Chính thức được triển khai từ năm 2013, Dự án EU-ESRT đã hỗ trợ 3 tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế phát triển Du lịch có trách nhiệm một cách bền vững với các hoạt động tập trung vào 5 vấn đề chủ yếu, bao gồm: tổ chức quản lý điểm đến; phát triển đối thoại công – tư, tăng cường vai trò của các hiệp hội du lịch tỉnh; phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá điểm đến; phát triển nguồn nhân lực.
Thông qua sự kết nối của Dự án EU-ESRT, tháng 2/2014, ba địa phương duyên hải miền Trung đã ký kết Thỏa thuận hợp tác liên kết phát triển du lịch nhằm tăng cường liên kết hợp tác, xây dựng các sản phẩm du lịch và thương hiệu du lịch chung cho cả vùng. Dự án EU-ESRT đã triển khai nhiều hoạt động giúp mô hình liên kết hợp tác của ba địa phương nêu trên đạt được kết quả tích cực trên nhiều mặt.
Thừa ủy quyền của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, tại phiên họp cấp cao ba tỉnh duyên hải miền Trung, Giám đốc Dự án EU-ESRT Vũ Quốc Trí đã bàn giao các kết quả hỗ trợ trước khi Dự án EU-ESRT kết thúc, bao gồm thương hiệu du lịch và trang web quảng bá du lịch của 3 tỉnh. Đây là sự nỗ lực rất lớn của các chuyên gia dự án, bởi thời gian thực hiện dự án không dài, nhưng khối lượng công việc rất lớn đã được hoàn thiện và bàn giao đúng tiến độ.
Tại phiên họp, đại diện Dự án EU-ESRT đã trình bày về mô hình quản lý điểm đến vùng mà Dự án đã hỗ trợ cho ba tỉnh, các kết quả hỗ trợ về phát triển sản phẩm du lịch, tiếp thị và phát triển nguồn nhân lực.
Thương hiệu điểm đến cho ba tỉnh duyên hải miền Trung - The Essence of Vietnam – cũng được công bố với trang web du lịch mới cho ba tỉnh, cùng 21 tài liệu kỹ thuật theo các nội dung phát triển sản phẩm du lịch của điểm đến, tiếp thị điểm đến, phát triển nguồn nhân lực, du lịch có trách nhiệm.
Theo ông Tom Corrie, Phó ban Hợp tác phát triển, phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, sự cạnh tranh gay gắt với các điểm đến hấp dẫn tại các nước trong khu vực là vấn đề Ngành Du lịch Việt Nam đang phải đối mặt. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần khẳng định mình bằng các sản phẩm sáng tạo và đa dạng, được định vị bằng sự độc đáo và chất lượng. Các sản phẩm du lịch này cần được tiếp thị khéo léo cả ở tầm quốc gia và khu vực, để chuyển tải các lợi thế cạnh tranh của điểm đến. Do đó, sự phối kết hợp giữa ba địa phương sẽ tạo ra một sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn và tính cạnh tranh cao.
Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng hỗ trợ của Dự án EU-ESRT đã hình thành một tiền đề trong việc đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch trong việc xây dựng sản phẩm du lịch, thương hiệu du lịch ba địa phương, website du lịch... bước đầu đã tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ trong việc liên kết, mở rộng hướng hợp tác trong việc liên kết phát triển du lịch.
Thương hiệu “The Essence of Vietnam” hướng tới việc định vị điểm đến như là một phần tinh túy của Việt Nam, nơi du khách có thể khám phá văn hóa, bờ biển và trải nghiệm ẩm thực tốt nhất, tất cả được tập trung với chất lượng sản phẩm du lịch được đảm bảo cùng với truyền thống văn hóa lâu đời và di sản phong phú.
Hình ảnh của thương hiệu “The Essence of Vietnam” thể hiện con người thân thiện cởi mở qua hình tượng một “trái tim mở”, các màu sắc sinh động biểu trưng cho các dòng sản phẩm chính của khu vực là văn hóa, biển và thiên nhiên.
Thương hiệu mới đã được áp dụng trên những sản phẩm tiếp thị chung của ba địa phương, như bản đồ tuyến điểm du lịch và trang web du lịch mới với địa chỉ www.theessenceofvietnam.com
|
Viễn Nguyệt