XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC MARKETING
Hà Nội có vị trí rất thuận lợi, là một đô thị lớn, trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị hàng đầu của Việt Nam. Hà Nội có tiềm năng du lịch nhân văn phong phú và đa dạng, trong đó có những tài nguyên có giá trị đặc biệt được thế giới công nhận. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch ngày càng được hoàn thiện và đồng bộ. Nguồn lao động trong ngành Du lịch Hà Nội tương đối trẻ, có khả năng tiếp thu nhanh chóng kiến thức và khoa học kỹ thuật. Cùng với hình ảnh và vị thế của Việt Nam ngày càng gia tăng trong khu vực và quốc tế, Hà Nội được lợi thế để trở thành một trong những trung tâm du lịch hàng đầu khu vực. Việc mở rộng địa giới hành chính của Hà Nội giúp tăng cường khả năng thác tài nguyên du lịch nhân văn. Những thay đổi trong xu hướng phát triển du lịch quốc tế là cơ hội lớn để Hà Nội vươn lên chiếm lĩnh thị trường. Đời sống và nhu cầu của người dân ngày càng tăng cao tạo điều kiện cho du lịch nội địa phát triển và Hà Nội là một trong những điểm đến tương đối hấp dẫn.
Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam nói chung và Du lịch Hà Nội nói riêng còn thấp, trong khi khách du lịch ngày càng có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm dịch vụ, sự tiện nghi và an toàn trong quá trình du lịch. Sự suy thoái về tài nguyên nói chung và tài nguyên nhân văn nói riêng, sự xuống cấp về môi trường, tác động của biến đổi khí hậu… đã, đang và sẽ ảnh hưởng đến việc bảo tồn tài nguyên du lịch nhân văn, đặc biệt là các di tích. Bên cạnh đó, đội ngũ lao động chuyên nghiệp, lực lượng quản lý và các chuyên gia đầu ngành Du lịch đang thiếu. Việc phối hợp liên ngành và liên kết lãnh thổ trong phát triển du lịch còn hạn chế. Những yếu tố tiêu cực của môi trường đô thị như kẹt xe, tệ nạn xã hội... phần nào ảnh hưởng đến hình ảnh của Du lịch Hà Nội.
Trong chiến lược marketing khai thác tài nguyên du lịch nhân văn Hà Nội, thường đặt ra mục tiêu là góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm tính thời vụ, bảo vệ khách du lịch, giới thiệu vai trò xã hội của du lịch, bảo vệ môi trường…
Để thu hút khách du lịch, Hà Nội luôn cố gắng tạo dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện và bền vững nhằm tạo ra hình ảnh Du lịch Hà Nội đẹp trong mắt bạn bè bốn phương.
Kế hoạch hóa marketing điểm đến du lịch Hà Nội bao gồm chiến lược marketing hỗn hợp và kế hoạch hóa ngân sách marketing.
Chiến lược marketing hỗn hợp
Chiến lược sản phẩm: Trong thời gian qua việc khai thác tài nguyên du lịch nhân văn trên địa bàn Hà Nội đã tạo ra một số sản phẩm du lịch như: du lịch văn hóa, tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, các bảo tàng; du lịch làng nghề, phố nghề; du lịch ẩm thực.
Chiến lược giá: Nhìn chung, việc định giá sản phẩm dịch vụ của các cơ sở kinh doanh lữ hành và các điểm đến có tài nguyên du lịch nhân văn trên địa bàn Hà Nội là tương đối phù hợp với mức chất lượng nên khách du lịch tương đối hài lòng.
Chiến lược phân phối: Với một hệ thống sản phẩm lữ hành đa dạng, một chính sách giá mềm dẻo, linh hoạt, phần lớn các công ty lữ hành khai thác tài nguyên du lịch nhân văn trên địa bàn Hà Nội sử dụng hệ thống kênh phân phối bao gồm cả kênh trực tiếp và kênh gián tiếp.
