Điều kiện phát triển du lịch đêm ở Việt Nam
Sở hữu nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú; nền văn hóa đặc sắc; điều kiện chính trị ổn định…, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch đêm.
Về nhu cầu chi tiêu, sử dụng sản phẩm dịch vụ, theo khảo sát của The Conference Board và Niesel cho thấy, 43% tiền nhàn rỗi của người tiêu dùng Việt Nam được sử dụng cho mục đích giải trí. Trong đó, tiêu dùng cho giải trí nhiều nhất đến từ bộ phận giới trẻ trung lưu hoặc thuộc các gia đình trung lưu trở lên.
Việt Nam có điều kiện cơ sở hạ tầng dịch vụ tương đối đồng bộ. Trong đó, các địa điểm được phép thí điểm phát triển du lịch đêm đều có hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật nói chung và cơ sở hạ tầng du lịch nói riêng tương đối phát triển.
Hầu hết các cửa hàng, siêu thị và trung tâm thương mại được mở cửa đến 21 - 22 giờ đêm. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, cả nước hiện có khoảng 30 chợ đêm và 3.000 cửa hàng tiện lợi hoạt động 24/24h phục vụ khách du lịch, chủ yếu tập trung tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Huế...
Các tỉnh/thành, các trung tâm du lịch lớn được Chính phủ cho phép thí điểm phát triển du lịch đêm đều tập trung dân cư đông đúc và lực lượng lao động dồi dào, nhất là nguồn lao động đã qua đào tạo, có trình độ chuyên môn.
Ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam tại Quyết định số 1129/QĐ-TTg với mục tiêu tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, đồng thời hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội… Qua đó cho thấy sự quan tâm của Chính phủ đối với việc phát triển sản phẩm du lịch đêm.

Những hạn chế tồn tại
Tại Việt Nam, sản phẩm du lịch đêm đã được triển khai và trở nên khá sôi động từ nhiều năm nay ở một số đô thị và trung tâm du lịch lớn, thể hiện ở mô hình các khu chợ đêm (chợ đêm Đà Lạt, chợ đêm Phú Quốc…), khu ẩm thực đêm, quán bar, café, các tuyến phố đi bộ hoặc tuyến phố đặc trưng giải trí như Tạ Hiện, phố đi bộ Hoàn Kiếm (Hà Nội), Bùi Viện, phố đi bộ Nguyễn Huệ (Thành phố Hồ Chí Minh), Bà Nà Hills (Đà Nẵng)… Sản phẩm du lịch đêm đã góp phần tăng sức hấp dẫn cho các điểm đến, tạo điểm nhấn, màu sắc cho từng địa phương, đồng thời phục vụ tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Du lịch đêm còn kéo dài thời gian lưu trú và kích thích khả năng chi tiêu của du khách, đặc biệt là du khách quốc tế, góp phần tăng doanh thu cho ngành Du lịch.
Mặc dù có được những kết quả bước đầu, nhưng nhìn chung sản phẩm du lịch đêm của Việt Nam còn nghèo nàn và đơn điệu, chưa phát triển được thương hiệu nổi bật hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Nguyên nhân một phần là do các hoạt động về đêm mới chỉ được khai thác ở quy mô nhỏ, mang tính riêng lẻ, chưa tạo được dấu ấn.
Bên cạnh đó, hiện vẫn chưa có quy hoạch tổng thể, riêng biệt dành cho phát triển du lịch đêm, chưa khai thác thật sự hiệu quả những giá trị tài nguyên tự nhiên và văn hóa địa phương, chưa có danh mục phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch đêm cấp quốc gia, chưa có mô hình chuẩn để phát triển SPDL về đêm từ việc đúc kết các mô hình thành công trên thế giới, không gian du lịch đêm vẫn còn xen lẫn với khu vực dân cư; thể chế đi kèm phát triển du lịch đêm chưa đầy đủ, chưa có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thu hút đầu tư phát triển du lịch đêm gắn với các dịch vụ như quán bar, karaoke, câu lạc bộ vui chơi giải trí có thưởng..., thủ tục đầu tư còn phức tạp, chưa có chính sách đặc thù thu hút đầu tư phát triển du lịch đêm.
Việt Nam chưa có khung pháp lý hoàn thiện, thống nhất, hướng dẫn cụ thể, cơ chế chính sách cho từng vùng trong việc triển khai, tổ chức thực hiện các hoạt động kinh tế đêm cũng như quy hoạch, phân khu một cách bài bản đối với những điểm đến thí điểm mô hình kinh tế đêm. Nhận thức về vai trò của du lịch đêm còn hạn chế; vẫn còn tư duy truyền thống lo ngại những vấn đề tiêu cực phát sinh nên đã có những quy định cấm đoán, gây trở ngại cho phát triển du lịch đêm.
Về quản lý nhà nước, các địa phương chưa có bộ phận chuyên trách quản lý hoạt động về đêm trong khi đây là một mô hình phát triển mới, có nhiều tác động đến kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường.
