Chuẩn bị các điều kiện để mở cửa đón khách
Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa Nguyễn Thị Lệ Thanh cho biết: Là một trong những địa phương được chọn thí điểm đón khách quốc tế, chủ yếu là khách có hộ chiếu vaccine đến Việt Nam trong giai đoạn thí điểm, hầu hết khách quốc tế đều thể hiện sự hài lòng về chất lượng sản phẩm dịch vụ, tin tưởng về công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng như các biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách trong thời gian lưu trú ở Khánh Hòa. Trong năm 2022, ngành Du lịch Khánh Hòa sẽ hướng tới thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm với lượng khách lớn đến Khánh Hòa trong những năm gần đây, có khoảng cách gần, khả năng phục hồi sớm, tập trung phát triển, khai thác, giới thiệu các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển kết hợp vui chơi giải trí là thế mạnh của ngành Du lịch Khánh Hòa. Để chuẩn bị mở cửa đón khách, Khánh Hòa sẽ chú trọng và tăng cường công tác phòng chống dịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường kết nối, liên kết cùng các doanh nghiệp, các địa phương trong việc xây dựng điểm đến an toàn.
Theo Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa: Để chuẩn bị các điều kiện, sẵn sàng khởi động lại hoạt động du lịch, hướng tới đón khách quốc tế khi được mở cửa trong thời gian tới, ngành Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã tham mưu cho UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành văn bản về việc đón khách quốc tế và bộ tiêu chí an toàn về phòng, chống dịch COVID-19 đối với hoạt động du lịch. Ngành Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã tập trung triển khai với 6 mục tiêu trong năm 2022, trong đó chú trọng: phát triển sản phẩm chủ lực, hướng tới mỗi quận, huyện có một sản phẩm du lịch đặc trưng; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch COVID-19; thúc đẩy kích cầu du lịch, tập trung xây dựng chuyển đổi số theo hướng du lịch thông minh; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá điểm đến, sản phẩm; tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch. Bên cạnh đó, ngành Du lịch TP. Hồ Chí Minh cùng với các doanh nghiệp khai thác các sản phẩm du lịch gắn với đường thủy, liên kết vùng, hoàn thiện các dịch vụ, tăng các hoạt động du lịch trải nghiệm đêm trên sông Sài Gòn bằng tàu buýt sông. Triển khai khảo sát, mở tour du lịch bằng trực thăng ngắm TP. Hồ Chí Minh, tàu cao tốc đi Côn Đảo, phối hợp với các hãng hàng không khôi phục và phát triển các thị trường du lịch gắn với các đường bay quốc tế tới các nước Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Úc, châu Âu, Hoa Kỳ.
Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh cho biết: Với tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, ngành Du lịch Đà Nẵng đã và sẽ triển khai các giải pháp thích ứng phù hợp để đảm bảo vừa phục vụ hoạt động kinh doanh vừa phòng chống dịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách, người lao động và cộng đồng. Trong thời gian qua, Đà Nẵng vinh dự là một trong 05 địa phương được lựa chọn triển khai thí điểm đón khách quốc tế. Thành phố đã khẩn trương ban hành phương án đón khách quốc tế, đến nay đã thẩm định, lựa chọn 47 đơn vị tham gia phục vụ khách du lịch quốc tế, đề xuất với Bộ VHTTDL 17 doanh nghiệp lữ hành quốc tế tham gia chương trình đón khách thí điểm, trong đó tập trung hướng tới các thị trường khách trọng điểm, tiềm năng của du lịch Đà Nẵng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia... Ngoài ra, nhằm gia tăng sức hấp dẫn của chương trình du lịch, tạo lợi thế điểm đến trong bối cảnh cạnh tranh với các điểm đến trong khu vực, TP. Đà Nẵng đã phối hợp với tỉnh Quảng Nam đề xuất Bộ VHTTDL về chủ trương cho phép hai địa phương được kết nối các cơ sở cung ứng dịch vụ đủ điều kiện đón và phục vụ khách du lịch quốc tế để các công ty lữ hành đưa vào khai thác phục vụ khách theo chương trình du lịch khép kín dưới 07 ngày bắt đầu từ đầu năm 2022. Thành phố cũng đã xúc tiến thành công quyền đăng cai chính thức sự kiện Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á 2022 (Routes Asia) vào tháng 6/2022.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Bắc Kạn Hà Văn Trường: Để chuẩn bị cho việc mở cửa đón khách, Sở VHTTDL Bắc Kạn đã tổ chức các chương trình khảo sát các điểm đến, trọng tâm là hồ Ba Bể, tăng cường công tác phòng, chống dịch, bảo vệ cảnh quan, môi trường, nâng cao chất lượng dịch vụ, khu đón tiếp, khu vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, trồng thêm cây xanh, chỉnh trang khuôn viên tại các khu, điểm du lịch. Bên cạnh đó, Sở VHTTDL Bắc Kạn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa, cộng đồng, trải nghiệm mô hình du lịch nông thôn, giới thiệu sản phẩm du lịch OCOP 3 sao đã được công nhận.
