗi sự kiện Lễ hội mùa hè Sapa Sapa Summer Festival năm 2022 đã được UBND thị xã Sapa tổ chức từ ngày 23/4 - 30/7/2022 nhằm giới thiệu các chương trình du lịch hè đặc sắc, các sự kiện văn hóa - thể thao độc đáo gắn với thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, bản sắc văn hóa đặc sắc của Sapa. Đây cũng là cơ hội để du khách có thể cảm nhận được sự biến đổi diệu kỳ của khí hậu Sapa khi tiết trời 4 mùa hội tụ trong một ngày. Chuỗi sự kiện mùa hè nhằm thực hiện Kế hoạch số 43/KHUBND ngày 27/01/2022 về việc tổ chức Lễ hội Năm mùa thị xã Sapa năm 2022 bao gồm Lễ hội mùa xuân “Sapa - Vùng đất muôn sắc hoa”, Lễ hội mùa tình yêu; Lễ hội mùa hè; Lễ hội mùa thu “Sapa - Ngày hội mùa vàng”, Lễ hội mùa đông “Sapa - Thiên đường tuyết rơi”.
Sự kiện Khai mạc Lễ hội mùa hè Sapa 2022 đã kích hoạt và khởi động 18 chương trình, sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch hè hấp dẫn, đặc sắc được tổ chức trên địa bàn thị xã Sapa từ tháng 4 đến hết tháng 7/2022. Trong chuỗi sự kiện còn diễn ra Lễ ký kết hợp tác phát triển sản phẩm và xúc tiến, quảng bá du lịch Sapa giữa thị xã Sapa và Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Cáp treo Fansipan, nhằm tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Cáp treo Fansipan trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch, tổ chức các sự kiện và xúc tiến quảng bá thu hút khách đến với Sapa và Khu du lịch Sun World Fansipan Legend.
Các sự kiện điểm nhấn của Lễ hội mùa hè đó là, Lễ hội hoa hồng Fansipan 2022 với chủ đề “Fansipan - Xứ sở hoa hồng trong mây” tại Thung lũng hoa hồng lớn nhất Việt Nam thuộc KDL Sun World Fansipan Legend; chương trình diễu hành Canaval “Sapa - Xứ sở hoa hồng” lần đầu tiên được tổ chức tại Sapa có sự kết hợp tổ chức các màn nghệ thuật đường phố mang dấu ấn văn hóa các dân tộc thiểu số. Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, du khách hòa mình vào chuỗi sự kiện tái hiện “Chợ tình Sapa” trải nghiệm không gian sinh hoạt văn hóa của đồng bào đã gắn với thương hiệu du lịch Sapa. Du khách đồng thời được trải nghiệm không gian check-in Sapa - thổ cẩm và hoa với các góc check-in thổ cẩm dân tộc Xa Phó, Mông, Dao, Tày, Giáy… Bên cạnh đó, đại tiệc thính giác - thị giác mang tới cho du khách với hội chợ thổ cẩm, quà tặng, quà lưu niệm và đặc sản Lào Cai; carnaval đường phố; lễ hội vó ngựa trên mây; khám phá văn hóa các dân tộc xã Tả Phìn; lễ hội Đá và Hoa, chương trình văn nghệ “Hương sắc Sapa”; ngày hội văn hóa bản Mông Cát Cát...
Sau kỳ nghỉ lễ, nhiều sự kiện tiếp tục được kéo dài đến hết ngày 30/7/2022. Các sự kiện bao gồm Ngày hội Văn hóa Ấn Độ tại Sapa; Giải chạy “Sapa - Mùa nước đổ”; Đại lễ Phật Đản; Ngày hội quốc tế Yoga trên đỉnh Fansipan; trải nghiệm không gian văn hóa Tây Bắc; lễ hội trốn nóng trên mây. Đáng chú ý dịp này là chương trình tái khởi động show diễn nghệ thuật “Vũ điệu trên mây” từ tháng 6 - 9/2022. Các chương trình hứa hẹn sẽ tạo ra sản phẩm du lịch hè hấp dẫn và thu hút khách du lịch khi đến với Sapa, góp phần khơi dậy truyền thống văn hóa trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa riêng, đặc thù của Khu du lịch quốc gia Sapa.