Chiến lược xúc tiến: Để khai thác tài nguyên du lịch nhân văn nói riêng và phát triển du lịch Hà Nội nói chung, trong thời gian qua, công tác tuyên truyền quảng bá và xúc tiến du lịch Hà Nội đã được quan tâm thực hiện với những hoạt động như sau: huy động các phương tiện thông tin đại chúng thực hiện chương trình tuyên truyền về du lịch, giới thiệu du lịch thủ đô; tổ chức 04 trung tâm thông tin du lịch tại các cửa ngõ đón khách du lịch, điểm du lịch quan trọng như sân bay quốc tế Nội Bài, khu vực hồ Hoàn Kiếm, tuyến đi bộ tại khu phố cổ; thiết lập quan hệ và mở rộng hợp tác với nhiều tổ chức và doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước; các hoạt động hợp tác quốc tế.
Kế hoạch hóa ngân sách marketing
Ngân sách cho hoạt động xúc tiến du lịch của Hà Nội mỗi năm được cấp 3.000đ/một đầu dân nên hiện nay Hà Nội được cấp khoảng 20 tỷ đồng một năm cho hoạt động xúc tiến du lịch.
Nhìn chung, chiến lược marketing khai thác tài nguyên du lịch nhân văn của Hà Nội đã đạt được các mục tiêu đề ra. Trong thực tế, sau khi mở rộng địa giới hành chính 1/8/2008, chiến lược phát triển du lịch Hà Nội nói chung và chiến lược khai thác tài nguyên du lịch nhân văn có sự điều chỉnh, đặc biệt về chiến lược sản phẩm.
CHIẾN LƯỢC MARKETING ĐẾN NĂM 2020
Mục tiêu và định vị điểm du lịch
Trong chiến lược marketing khai thác tài nguyên du lịch nhân văn Hà Nội, có các nhóm mục tiêu riêng cho mỗi đối tượng tham gia vào hoạt động du lịch. Đối với doanh nghiệp du lịch: tối đa hóa lợi nhuận trên cơ sở thỏa mãn tối đa nhu cầu của tập khách hàng mục tiêu, khai thác tài nguyên du lịch nhân văn phải đi đôi với việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị của các tài nguyên đó. Đối với khách du lịch: khách hàng thỏa mãn nhu cầu tốt nhất nhờ việc cung cấp các sản phẩm du lịch đảm bảo chất lượng, an toàn, hình thức thanh toán thuận tiện. Đối với chính quyền địa phương: đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa của địa phương, có phần đóng góp từ du lịch của các doanh nghiệp du lịch khai thác tài nguyên du lịch nhân văn. Đối với người dân địa phương: tạo việc làm cho người dân địa phương nơi có tài nguyên du lịch nhân văn.
Về định vị điểm du lịch: các cơ quan chức năng cần quy hoạch bãi đỗ xe để dành đường cho người đi bộ, có giải pháp khắc phục tình trạng giao thông, môi trường hiện nay và quy hoạch khu vực dành riêng cho khách du lịch với các hoạt động du lịch, thương mại. Ngoài ra, cần cải thiện và tăng cường hệ thống biển báo, toilet công cộng tại sân bay, điểm tham quan, mua sắm; tuyên truyền, giáo dục và tăng cường quản lý đối với lái xe taxi, người bán hàng rong vì thái độ, sự không trung thực của một số nhóm người này đã gây tâm lý khó chịu cho du khách, làm mất đi hình ảnh tốt về Du lịch Hà Nội.
Kế hoạch hóa marketing điểm đến du lịch Hà Nội
Chiến lược marketing hỗn hợp
Về chiến lược sản phẩm: Để đầu tư phát triển các loại hình du lịch cần đảm bảo theo hướng cân đối đầu tư giữa phát triển du lịch văn hóa và du lịch sinh thái, trong đó du lịch văn hóa được ưu tiên hàng đầu. Các không gian cần ưu tiên khai thác tài nguyên du lịch nhân văn và các sản phẩm du lịch văn hóa cụ thể: khu vực trung tâm Hà Nội, khu vực Sơn Tây - Ba Vì, khu du lịch Hương Sơn - Quan Sơn, khu vực đền Sóc, khu vực Vân Trì - Cổ Loa, khu vực Hà Đông và phụ cận.
