Hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch
Hiện nay, cạnh tranh nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao giữa các nước ASEAN ngày càng rõ nét. Sự ra đời của Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch MRA-TP (Mutual Recognition Arrangement on Tourism Professionals) giữa các nước thành viên ASEAN tạo ra sự dịch chuyển nhân lực du lịch chất lượng cao giữa các quốc gia trong khối. MRA-TP cũng là động lực nâng cao các tiêu chuẩn của ngành Du lịch và trình độ nhân lực du lịch của các quốc gia ASEAN. MRA-TP tác động đến các đối tượng như cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các doanh nghiệp du lịch - lữ hành - khách sạn, cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch… Từ đó dẫn đến yêu cầu đặt ra là cần có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp kinh doanh du lịch - lữ hành - khách sạn, các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng địa phương… với cơ sở đào tạo nhân lực du lịch.
Trong thực tế, liên kết đào tạo nguồn nhân lực du lịch ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả khả quan, đáp ứng cơ bản sự phát triển nhanh chóng của Du lịch Việt Nam trong những năm qua. Hoạt động liên kết đào tạo du lịch với các cơ sở đào tạo nước ngoài được đẩy mạnh trong khuôn khổ hợp tác đa phương hoặc song phương. Từ năm 1997 đến năm 2006, Chính phủ Luxembourg đã tài trợ cho Du lịch Việt Nam 3 dự án ODA không hoàn lại với tổng vốn tài trợ 10.375.999 EURO nhằm tăng cường năng lực đào tạo cho các cơ sở đào tạo nhân lực ngành Du lịch. Cả 3 dự án đã đạt được các mục tiêu đề ra: tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật; phát triển đội ngũ giáo viên; hoàn thiện chương trình, giáo trình đào tạo du lịch. Trong đó, Chương trình giáo dục và đào tạo nghề nghiệp Vocational Education & Training (VET) của EHL là mô hình đào tạo kỹ năng được xây dựng dựa trên khung năng lực chuẩn từ Thụy Sĩ, một trong những mô hình giáo dục tốt nhất trên thế giới. Đặc trưng của mô hình này là cách tiếp cận đảm bảo đầu ra và xây dựng nội dung đào tạo theo định hướng năng lực của học viên. Chương trình giảng dạy chú trọng việc học thông qua thực hành, sinh viên có thể sẵn sàng cho công việc ngay sau khi tốt nghiệp.
Bên cạnh các dự án liên kết nước ngoài thì liên kết đào tạo trong nước cũng được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức khác nhau với sự tham gia của 3 nhà: nhà trường - nhà tuyển dụng lao động (doanh nghiệp) - nhà nước. Gần đây, Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22/6/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy định chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học có quy định: “Phải có sự tham gia tích cực và đóng góp hiệu quả của các bên liên quan, trong đó có đại diện các cơ sở đào tạo, giới sử dụng lao động và hiệp hội nghề nghiệp, các chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn”. Yêu cầu này không chỉ dừng lại ở quy định mà còn nhấn mạnh đến việc đào tạo gắn liền với thực tiễn, rất phù hợp trong đào tạo chuyên ngành du lịch. Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch có thể thể hiện ở những khía cạnh cơ bản sau:
Các học phần thực hành/thực tế có sự tham gia giảng dạy toàn phần hoặc một phần của các giảng viên thỉnh giảng đến từ các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, các cơ quan quản lý nhà nước về Du lịch.
Các cơ sở đào tạo gửi sinh viên thực tập/thực tế hàng năm mang lại lợi ích cho cả nhà trường và doanh nghiệp. Sinh viên có chỗ thực tập phù hợp với chuyên ngành đào tạo, được tiếp cận với môi trường thực tiễn, được ứng dụng kiến thức vào thực tế công việc… Doanh nghiệp có được nguồn nhân lực dồi dào, đặc biệt vào thời điểm chính vụ như thực tập 1 (tháng 11 - tháng 2 hàng năm), thực tập 2 (tháng 5 - tháng 7 hàng năm…).
Đối với các hoạt động tìm hiểu khách sạn, công ty lữ hành, điểm đến, ví dụ như hotel tour (tham quan khách sạn), sinh viên được tham quan, tìm hiểu về các khách sạn đối tác của cơ sở đào tạo, được trao đổi kinh nghiệm thực tế với cán bộ quản lý khách sạn. Với city tour (tour nội thành), sinh viên được tìm hiểu lịch sử hình thành, thực hành thuyết minh viên tại điểm... từ đó có được những trải nghiệm cơ bản nhất về ngành, hiểu được môi trường làm việc, yêu nghề hơn.
Các đề tài nghiên cứu khoa học của giảng viên được tiếp cận theo hướng thực tế, có sự tham gia trực tiếp của các chuyên gia/nhân viên/chuyên viên tại các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, hiệp hội du lịch - lữ hành - khách sạn. Việc phối hợp hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học sẽ gắn với thực tiễn của Ngành nói chung và từng doanh nghiệp nóir iêng.
Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề: cung cấp cho sinh viên những kiến thức thực tiễn về nghề nghiệp thông qua trao đổi trực tiếp. Các diễn giả là những cán bộ quản lý tại các bộ phận nghiệp vụ, các cán bộ quản lý cấp cao trong các khách sạn, công ty du lịch. Sinh viên còn được trao đổi các vấn đề liên quan đến nghề, nhờ đó định hướng học tập, rèn luyện bản thân tốt hơn để đáp ứng yêu cầu công việc.
Nâng cao hiệu quả hợp tác giữa cơ sở giáo dục du lịch và các bên liên quan
Đối với cơ quan nhà nước
Hoàn thiện cơ chế chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo, phát triển nhân lực du lịch;
Có chính sách, cơ chế hỗ trợ các đơn vị đào tạo nhân lực du lịch, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0, thu hút nhân tài, trọng dụng người tài, ổn định việc làm, giữ chân người lao động;
Thiết lập quỹ học bổng để cử sinh viên đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài;
Khuyến khích, hỗ trợ mối quan hệ hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, như ban hành các quy chế, văn bản hướng dẫn cụ thể về hoạt động hợp tác; có chính sách ghi nhận, động viên các doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực của Ngành như vinh danh, tặng bằng khen, ưu đãi về tài chính…
Đối với các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch
Tổ chức các khóa tập huấn nâng cao trình độ công nghệ thông tin, ngoại ngữ của đội ngũ quản lý, giảng viên nhằm đảm bảo chất lượng giảng dạy; tham gia các lớp đào tạo viên theo chuẩn và nhận được chứng chỉ đào tạo;
Xây dựng chương trình đào tạo theo hướng tích hợp, tăng cường mời chuyên gia là các doanh nghiệp du lịch xây dựng và thẩm định nội dung chương trình đào tạo để đảm bảo tính khách quan và đáp ứng nhu cầu thực tế;
Thiết lập các buổi sinh hoạt chuyên môn giữa giảng viên/sinh viên với các nhân viên/chuyên viên các công ty lữ hành, khách sạn nhằm tăng cường trao đổi các kiến thức thực tế;
Hiện nay, phương pháp giảng dạy “blended learning” - học tập tích hợp và làm việc nhóm cho sinh viên mang lại hiệu quả và phù hợp cho sinh viên ngành Du lịch. Chính vì vậy, việc đầu tư phòng thực hành với các thiết bị mô phỏng là yếu tố cần thiết và quan trọng để hoạt động đào tạo đáp ứng đúng yêu cầu của Tiêu chuẩn kỹ năng nghề Du lịch Việt Nam (VTOS), Tiêu chuẩn năng lực chung của ASEAN về nghiệp vụ du lịch (ACCSTP), giúp sinh viên được thực học - thực nghiệp ngay tại cơ sở đào tạo;
Đẩy mạnh kí kết thỏa thuận đào tạo để tạo sự gắn kết các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cho lĩnh vực du lịch - lữ hành - nhà hàng - khách sạn; tích cực thu nhận sự tư vấn, cập nhật chương trình đào tạo bắt kịp xu hướng thị trường từ các doanh nghiệp; cùng tổ chức các đợt thực tập thường niên cho sinh viên cũng như mở các khóa đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn cho sinh viên và giảng viên.
Đối với doanh nghiệp
Kết nối, tham gia các hoạt động thực tập, thực tế, chia sẻ kiến thức thực tế cho sinh viên tại các trường cao đẳng, đại học, học viện trên cả nước;
Tạo môi trường phù hợp chuyên ngành đào tạo và cơ hội cho sinh viên được thực hành, thực tập;
Tham gia tài trợ học bổng, tham gia vào các hoạt động ngoại khóa của sinh viên như chủ đề hướng dẫn viên, nghệ thuật giao tiếp…;
Cung cấp thông tin về tình hình thị trường khách du lịch, về nhu cầu đào tạo, sử dụng và tuyển dụng hướng dẫn viên du lịch cho cơ sở đào tạo;
Tạo cơ hội cho giảng viên, sinh viên tham gia học tập, khảo sát tại doanh nghiệp nhằm phục vụ hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học…
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2017). Đề án 4929/BGDĐT-GDĐH về việc áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành về du lịch. Ban hành ngày 20/10/2017;
2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. (2011). Quyết định về việc phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực ngành du lịch giai đoạn 2011 – 2020, Số: 3066/QĐ-BVHTTDL.
3. Viện Nghiên cứu phát triển du lịch. (2018). Hợp tác, liên kết trong đào tạo nhân lực du lịch. http://itdr. org.vn/nghien_cuu/hop-tac-lien-ket-trong-dao-tao-nhan-luc-du-lich/...
ThS. Bùi Thị Trang
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 4/2022)