Đa dạng sản phẩm vươn tầm quốc tế
Theo Đề án “Phát triển văn hóa, du lịch; xây dựng Khu du lịch trọng điểm quốc gia Sapa mang tầm quốc tế giai đoạn 2021 - 2025”, nhiều giải pháp và nhiệm vụ cụ thể đã được UNBD Thị xã Sapa đưa ra trong Kế hoạch số 407/KH-UBND ngày 31/12/2021, trong đó nêu bật việc phát triển hạ tầng du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, cùng với bảo tồn và khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống phục vụ du lịch.
Theo đó, bên cạnh việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ruộng bậc thang; Di tích khu chạm khắc đá cổ Sapa; bảo tồn, quản lý và khai thác di tích Tu viện Tả Phìn; di tích hang động Tả Phìn; bảo tồn khai thác 3 di tích tâm linh trên địa bàn thị xã gồm đền Thượng, đền Mẫu, đền Hàng Phố…, Sapa đầu tư phát triển nghề truyền thống các dân tộc Sapa thành sản phẩm hàng hóa và quà tặng lưu niệm như: thổ cẩm (Mông, Dao, Xá Phó), rèn đúc (Mông, Dao), chế tác nhạc cụ (Mông, Dao, Tày), mây tre đan (Tàu, Xá Phó), chạm bạc (Dao, Mông)… Thêm nữa, bảo tồn và khai thác nghệ thuật trình diễn dân gian; đồng thời sưu tầm, biên soạn và xây dựng kịch bản tổ chức các lễ hội và nghi lễ truyền thống phục vụ du lịch như: Lễ hội Xuống đồng của người Giáy ở xã Tả Van và dân tộc Tày tại Bản Hồ và Mường Bo; Lễ hội Gầu tào và nghi lễ Nào Sồng của người Mông ở xã Hoàng Liên; lễ hội Cấp Sắc, lễ tết nhảy của người Dao ở xã Tả Phìn và Ngũ Chỉ Sơn; lễ quét làng của người Xa Phó xã Liên Minh; nghi lễ mừng cơm mới và cốm mới của các dân tộc Giáy, Xa Phó và Tày tại các xã Tả Van, Mường Bo và Liên Minh… Đặc biệt, nghiên cứu phát triển ẩm thực truyền thống các dân tộc thành món ăn phục vụ du lịch…
Về phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, Sapa tập trung sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa gắn với du lịch cộng đồng các dân tộc Sapa với chủ đề “Sapa - Xứ sở trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa truyền thống”. Theo đó, Sapa tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng 5 điểm du lịch cộng đồng theo Tiêu chuẩn ASEAN gắn với giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng 5 dân tộc thiểu số trên địa bàn thị xã gồm: Mường Hoa gứn với văn hóa dân tộc Mông, Bản Hồ gắn với văn hóa dân tộc Tày, Tả Phìn gắn với văn hóa dân tộc Dao, Liên Minh gắn với văn hóa dân tộc Xá Phó, Tả Van gắn với văn hóa dân tộc Giáy. Nhân rộng mô hình các điểm du lịch cộng đồng đến các điểm: Mường Bo và Sín Chải (Mường Bo), Lếch Dao (Thanh Bình), Nậm Cang (Liên Minh), Séo Mý Tỷ (Tả Van) và dọc thung lũng Mường Hoa.
Với lợi thế tài nguyên núi, sản phẩm du lịch “Thiên đường nghỉ dưỡng núi” được định hướng phát triển với kế hoạch thu hút các nhóm nhà đầu tư lớn uy tín trong nước và nước ngoài đầu tư các dự án du lịch nghỉ dưỡng lớn có quy mô trên 400 phòng nhằm xây dựng khu du lịch quốc gia Sapa thành trung tâm tổ chức hội nghị, hội thảo lớn cấp quốc gia, quốc tế hiện đại, có dấu ấn bản sắc văn hóa độc đáo của vùng Tây Bắc và đạt Tiêu chuẩn điểm du lịch MICE ASEAN. Khai thác đặc trưng khí hậu của Sapa phát triển mô hình các khu nghỉ dưỡng núi cao cấp với mật độ và tầng cao thấp theo mô hình biệt thự, nhà vườn cao cấp, làng du lịch, khu du lịch cao cấp, biệt lập tại khu vực Sâu Chua, khu vực Sườn Đồi Con Gái, khu vực thung lũng Mường Hoa… Xây dựng những dự án du lịch chất lượng cao, có kiến trúc đặc biệt, sử dụng đá - gỗ - tre, khai thác văn hóa truyền thống và cảnh quan ở những điểm khác biệt để tạo tính độc đáo và đặc trưng cho Sapa tại phân khu du lịch Tả Phìn – Ô Quy Hồ - Ngũ Chỉ Sơn, Séo Mý Tỷ (Tả Van) và dọc thung lũng Mường Hoa.
