Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang: Xứ Thanh sẽ trở thành điểm đến du lịch “4 mùa”…
Thanh Hóa được xem là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế, trong đó có lợi thế về du lịch. Lợi thế này đã được khai thác, phát huy ra sao, thưa ông?
Thanh Hóa là tỉnh có diện tích rất lớn, đứng thứ 5 của cả nước, với nhiều tài nguyên thiên nhiên phong phú, có nhiều di tích lịch sử văn hóa, lịch sử cách mạng. Trong thời gian gần đây được sự quan tâm hỗ trợ của TW, Thanh Hóa đã có bước chuyển mình vươn lên rất đáng ghi nhận.
Thanh Hóa xác định du lịch là một trụ cột trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh, để thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh đã đầu tư hạ tầng các khu du lịch biển như Sầm Sơn, Hải Hòa, Hải Tiến, từ đó mời gọi các nhà đầu tư phát triển cơ sở lưu trú, các khu nghỉ dưỡng cao cấp. Gần đây, nhiều dự án của các tập đoàn, các nhà đầu tư đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng, góp phần làm nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và thay đổi diện mạo du lịch Thanh Hóa. Cùng với đó, du lịch biển được kết nối với du lịch tâm linh, nhiều điểm nổi bật như khu du lịch Lam Kinh, thành nhà Hồ…, và những tuyến du lịch khám phá, trải nghiệm các vùng nông thôn, những nơi thiên nhiên hoang sơ tại nhiều huyện miền núi nhằm đa dạng hóa sản phẩm, tạo sự mới mẻ trong các loại hình du lịch để thu hút khách đến với xứ Thanh nhiều hơn nữa…
Mặt hạn chế của du lịch biển Thanh Hóa là tính “mùa vụ”, tỉnh nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Trong định hướng phát triển du lịch của tỉnh Thanh Hoá, du lịch biển được xem là sản phẩm chủ lực, có thế mạnh trong hệ thống các sản phẩm du lịch của tỉnh. Tuy nhiên, điểm yếu là chỉ khai thác được 1 vụ hè. Không chỉ riêng Thanh Hóa mà nhiều tỉnh miền trung du lịch biển chỉ khai thác được trong thời gian khoảng 4 tháng hè, do đặc điểm thời tiết. Để khắc phục tính “mùa vụ” này, chúng tôi đã chỉ đạo Sở VHTTDL tập trung xây dựng, phát triển các mô hình, loại hình du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch học đường với mục tiêu đưa Thanh Hóa trở thành điểm đến 4 mùa. Nhiều đối tượng du khách đến với Thanh Hóa không chỉ đến với biển, mà bất cứ mùa nào cũng có thể sử dụng, trải nghiệm những sản phẩm phù hợp.
Bên cạnh đó, Thanh Hóa tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư vào cơ sở lưu trú cao cấp, villas, resort, biệt thự nghỉ dưỡng để gia tăng giá trị trải nghiệm, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh…
Một “điểm sáng” của du lịch biển Thanh Hóa là Khu du lịch Hải Tiến, mặc dù rất non trẻ so với Sầm Sơn nhưng đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách mọi miền. Thanh Hóa sẽ làm gì để xây dựng “thương hiệu” cho Hải Tiến, thưa ông?
Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã rất quan tâm, tạo mọi điều kiện và tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển các khu du lịch biển của tỉnh Thanh Hoá, trong đó có khu du lịch biển Hải Tiến.
Nhìn nhận những tiềm năng thế mạnh của Hải Tiến, năm 2020 UBND tỉnh đã quyết định điều chỉnh quy hoạch khu du lịch Hải Tiến từ 590 ha lên 2.600 ha với không gian phát triển chính về phía Tây và Nam, kết nối với TP Sầm Sơn để hình thành dải du lịch ven biển từ Hải Tiến đến Nghi Sơn. Định hướng quy hoạch đó mở ra hướng phát triển mạnh mẽ cho du lịch biển Hải Tiến.
Cùng với mở rộng không gian phát triển sau 10 năm đưa vào hoạt động, tiếp tục đầu tư hạ tầng hiện đại, đường sá giao thông thuận tiện, tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư những khu nghỉ dưỡng cao cấp…, tỉnh luôn chỉ đạo các ban ngành chức năng kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tiến hành đầu tư thuận lợi.
Đối với huyện Hoằng Hóa, chúng tôi chỉ đạo cần làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch du lịch; tăng cường huy động các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, nhất là công trình giao thông kết nối Hải Tiến; chú trọng công tác bảo vệ môi trường tự nhiên, xây dựng cảnh quan gắn với xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị; đồng thời dành nguồn lực đầu tư tôn tạo các cơ sở lịch sử, văn hóa, cách mạng, xây dựng các sản phẩm du lịch, gắn du lịch nghỉ dưỡng biển với du lịch tham quan, khám phá, tìm hiểu lịch sử, văn hóa để tăng tính đa dạng, phong phú….
Thanh Hóa cũng đã đề nghị cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, các doanh nghiệp đầu tư tại khu du lịch biển Hải Tiến phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau để xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh; sớm khắc phục những khó khăn hậu COVID-19; tập trung ưu tiên các nguồn lực đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất; đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ; tiếp tục đồng hành cùng với địa phương trong việc xây dựng thương hiệu du lịch biển Hải Tiến văn minh, thân thiện.
Xin cảm ơn Phó Chủ tịch Lê Đức Giang!
Việt Hùng (thực hiện)