Về chiến lược giá: Hà Nội chính là điểm du lịch có giá rẻ thứ nhì thế giới chỉ sau Sofia của Bulgaria theo kết quả cuộc khảo sát của website du lịch lớn nhất thế giới Tripadvisor. Trong thời gian tới, Hà Nội cần duy trì mức giá này nhưng vẫn đảm bảo chất lượng để tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Về chiến lược phân phối: Trong thời gian tới, các công ty lữ hành khai thác tài nguyên du lịch nhân văn trên địa bàn Hà Nội cần tiếp tục sử dụng hệ thống kênh phân phối bao gồm cả kênh gián tiếp và kênh trực tiếp để phân phối sản phẩm du lịch.
Về chiến lược xúc tiến: Để khai thác tài nguyên du lịch nhân văn nói riêng và phát triển du lịch Hà Nội nói chung, trong thời gian tới, Hà Nội cần chú trọng xúc tiến, tuyên truyền quảng bá du lịch dưới nhiều hình thức trong và ngoài thành phố trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại chỗ như: biên soạn các ấn phẩm quảng cáo, băng hình, quảng cáo tấm lớn, phát hành rộng rãi các sách hướng dẫn du lịch, giới thiệu về các khu du lịch, các sản phẩm du lịch khai thác tài nguyên du lịch nhân văn độc đáo của Hà Nội hướng vào các thị trường mục tiêu; tham gia các sự kiện du lịch để quảng bá hình ảnh điểm đến với các du khách ở các thị trường mới. Đối với thị trường nước ngoài, Hà Nội cần chú ý đến vấn đề tận dụng các ấn phẩm du lịch như guide book (sách hướng dẫn), các tạp chí du lịch, các kênh truyền hình... để quảng cáo cho hình ảnh điểm đến của Hà Nội.
Kế hoạch hóa ngân sách marketing: Để khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch nhân văn, trong thời gian tới, Hà Nội cần tăng cường đầu tư hơn nữa cho hoạt động marketing đặc biệt là công tác nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm mới...
Một số giải pháp khác:
Thực hiện một số nguyên tắc khai thác, bảo vệ tài nguyên du lịch theo hướng phát triển du lịch bền vững. Nguyên tắc 1: Khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên du lịch nhân văn một cách hợp lý và giảm thiểu chất thải ra môi trường. Nguyên tắc 2: Phát triển du lịch dựa trên tài nguyên du lịch nhân văn phải gắn liền với nỗ lực bảo tồn tính đa dạng của tài nguyên nhân văn. Nguyên tắc 3: phát triển du lịch trên cơ sở khai thác tài nguyên du lịch nhân văn phải phù hợp với quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội. Nguyên tắc 4: nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm, sự tham gia, ý kiến đóng góp của các đối tượng tham gia du lịch trong việc khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch nhân văn
Bảo tồn di tích và phát triển du lịch văn hóa: tạo lập sự kết hợp hài hòa giữa nhu cầu bảo tồn di sản văn hóa với quá trình phát triển của Du lịch Thủ đô; đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục kết hợp với việc tăng cường xử lý các hành vi vi phạm để từng bước tạo lập và duy trì kỷ cương quản lý đô thị; đẩy mạnh quá trình xã hội hóa nhằm huy động sự tham gia của cộng đồng, các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, xã hội trong nước và nước ngoài.
Tăng cường trật tự trị an và an toàn xã hội, an toàn tính mạng tài sản của khách du lịch tại các điểm đến có tài nguyên du lịch nhân văn trên địa bàn Hà Nội.
Tài liệu tham khảo
1. Trịnh Quang Hảo (2002), Cơ sở khoa học cho các chính sách, giải pháp quản lý khai thác tài nguyên du lịch ở Việt Nam, Đề tài NCKH cấp Nhà nước, Hà Nội
2. Bùi Xuân Nhàn (2009), Marketing du lịch, NXB Thống kê, Hà Nội
3. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nội (2012), Báo cáo tổng hợp Quy hoạch phát triển du lịch Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Hà Nội
4. Tổng cục Du lịch (2013), Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Hà Nội
|
ThS. Hoàng Thị Lan
Trường Đại học Thương mại
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)