Thế mạnh du lịch MICE tại Thành phố Hồ Chí Minh
Với vị trí trung tâm, cửa ngõ giao thương thông qua nhiều hình thức vận tải, thành phố Hồ Chí Minh dễ dàng kết nối với các địa phương, đặc biệt là với các tỉnh trong khu vực Nam Bộ. Thành phố còn nằm kế cận các trung tâm du lịch lớn của Đông Nam Á (Thái Lan, Singapore, Malaysia) có khả năng kết nối tour với các nước láng giềng để hình thành những chương trình du lịch hấp dẫn. Cảng biển tại nơi đây có thể đón tàu du lịch lớn; hệ thống đường sông nối liền các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Campuchia; đường sắt Nam Bắc dẫn đến các tỉnh miền Trung, miền Bắc và Trung Quốc; mạng lưới đường nội bộ liên tỉnh ngày càng được mở rộng và nâng cấp; sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất có mạng lưới đường bay kết nối với nhiều quốc gia ở mọi châu lục.
Trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động, phức tạp dẫn đến tâm lí thiếu an toàn cho khách du lịch thì Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng được thế giới công nhận là một điểm đến an toàn, thân thiện. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết và quan trọng bậc nhất cho phát triển du lịch MICE.
Thành phố Hồ Chí Minh dung hòa nhiều yếu tố văn hóa vùng miền của cả nước, tạo nên sức hút rất lớn đối với du khách quốc tế. Sự hòa hợp tính cách - văn hóa của các tộc người Việt, Hoa, Chăm, Khmer…; của các tộc người châu Á, châu Âu... được thể hiện trong rất nhiều lĩnh vực ẩm thực, kiến trúc, nghệ thuật... Mặt khác, với địa hình được bao bọc bởi các nhánh sông Đồng Nai, Thành phố sớm hình thành nhiều khu du lịch sinh thái Cần Giờ, Vàm Sát, Lâm Viên… nên du khách không phải tốn thời gian và chi phí di chuyển. Đối với du khách MICE, có thể cùng trải nghiệm những dịch vụ đẳng cấp quốc tế sang trọng và tận hưởng phút giây hòa mình vào thiên nhiên đặc trưng vùng nhiệt đới ngay trong thành phố với quỹ thời gian ít ỏi là một điều vô cùng hấp dẫn.
Khách du lịch đến với Sài Gòn có cơ hội khám phá bề dày văn hóa gắn liền với lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc, các khoảnh khắc lịch sử trọng đại tại các địa danh hay các công trình kiến trúc - nghệ thuật cổ hoặc cận - hiện đại như Tượng đài Hồ Chủ tịch và phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bến Bạch Đằng, Nhà hát lớn, Bưu điện trung tâm Sài Gòn, Nhà thờ Đức Bà, Dinh Độc Lập, Bảo tàng chứng tích chiến trang, Chợ Bến Thành, Địa đạo Củ Chi… Ngoài ra còn có hàng trăm địa chỉ lịch sử, văn hóa, tôn giáo - tín ngưỡng, các công trình kiến trúc cổ… đã được đưa vào nhiều chương trình tham quan hấp dẫn.
Thành phố Hồ Chí Minh là nơi đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu về giao thông, lưu trú, thông tin liên lạc, hệ thống trung tâm hội nghị, thương mại... Trong đó có nhiều khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế như Sheraton, Saigon Hotel & Tower, Caravelle, Sofitel Plaza, New World, Renaissance, Riverside, Equatorial… có khả năng cung cấp các phòng họp đạt tiêu chuẩn cao với sức chứa từ 300 đến 1000 chỗ cùng các trang thiết bị hiện đại. Đây là điều kiện rất thuận lợi để đẩy nhanh tốc độ phát triển của loại hình du lịch MICE.
Chính nhờ những thế mạnh vượt trội nêu trên mà du lịch MICE tại thành phố Hồ Chí Minh đã có bước phát triển ấn tượng. Theo số liệu thống kê của Tập đoàn tư vấn MCKinsey có đến 17% du khách đến thành phố Hồ Chí Minh vì mục đích công việc, cao hơn mức bình quân 14 - 15% của khu vực. Một số doanh nghiệp kinh doanh du lịch MICE tại thành phố Hồ Chí Minh đã công bố nhiều số liệu khả quan như: du khách MICE luôn ở mức tăng trưởng hàng năm đạt hơn 20% (Saigontourist), lượng du khách MICE chiếm 60% tổng số khách du lịch thường niên (Vietravel)...
