Nâng cao nhận thức cộng đồng
Các cán bộ quản lý nhà nước nên tiếp cận với trưởng thôn - người có uy tín và tầm ảnh hưởng lớn đến cộng đồng địa phương tổ chức họp nhóm với cộng đồng giới thiệu cho người dân địa phương về du lịch cộng đồng, lợi ích của du lịch cộng đồng đối với dân cư địa phương.
Tổ chức các chuyến tham quan đến các địa phương khác - những nơi có mô hình du lịch cộng đồng để tạo điều kiện cho người dân học hỏi kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và giao tiếp tốt với khách.
Đề cao vai trò của cộng đồng dân cư trong việc lập kế hoạch, đưa ra những quy tắc, những hình phạt đối với những hành động làm ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch cộng đồng của địa phương như hành động đeo bám khách, bán hàng kém chất lượng cho khách du lịch.
Trong quá trình làm việc với các tổ chức khi có dự án, các cán bộ quản lý nhà nước nên học hỏi và đúc rút một số kinh nghiệm của đối tác; khi những dự án kết thúc hoặc đang trong giai đoạn chờ kinh phí, có thể tổ chức các lớp đào tạo cho nhân dân địa phương. Từ đó giúp nâng cao nhận thức của dân cư địa phương về du lịch cộng đồng.
Bảo vệ và khai thác nguồn tài nguyên du lịch hợp lý
Cộng đồng địa phương là người sở hữu các tài nguyên tự nhiên và nhân văn. Sự tham gia của cộng đồng địa phương vào bảo vệ tài nguyên giúp họ nhận thức được vai trò trong việc bảo vệ tài nguyên du lịch; đồng thời có tác dụng to lớn trong việc giáo dục du khách có hành vi và ứng xử thân thiện với môi trường và tài nguyên của địa phương. Khi người dân có việc làm, thu nhập, đặc biệt từ du lịch, họ sẽ có tinh thần trách nhiệm cao hơn với tài nguyên của địa phương mình.
Bảo vệ và khai thác nguồn tài nguyên hợp lý không phải là việc làm của riêng cá nhân hay tổ chức mà là sự chung tay của cả cộng đồng. Cần phải kêu gọi, tuyên truyền người dân địa phương cũng như du khách; Cần có quy chế rõ ràng và chặt chẽ trong công tác thanh kiểm tra.
Một thành phần nữa không thể thiếu trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên của địa phương là khách du lịch. Để du khách phát huy vai trò tích cực đó thì du khách phải được giáo dục, diễn giải về tài nguyên, môi trường sinh thái và văn hóa tại địa phương. Ngoài ra, du khách cũng phải được khuyến khích tham gia vào các chương trình trồng cây xanh, góp phần nâng cao ý thức cho cả du khách và người dân địa phương. Những việc này không những giúp du khách nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và bảo vệ nguồn tài nguyên mà còn mang lại niềm vui và những kỷ niệm đáng nhớ trong chuyến đi.
Giải pháp về vốn
Vốn đầu tư là vấn đề cần thiết, quyết định tất cả các hoạt động quản lý, hỗ trợ, đào tạo, thanh kiểm tra... Hiện nay, khi khủng hoảng kinh tế thế giới từ năm 2007 còn chưa thật sự chấm dứt thì việc vốn đầu tư nước ngoài vào nước ta còn hạn chế. Thực tế khó khăn này đòi hỏi Việt Nam cần có những biện pháp mạnh mẽ trong việc thu hút, sử dụng và phân bổ hợp lý nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài cho ngành Du lịch.
Việt Nam cần có những kế hoạch sử dụng vốn đầu tư hợp lý trước khi tiến hành huy động những nguồn vốn từ Trung ương và địa phương.
Việt Nam có thể huy động nguồn vốn từ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trên địa bàn bằng cách hợp tác đôi bên cùng có lợi như: có những cơ chế, chính sách thông thoáng, giúp tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở những tour tuyến đến địa phương cho khách du lịch; kêu gọi sự giúp đỡ của các doanh nghiệp nhằm đề cao loại hình du lịch có trách nhiệm. Bằng hình thức này không những nước ta sẽ có khả năng nhận được sự giúp đỡ về tài chính của doanh nghiệp, khách du lịch mà còn có cơ hội nhận được những tư vấn quý báu của họ trong việc phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững.
