Những người hẹn lên với sông Đà đã khởi hành từ rất sớm. Từ thành phố rẽ vào xã Bình Thanh, nơi có làng Mường với tên gọi Giang Mỗ, chúng tôi chìm vào không gian của cây rừng và dòng suối chảy. Thành phố ngoài kia tấp nập, ồn ã, những tòa nhà vươn cao bên dòng sông, dấu ấn làng Mường cổ dưới chân dốc Cun giờ chỉ còn phảng phất trong câu ca cổ. Nhưng, ở đây vẫn trầm mặc núi đồi, con đường chưa được đánh thức bởi tiếng xe cộ, bởi những dãy cửa hàng, biển hiệu dẫn chúng tôi đi trong miên man ký ức.
Khi xe đã vượt qua vài con dốc nhỏ, nắng đã lên, chúng tôi bắt gặp tín hiệu dòng sông từ những tấm biển. Tưởng đã lên một cốt rất cao so với mặt biển, nào ngờ chúng tôi lại gặp những cái tên cảng Thung Nai, đảo Dừa ở lưng chừng ấy.
Chúng tôi dừng xe bên đồi vắng, nhìn xuống phía dưới vẫn là những rừng cây thưa, không gian yên lặng. Nhưng kìa, dưới chân núi kia, đâu phải một thung lũng, một xóm làng mà đã là một cái phá chắc từ khi người ta đắp đập ngăn sông Đà. Dẫu không lắng đọng phù sa ngàn năm như những bến sông vùng hạ lưu như ở Yên Mông, Phú Thọ, nhưng vẫn đủ gợi chút suy tư về một miền sông nước.
Lần này lên đây, chúng tôi không có ý định du ngoạn lòng hồ, không có kế hoạch ra thăm một hòn đảo nào mà chỉ muốn cảm nhận không khí trong lành nơi chứa dòng nước mênh mang làm nên ánh sáng thủy điện, nơi sản sinh ra bao loài cá vền, cá ngần, cá chép sông Đà nức tiếng. Đây cũng là nơi tươi mát những cánh đồng khô hạn của vùng hạ lưu, nhưng cũng là mặt hồ mênh mang với những chóp núi giờ là những hòn đảo nhỏ.
Miền đất này đâu có hẹp khi phải vượt qua con đường ngót hai chục cây số để lên tới đây, đây cũng là nơi có độ cao đủ để nhìn thấu thành phố Hòa Bình, bên kia là vùng cam Cao Phong nổi tiếng, Thung Nai cứ lặng yên như thế mà vô cùng cuốn hút. Chúng tôi đã từng lên vùng Thung Rếch vào một mùa xuân, hình dung ra con đường di chuyển từ những vùng đất cổ giờ nằm dưới lòng hồ để qua bên này, vượt núi lên Thung Rếch.
Những hộ dân đóng thuyền làm nghề vận tải nội thủy đường sông, tiếng máy nổ vang mặt nước, mũi thuyền vẽ một đường giữa xanh trong là nhịp sống của ngày mới. Nếu như lâu nay, ta quen ngắm Hạ Long với những con thuyền ngang tầm mắt, hoặc giả phải leo lên đỉnh núi chon von mới được ngắm một làng chài ở Nghi Sơn thì ở đây, chẳng cần vất vả như thế, những hình ảnh của một cảng du lịch đã ở ngang tầm mắt.
Hồ Hòa Bình không còn là nơi hoang vắng ít người biết đến nhưng vẫn đủ những nét nguyên sơ hút hồn du khách. Ký ức về một thác Bờ, chợ Bờ, đền Chúa Thác Bờ giờ nằm dưới làn nước xanh trong như huyền thoại. Trầm tích văn hóa ấy, xét cả ở nghĩa thực và nghĩa biểu tượng đã làm nên cái sang trọng cho khu vực hồ này và những câu chuyện về những lần “di vén” sẽ còn theo chân những cư dân của vùng đất ấy đi xa mãi.
Nắng lên cao, trong sắc xanh của rừng, trong tiếng người khách xuống tàu, tiếng những người lái tàu gọi nhau, người đi câu khấp khởi, một sắc thái riêng của đời sông nước giữa trốn núi non này. Phải chăng, ngoài một miền núi non hoang sơ, từng ghi chiến công trên con đường 6 với những trận đánh Chợ Bờ, Suối Rút, người anh hùng Cù Chính Lan diệt xe tăng địch, những câu hát của làng Mường cổ, của bản Dao bên thành phố đang chuyển mình còn một bến Thung Nai mơ mộng dưới hoàng hôn đất Mường.
Bùi Việt Phương