Thổ cẩm của người Tày thường có các loại hoa văn trang trí phong phú và đa dạng, kết hợp hài hòa giữa đường nét với màu sắc. Nguyên liệu chính để dệt thổ cẩm là sợi bông nhuộm chàm và tơ tằm nhuộm màu. Trên nền chủ đạo màu trắng đục, các màu sắc sáng, tối, nóng, lạnh được xử lý khéo léo cùng hoa văn là các loại hoa lê, mận, đào, một số muông thú như hươu, nai, ngựa, chim... thể hiện rõ cảnh quan tự nhiên nơi họ sinh sống.
Thổ cẩm của người Nùng: Người Nùng có nhiều nhóm, đặc điểm trang phục mỗi nhóm có khác nhau đôi chút, chủ yếu là ở các họa tiết và cách thức chắp các mảnh vải thêu lên trang phục với các đường nét mềm mại, chuyển sắc tinh tế gần gũi với tự nhiên. Nhìn chung, trang phục của người Nùng chủ yếu là vải chàm được nhuộm xanh đen nên không cầu kỳ như các dân tộc khác.
Phụ nữ Dao đỏ ăn mặc lộng lẫy. Trên nền vải đen, các mảnh vải đỏ được thêu hoặc gắn vào sặc sỡ, khăn dài khoảng 1,6m quấn quanh đầu như vành nón, bên người quấn một dải vải thêu nhiều họa tiết bằng chỉ đỏ, thắt lưng được thêu công phu với nhiều hoa văn cầu kỳ quấn vòng quanh eo bụng phủ xuống đằng sau ngang tà áo. Quần ống rộng trang trí các ô vuông xanh hoặc đỏ, nâu, trắng.
Khác với người Dao đỏ, trang phục của người Dao tiền mang hai màu sắc chủ đạo là chàm và đen để trang trí. Các hoa văn, trang sức bạc trên trang phục của phụ nữ Dao tiền mang nhiều hình ngôi sao, tượng trưng cho sức mạnh của thiên nhiên, vũ trụ. Đặc biệt, trang phục của người Dao tiền nhất thiết phải có hoa văn hình trám, hình con chó, hình nhện và hoa, đó cũng là đặc điểm riêng của nghề dệt thổ cẩm của người Dao tiền.
Trang phục của người Mông với màu đỏ chủ đạo, điểm các hoa văn trắng, vàng, xanh lá cây, lam sặc sỡ. Hầu hết các họa tiết được thêu, vẽ, chắp vải trên nền vải lanh trắng hoặc vải đỏ, có định hình sẵn là các bộ phận của áo, váy. Sau khi hoàn thiện trang trí từng bộ phận riêng lẻ, người ta mới may ráp, hoàn chỉnh váy, áo... Ngoài các họa tiết dạng đường thẳng, đoạn thẳng, người Mông còn bố cục các hoa văn hình tròn, đường cong, hình xoáy trôn ốc…
HN