Bên cạnh đó, có thể tận dụng một số quỹ cộng đồng để làm nguồn vốn cho địa phương. Nguồn vốn này tuy không nhiều nhưng nếu sử dụng hợp lý cũng sẽ có tác dụng thay đổi bộ mặt du lịch của đất nước.
Việt Nam cần kêu gọi đầu tư, đưa ra những chính sách, ưu đãi đối với những tổ chức nước ngoài đầu tư vào du lịch thông qua các trang thông tin điện tử, trang web hoặc dựa vào các dự án phát triển du lịch cộng đồng của các tổ chức quốc tế vào Việt Nam.
Khi đã có vốn, cần cân nhắc, xem xét thật kỹ để phân bổ số vốn vào những hạng mục cần được đầu tư: đầu tư vào cơ sở hạ tầng để cải thiện chất lượng cuộc sống cho cộng đồng địa phương, đồng thời phát triển du lịch như đường giao thông, chợ, các khu du lịch, bảo vệ môi trường cảnh quan, tôn tạo các di tích lịch sử, bảo vệ rừng ...
Có nguồn vốn hỗ trợ các hộ gia đình xây dựng nhà lưu trú, có thể coi đó như một hình thức cho vay với lãi suất thấp, khuyến khích họ tham gia tích cực vào việc phát triển du lịch cộng đồng; có những kế hoạch để khích lệ người dân địa phương gìn giữ những nghề thủ công truyền thống.
Cơ chế chính sách
Những cơ chế chính sách cần được cân nhắc để có thể tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch cộng đồng như xây dựng một mô hình du lịch cộng đồng: “Chính phủ chủ đạo + Cộng đồng là chủ thể + Doanh nghiệp kinh doanh + lực lượng thứ 3 vào cuộc (các tổ chức tư vấn, hỗ trợ …) + Quy phạm pháp luật”.
Những cơ chế khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương: các chính sách về ưu tiên, miễn giảm thuế, không thu thuế với các sản phẩm thủ công của cộng đồng dân cư địa phương sản xuất ra để phục vụ cho khách du lịch; cùng với các trưởng thôn, các BQL du lịch cộng đồng của các xã tổ chức các sự kiện văn hóa tôn vinh những bản sắc văn hóa, khuyến khích người dân tham gia các phong trào văn nghệ của địa phương góp phần lưu giữ những giá trị truyền thống của mỗi dân tộc.
Cơ chế các khoản thu và nộp của cộng đồng: các cán bộ quản lý nhà nước về du lịch của huyện và của tỉnh cần tính toán lại các khoản thu, khoản nộp hợp lý, phù hợpvới tiêu chí phát triển du lịch cộng đồng là nâng cao đời sống cho dân cư địa phương.
Ngoài ra, cần phải có những cơ chế chính sách dài hạn như các quy định về vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên du lịch hợp lý, các quy chế BQL du lịch cộng đồng luôn được xem xét và thay đổi phù hợp với từng địa phương và từng giai đoạn cụ thể.
Nguồn nhân lực
Trong các công tác quản lý, con người đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Vì vậy, quản lý nhà nước về du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng cần có những giải pháp thiết thực để nâng cao năng lực các cán bộ các cấp như mở lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý nhà nước về du lịch hoặc đưa cán bộ đi tham quan, trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý, xây dựng mô hình du lịch cộng đồng hiệu quả ở những địa phương khác trong và ngoài nước.
Áp dụng Bộ Công cụ quản lý và giám sát du lịch cộng đồng
Bộ Công cụ quản lý và giám sát du lịch cộng đồng do Mạng lưới Du lịch bền vững vì người nghèo, Đại học Tổng hợp Hawaii, Trường Đào tạo quản lý Du lịch (TIM), Hoa Kỳ xuất bản là một bộ công cụ hữu ích để áp dụng quản lý và giám sát du lịch cộng đồng tại Việt Nam. Sau đây là 8 bước trong chu trình giám sát của Bộ Công cụ:
Bước 1: Lập kế hoạch
Bao gồm ý tưởng giám sát với cộng đồng, xây dựng mục tiêu giám sát, và giải quyết các vấn đề thực tế chung như ai sẽ tham gia, đâu là ranh giới khu vực giám sát, cần có những nguồn lực gì và khung thời gian dành cho giám sát là thế nào.