Đề cập đến việc chuẩn bị mở của đón khách, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hưng Yên Phạm Văn Hiệu cho biết: Công tác phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho khách tại các điểm đến được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, Sở VHTTDL Hưng Yên sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá về tiềm năng, lợi thế của du lịch Hưng Yên, hình ảnh du lịch Hưng Yên gắn với các sản phẩm đặc trưng, đó là du lịch văn hóa tâm linh gắn với tour du lịch sông Hồng và các tuyến đường bộ, du lịch lễ hội dân gian truyền thống, du lịch sinh thái, nông nghiệp, làng nghề.
Cần những giải pháp đồng bộ
Để việc mở cửa đón khách du lịch đạt hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, địa phương, rất cần nhiều giải pháp đồng bộ. Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Kạn Hà Văn Trường đề xuất: Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch quan tâm, hỗ trợ, điều phối nguồn quỹ hỗ trợ phát triển du lịch trong việc đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, công tác cứu hộ, cứu nạn trên hồ Ba Bể vả một số loại hình dịch vụ du lịch phù hợp để đón khách du lịch đảm bảo tiêu chí hấp dẫn, an toàn phục vụ khách du lịch.
Theo Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa: Chính phủ cần xem xét việc tiếp tục triển khai miễn phí visa cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đối với 24 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã ký hiệp định song phương và đơn phương. Để phục hồi du lịch nhanh chóng hơn, TP. Hồ Chí Minh đề xuất cần đưa ra quy trình thủ tục nhập cảnh, đón khách thống nhất, triển khai thực hiện giữa các địa phương.
Đồng quan điểm trên, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho rằng: Để chuẩn bị mở cửa đón khách nhất là khách quốc tế, đề nghị cho phép khôi phục lại chính sách miễn thị thực đối với các thị trường du lịch quốc tế đã được áp dụng trước năm 2020 và áp dụng thị thực điện tử đối với khách du lịch như trước đây.
Theo Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh: Bộ Ngoại giao tăng cường trao đổi với các quốc gia, vùng lãnh thổ để đẩy nhanh việc công nhận lẫn nhau về “hộ chiếu vaccine”; Bộ Công an tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch, doanh nghiệp lữ hành quốc tế triển khai các thủ tục cấp thị thực, nhập xuất cảnh theo quy định như bắt đầu phục vụ hoạt động du lịch quốc tế. Bộ Y tế cập nhật các hướng dẫn y tế đối với người nhập cảnh; ban hành văn bản hướng dẫn quy trình phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với đối tượng khách du lịch nhập cảnh. Hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về xử lý các trường hợp nhập cảnh phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 tại cửa khẩu quốc tế đường hàng không, đường bộ, đường biển và tại cơ sở lưu trú. Hướng dẫn các phương án cách ly y tế, xử lý rủi ro trong trường hợp bùng phát dịch, nhất là đối với các chủng vi rút biến thể mới. Hướng dẫn tổ chức tiêm phòng COVID-19 khi khách có nhu cầu sau khi nhập cảnh, đi du lịch Việt Nam. “Cần ưu tiên nguồn kinh phí để hỗ trợ các địa phương trong việc phát động các chương trình kích cầu du lịch, chiến dịch quảng bá du lịch phù hợp với bối cảnh dịch bệnh COVID-19; tham gia, tổ chức các hội chợ xúc tiến thị trường đến các thị trường khách quốc tế trọng điểm của Việt Nam”, bà Hạnh cho hay.
Tuấn Hải