Hoạt động du lịch đêm cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức, chủ yếu liên quan đến vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội địa phương, các vấn đề như ô nhiễm tiếng ồn, ánh sáng, rác thải, phòng cháy chữa cháy, tình trạng chiếm dụng trái phép không gian công cộng phục vụ cho hoạt động kinh doanh, kinh doanh mang tính chụp giật, gây phản cảm cho du khách và mất mỹ quan đô thị...
Đội ngũ quản lý nhà nước tổ chức, thực hiện và giám sát các hoạt động du lịch đêm còn mỏng; nguồn lao động tại cơ sở kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ, cá thể, hộ gia đình thiếu kiến thức, kĩ năng về du lịch đêm cũng như hạn chế nhận thức về việc kinh doanh bền vững.
Ngoài ra, thông tin các hoạt động, dịch vụ ban đêm của một số địa phương đến người dân và du khách còn chưa nhiều...
Phát triển du lịch đêm bền vững
Để phát triển du lịch đêm bền vững, thiết nghĩ cần thực hiện một số giải pháp như sau:
Quy hoạch phát triển du lịch đêm: (i) Xác định cụ thể khu vực, địa bàn, tuyến tập trung và định hướng mô hình phát triển sản phẩm du lịch; lồng ghép quy hoạch phát triển sản phẩm du lịch đêm vào nội dung quy hoạch ngành cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. (ii) Ưu tiên định hướng phát triển sản phẩm du lịch đêm đối với các khu vực, địa bàn có tiềm năng phát triển. (iii) Các địa phương quy hoạch khu vực, không gian riêng cho hoạt động dịch vụ ban đêm, gắn quy hoạch du lịch đêm với hoạt động dịch vụ, ăn uống, mua sắm phố đêm, phố đi bộ, phát triển mạng lưới giao thông, các cơ sở dịch vụ gắn với khu, điểm du lịch; lựa chọn địa điểm đủ các tiêu chí/tiêu chuẩn để triển khai áp dụng thí điểm mô hình du lịch đêm.
Hoàn thiện chính sách, khung pháp lý: (i) Rà soát, hoàn thiện chính sách và tạo hành lang pháp lý thống nhất về phát triển du lịch đêm. (ii) Có quy chế đặc thù đối với các loại hình kinh doanh quán bar, nhà hàng, cơ sở đánh bạc giải trí và các lĩnh vực vui chơi văn hóa, ca nhạc khác nhằm phát triển du lịch đêm một cách phù hợp, tránh bị lệch hướng và vi phạm các quy định của pháp luật.
Định hướng thị trường và xúc tiến quảng bá: (i) Tổ chức điều tra, nghiên cứu nhu cầu thị trường khách; xác định các thị trường mục tiêu và phát triển các sản phẩm cho từng thị trường mục tiêu được lựa chọn nhằm phát triển các chiến lược marketing phù hợp. (ii) Xây dựng kế hoạch xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch đêm hướng tới khách du lịch quốc tế lưu trú dài ngày và chi tiêu cao, khách du lịch nội địa đi du lịch dài ngày, đi theo nhóm gia đình, tầng lớp trung lưu; xây dựng sổ tay thông tin du lịch đêm cho du khách.
Một số giải pháp hỗ trợ khác: (i) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp về kỹ năng quản lý hoạt động du lịch đêm; đào tạo kỹ năng phục vụ, ngoại ngữ, văn hóa ứng xử trong du lịch... cho các hộ dân, người lao động tham gia du lịch về đêm. (ii) Tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý khai thác, phát triển sản phẩm du lịch đêm. (iii) Đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch đêm. (iv) Điều chỉnh, bổ sung các quy định về điều kiện bảo đảm an ninh trật tự, an toàn phù hợp với hoạt động du lịch đêm. (v) Xây dựng và ban hành chính sách ưu đãi về thuế đối với hoạt động du lịch đêm như: miễn lệ phí môn bài đối với hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân, tổ chức đăng ký kinh doanh tại địa bàn thí điểm phát triển du lịch đêm; miễn phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường tại địa bàn thí điểm phát triển du lịch đêm; giảm 50% mức phí tham quan các bảo tàng, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa nằm trong địa bàn thí điểm phát triển du lịch đêm; giảm 50% phí thẩm định chương trình nghệ thuật biểu diễn tại địa bàn thí điểm phát triển du lịch đêm…
Tài liệu tham khảo:
1. Bùi Thị Liên (2020). Bài 3: Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam - cẩn trọng những góc tối, truy cập từ http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Bai-3-Phat-trien-kinh-te-ban-dem-o-Viet-Nam-can-trongnhung- goc-toi/409465.vgp.
2. Nguyễn Thị Thu Trang (2020), Phát triển kinh tế ban đêm: Kinh nghiệm quốc tế và một số đề xuất đối với Việt Nam, Tạp chí Kinh tế tài chính Việt Nam, số 2, tháng 4/2020...__
ThS. Trần Thị Kim Anh
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 4/2022)