Bước 2: Xác định phạm vi những vấn đề chính
Đây là bước quan trọng nhất trong một chương trình giám sát. Xác định phạm vi là một quá trình phát hiện một số các vấn đề ưu tiên (tốt nhất là dưới 20 hạng mục) để tập trung trong số rất nhiều lĩnh vực tiềm năng đã được xác định. Các vấn đề chính là những vấn đề mà cộng đồng quan tâm nhất liên quan đến sự phát triển bền vững về xã hội, văn hóa, môi trường và kinh tế.
Các vấn đề chính được xây dựng một cách tốt nhất thông qua sử dụng một số chiến lược: nghiên cứu, họp cộng đồng và ý kiến đóng góp của nhóm công tác giám sát.
Bước 3: Xây dựng chỉ tiêu
Sau khi đã xác định và sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững và kinh doanh trong cộng đồng và chuyển các vấn đề đó thành những mục tiêu sơ bộ, cần xây dựng những chỉ tiêu để theo dõi việc thực hiện các mục tiêu này.
Bước 4: Thu thập dữ liệu
Các vấn đề chính cần lưu ý trong bước thu thập dữ liệu bao gồm:
- Xác định dữ liệu cần thiết cho mỗi chỉ tiêu
- Xác định địa chỉ thu thập dữ liệu
- Thu xếp người thu thập dữ liệu
- Thiết kế các phương án thu thập dữ liệu
- Xây dựng phương thức quản lý dữ liệu
Bước 5: Đánh giá kết quả
Quá trình này bao gồm đánh giá kết quả mỗi chỉ tiêu ở các mức độ xuất sắc, tốt hay kém. Có hai công cụ chính có thể sử dụng để hỗ trợ giám sát phân tích kết quả giám sát: tạo mốc chuẩn và ngưỡng chuẩn.
Bước 6: Lập kế hoạch đối phó
Lập kế hoạch đối phó nhằm mục đích điều chỉnh kế hoạch khi có sự thay đổi của môi trường thực tế, bao gồm:
Bước 7: Thông tin về kết quả
Thông tin liên lạc thường bị bỏ qua trong các chương trình giám sát. Các kết quả chỉ tiêu cần được thông báo cho các bên liên quan một cách dễ hiểu và công khai minh bạch. Quá trình này cho phép cộng đồng học hỏi kinh nghiệm đã qua và do đó cải thiện du lịch cộng đồng. Ngoài ra nó còn giúp đảm bảo du lịch mang lại lợi ích cho người nghèo, và giúp cộng đồng cảm nhận được “tầm quan trọng” của mình. Do đó, chương trình giám sát cần có kế hoạch rõ ràng về cách thức thông báo kết quả cho các bên liên quan.
Thay vì các bảng biểu với các tỷ lệ, có thể dùng các màu hay biểu tượng để hiện thị các chỉ tiêu xuất sắc, tốt hoặc kém.
Mẫu trình bày sử dụng sẽ phụ thuộc vào người sử dụng, trình độ đọc viết và mức độ quan tâm của họ đối với dự án.
Hình thức phù hợp cho thông tin kết quả như: họp cộng đồng, văn bản. Có thể làm một văn bản hoặc bản tin gồm 2 hoặc 3 trang cho các nhà tài trợ, chính quyền địa phương và các nhà hỗ trợ hàng năm hoặc mỗi năm hai lần. Gửi bải tin bằng giấy hoặc thư điện tử sẽ giúp họ nắm bắt một số thông tin về tiến trình phát triển của dự án.
Bước 8: Kiểm tra và điều chỉnh
Khung giám sát du lịch cộng đồng có thể sẽ chưa hoàn hảo ngay lần đầu tiên. Tình thế thay đổi, có thêm số liệu mới, các chỉ tiêu phù hợp lúc đầu nhưng sau này có thể không phù hợp đối với tình hình của địa phương. Sau mỗi năm giám sát, cần tổ chức công tác kiểm tra. Dựa trên các kết quả rà soát, cần đưa ra thay đổi và cải thiện đối với khung giám sát. Nội dung bao gồm: Rà soát mục tiêu và các vấn đề chính, rà soát chỉ tiêu và thu thập dữ liệu và rà soát các biện pháp đối phó quản lý.
Trong đợt giám sát thứ hai, chu trình sẽ ngắn hơn và dễ dàng hơn. Thay vì 8 bước, sẽ chỉ có 5 bước tạo nên chu trình giám sát liên tục bao gồm: thu thập dữ liệu, đánh giá kết quả, lập kế hoạch đối phó, thông báo kết quả, kiểm tra và điều chỉnh.
Ths. Trần Nữ Ngọc Anh
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)