Bên cạnh đó, Sapa khai thác nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt nhằm thu hút du khách như: xây dựng sản phẩm “Sapa - xứ sở của các chương trình du lịch đi bộ dã ngoại và thể thao mạo hiểm hấp dẫn” (đầu tư xây dựng 4 tuyến trekking đặc sắc của Sapa: tuyến Hang Đá - Sử Pán - Lếch Dao; tuyến Sín Chải - Cát Cát - Ý Lình Hồ - Tả Van - Bản Hồ; tuyến Tả Phìn - Móng Sến - Trung Chải; tuyến Tả Phìn - Ngũ Chỉ Sơn); xây dựng sản phẩm du lịch “Chinh phục đỉnh cao” gồm khôi phục lại chương trình leo núi chinh phục đỉnh Fansipan, xây dựng tuyến mới chinh phục đỉnh Ngũ Chỉ Sơn… Các sản phẩm khác như: sản phẩm du lịch “Nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe” khai thác tri thức dân gian về thảo dược của dân tộc Dao và nguồn dược liệu Sapa tại khu vực Tả Phìn và Thanh Bình; sản phẩm du lịch sự kiện quốc tế (như giải marathon quốc tế, giải đua xe đạp leo núi quốc tế; du lịch dù lượn, leo thác…); sản phẩm du lịch gắn với thương hiệu riêng của Khu du lịch quốc gia Sapa như Chợ tình Sapa; sản phẩm du lịch trải nghiệm ruộng bậc thang Sapa (mùa nước đổ, mùa lúa chín); sản phẩm du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp (xây dựng các chương trình trải nghiệm hoa, vườn cây ăn trái, tham quan các trang trại nông nghiệp gắn với các sản phẩm OCOP tại Tả Phìn, Ô Quý Hồ, Hàm Rồng, Sa Pả, Mường Hoa…); đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch “Sapa - Kinh đô nghệ thuật” với các không gian văn hóa nghệ thuật như không gian điêu khắc ngoài trời, không gian bích họa, kiến trúc nghệ thuật, ảnh viện ngoài trời…
Để Sapa trở thành Khu du lịch trọng điểm quốc gia mang tầm quốc tế, việc tập trung phát triển hạ tầng phục vụ du lịch; phát triển nguồn nhân lực; xúc tiến du lịch và quảng bá thương hiệu quốc tế Sapa… cũng được nhấn mạnh. Theo đó, Sapa tập trung phát triển nguồn nhân lực theo tiêu chuẩn quốc tế, áp dụng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia (VTOS) và ASEAN trong toàn bộ hoạt động đào tạo các kỹ năng nghề trong lĩnh vực du lịch; đa dạng hóa các hình thức đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; ưu tiên đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực địa phương…
Về phát triển hạ tầng du lịch, Sapa hướng tới xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông và bãi đỗ xe kết nối du lịch; đầu tư 3 điểm đón tiếp và cung cấp thông tin phục vụ khách du lịch trên 3 trục đường chính kết nối với Sapa tại các vị trí đèo Ô Quý Hồ, Mường Bo, Km32 (QL4D) với kiến trúc đặc trưng, không gian rộng, sinh thái; đầu tư 7 hạ tầng thiết yếu đảm bảo đáp ứng các tiêu chí của Đô thị du lịch sạch ASEAN; đầu tư 15 nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn ASEAN tại các xã phường trọng điểm du lịch… Bên cạnh đó, đầu tư và kêu gọi đầu tư, hoàn thiện các dự án trọng điểm về du lịch trên địa bàn thị xã: Dự án Cáp treo Fansipan giai đoạn 2, công viên văn hóa Mường Hoa; dự án nhà phố thương mại dịch vụ ẩm thực và khách sạn phố Cầu Mây; Khu nghỉ dưỡng Cát Cát Hill; Khu du lịch nghỉ dưỡng làng tâm linh Lếch Dao; Khu du lịch nghỉ dưỡng Tả Phìn…; xây dựng các công trình Quảng trường gắn với Trung tâm hội nghị, sân vận động, rạp chiếu phim, thư viện, trung tâm văn hóa Sapa; nâng cấp và mở rộng Bảo tàng Sapa…
Hoa Trang
(Tạp chí Du lịch tháng 5/2022)