Mặc dù đã đạt được một số thành quả nhất định nhưng du lịch MICE ở Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Tuy là một đô thị hiện đại nhất vùng Nam Bộ nhưng hệ thống cơ sở hạ tầng của Thành phố vẫn chưa thực sự thuận lợi cho du lịch MICE. Sân bay Tân Sơn Nhất đã hai lần liên tiếp bị liệt vào danh sách 10 sân bay tệ nhất châu Á (2014 và 2015) của trang The Guide to Sleeping in Airports, với lý do wi[1]fi yếu, phòng vệ sinh bẩn và ít nhà hàng để lựa chọn. Đánh giá từ Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông vận tải Hồ Chí Minh), hệ thống giao thông mới chỉ đáp ứng 30% so với quy hoạch. Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều khách sạn cao cấp nhưng số lượng phòng và công suất phòng họp chưa đáp ứng được những đoàn khách lớn nên vẫn phải áp dụng hình thức xé lẻ, tách đoàn gây nhiều bất tiện cũng như không tạo được tính chuyên nghiệp. Một điểm yếu nữa kìm hãm sự phát triển của du lịch MICE là sự cạnh tranh nội bộ. Một số khách sạn đã chào hàng trực tiếp với giá thấp hơn các hãng lữ hành đưa ra với cùng một khách hàng. Hiện tượng phá giá, “trộm” ý tưởng tour, lấy tên thương hiệu gần giống hoặc giả tên thương hiệu cũng xuất hiện ngày một nhiều.
Một số giải pháp trước mắt nhằm phục hồi du lịch MICE sau đại dịch
Những nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực du lịch Thành phố đã được xác định, cụ thể là khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19, phục hồi và phát triển du lịch; hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý du lịch; xây dựng và quản lý thực hiện các quy hoạch phát triển du lịch; phát triển sản phẩm và quản lý chất lượng dịch vụ du lịch; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thị trường lao động du lịch bền vững; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại, công nghệ số… Những nhiệm vụ này cần được ngành Du lịch Thành phố triển khai trên thực tế bằng những chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể. Trong đó, du lịch MICE cần được coi là một hướng chủ đạo của Du lịch Hồ Chí Minh thời gian tới.
Để phục hồi ngành Du lịch nói chung và loại hình du lịch MICE nói riêng, các cấp quản lí cần ban hành chương trình hành động cụ thể. Chương trình hành động có thể được phân chia theo các lĩnh vực du lịch hay các loại hình du lịch. Chẳng hạn như chương trình bảo trì, sửa chữa, quản lí hệ thống di tích – thắng cảnh; truyền thông quảng bá du lịch sau đại dịch; hỗ trợ về đời sống và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho nguồn nhân lực du lịch; duy trì, cải tạo, nâng cấp cơ sở lưu trú và cơ sở vật chất hạ tầng; xúc tiến cho các hoạt động du lịch…
Thời gian qua, nhiều đơn vị, doanh nghiệp du lịch đã duy trì quảng bá trên hệ thống mạng internet, sử dụng websites hoặc các trang mạng xã hội để tuyên truyền cho các tour, các dự án, các chương trình triển lãm… Điển hình là các chương trình triển lãm trực tuyến của Trung tâm Triển lãm & Hội nghị Sài Gòn (SECC), Triển lãm Quốc tế Thực phẩm và Đồ uống 2021 (tháng 8/2021); Triển lãm Quốc tế về Cafe tại Việt Nam 2021 (tháng 11/2021)… Loại hình du lịch MICE nói riêng và du lịch thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục duy trì, sáng tạo các nội dung quảng bá trên nền tảng internet để không bị đứt gãy, gián đoạn về nhu cầu thông tin của khách hàng. Các nội dung truyền thông cần được chuyển dịch thành nhiều ngôn ngữ để có thể kết nối thông tin đến mọi đối tượng khách hàng cả ở trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, các doanh nghiệp chuyên biệt du lịch MICE, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn… thực hiện làm mới các dịch vụ, sản phẩm phục vụ nhu cầu khách MICE; đầu tư các trang thiết bị chuyên dùng cho loại hình này; chuẩn bị nguồn nhân lực du lịch có trình độ nghiệp vụ cao, chuyên nghiệp, đáp ứng đặc thù của loại hình du lịch MICE; tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp tham gia cung ứng dịch vụ du lịch MICE để tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh…
Tại Lễ phát động chương trình “Thành phố Hồ Chí Minh chào đón bạn – Welcome to Ho Chi Minh City” diễn ra đầu tháng 4/2022, Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết với một số ban, ngành triển khai Chương trình Du lịch MICE Thành phố Hồ Chí Minh với một số nội dung phối hợp cụ thể từ năm 2022 đến 2025 gồm: Xây dựng và ban hành “Chính sách Du lịch MICE thành phố Hồ Chí Minh”; Xây dựng các chương trình Tour tham quan thành phố Hồ Chí Minh; Thành lập Tổ công tác Du lịch MICE thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, với những giải pháp và quyết tâm của ngành Du lịch Thành phố, du lịch MICE hứa hẹn sẽ là trọng tâm của chiến lược mở cửa, phục hồi du lịch của Du lịch thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Đình Bảo Quyên. (2009). Du lịch MICE tại Việt Nam. Khóa luận tốt nghiệp khoa Thương mại Du lịch, Đại học Tài chính- Maketting.
2. Nguyễn Minh Ngọc. (2012). Kinh nghiệm phát triễn du lịch quốc tế của Thái Lan và những gợi ý cho Việt Nam, Luận văn thạc sĩ. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.
3. Sơn Hồng Đức. (2011). Đường vào kinh doanh du lịch MICE. Hà Nội: Nhà xuất bản Lao động- Xã hội…
TS. Nguyễn Thị Quỳnh Trang
(Tạp chí Du lịch tháng 5/2022)