Phát triển du lịch cộng đồng tại Hà Giang: Tăng giá trị và hàm lượng văn hóa để du khách chi tiêu nhiều hơn
Nhiều điểm nổi bật…
Hà Giang có nhiều điểm đến nổi bật bởi phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ và giá trị văn hóa đặc sắc của các bản làng đồng bào dân tộc như: cao nguyên đá Đồng Văn, Bản Lô Lô Chải của người Lô Lô (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn), bản Tha của người Tày (xã Phương Độ, huyện Vị Xuyên), làng H’Mong Pả Vi (xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc), Làng văn hóa Lũng Cẩm (xã Sủng Hà, huyện Đồng Văn), phố cổ Đồng Văn… Đặc biệt, ấn tượng nhất là khi di chuyển trên những cung đường hiểm trở tại 4 huyện vùng cao của Hà Giang như: Quản Bạ, Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh có con đường Hạnh Phúc (thuộc quốc lộ 4C, đoạn từ TP. Hà Giang đi 4 huyện vùng cao), có đèo Mã Pí Lèng – một trong “tứ đại đỉnh đ��o” ở phía Bắc, dài chừng 20km. Hà Giang còn có nhiều điểm du lịch thu hút rất đông du khách như: cột cờ Lũng Cú, điểm cao: 486, 772, 1509…, dinh thự họ Vương, rừng thông Yên Minh, Hoàng Su Phì… Bên cạnh đó, Hà Giang còn có nhiều rừng hoa rực rỡ khoe sắc như: hoa đào, hoa mận, cánh đồng hoa cải, ruộng bậc thang… Thời gian qua, Hà Giang đã tạo ra nhiều sản phẩm từ các làng nghề thủ công truyền thống, trở thành những món quà lưu niệm được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng như: rượu ngô men lá Thanh Vân, dược liệu Nặm Đăm, mật ong Thanh Long, sản phẩm dệt lanh của dân tộc Mông…
Về hoạt động du lịch, UBND tỉnh Hà Giang đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm. Năm 2020, Hà Giang triển khai Đề án “Bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng dịch vụ các Làng Văn hóa du lịch cộng đồng” giai đoạn 2020 – 2025. Thông qua Đề án này, tỉnh đã hỗ trợ toàn diện cho công tác bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa để phát triển du lịch.
Hiện nay, nhiều Làng Văn hóa du lịch tiêu biểu được ra đời gắn với việc xây dựng nông thôn mới và dược liệu. Đến nay, toàn tỉnh có 13 làng tại 9 huyện/thành phố được UBND tỉnh Hà Giang công nhận là Làng Văn hóa du lịch tiêu biểu đạt các tiêu chí quốc gia theo Chương trình OCOP (mỗi xã 1 sản phẩm). Năm 2021, có 40 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, trong đó có sản phẩm du lịch cộng đồng thôn Quảng Hạ, Nà Ràng (Xín Mần).
Qua phát triển du lịch cộng đồng, người dân vừa gắn với hoạt động sản xuất, cung ứng dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp vừa kết hợp để phát triển du lịch. Thông qua hoạt động du lịch, người dân đã có ý thức bảo tồn các giá trị văn hóa, tài nguyên du lịch, tài nguyên tự nhiên, bảo vệ môi trường. Nhiều làng nghề truyền thống, nhiều phong tục - tập quán có giá trị đã được khôi phục và bảo tồn.
… nhưng vẫn còn nhiều thách thức
Bên cạnh những thành tựu đạt được, du lịch cộng đồng tỉnh Hà Giang vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức và rào cản để có thể phát triển bền vững và đạt hiệu quả cao về kinh tế, đó là các địa phương xây dựng sản phẩm/dịch vụ có nhiều điểm tương đồng; chủ yếu vẫn đang phục vụ cho lượng khách phượt và có mức chi tiêu thấp; dịch vụ cung ứng còn đơn giản, giá trị thấp; người dân tham gia vào phát triển loại hình du lịch này còn thiếu kỹ năng phục vụ, giao tiếp và truyền tải các giá trị văn hóa, phong tục, tập quán, đời sống sinh hoạt hàng ngày đến với du khách. Bên cạnh đó, các sản phẩm lưu niệm tương đối đa dạng nhưng chưa thật sự hấp dẫn; người dân còn thiếu kinh phí để xây dựng các sản phẩm/dịch vụ khác biệt, đa dạng, phong phú. Song song đó, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật tại điểm chưa được đầu tư đúng mức, thiếu tính đồng bộ và chưa đúng tiêu chuẩn trong phục vụ du lịch…
Gia tăng giá trị và hàm lượng văn hóa các sản phẩm/dịch vụ
Để phát triển du lịch cộng đồng ở Hà Giang một cách bền vững và hiệu quả, bài viết đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, phát triển và gia tăng giá trị và hàm lượng văn hóa trong sản phẩm/dịch vụ cung ứng cho khách du lịch, các sản phẩm/dịch vụ không chỉ dừng lại ở mức độ tham quan và “check-in” (chụp hình). Song song đó, tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo nghề cho người nông dân tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng, nhất là trong cung ứng các sản phẩm/dịch vụ như: Homestay và các loại hình lưu trú khác, dịch vụ ăn uống, hướng dẫn tại điểm…
Hai là, ban hành các cơ chế, chính sách để thu hút nhà đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Trong đó, địa phương lựa chọn các địa điểm, khu vực thích hợp để phát triển các loại hình du lịch nhưng có ưu tiên các nhà đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các tộc người tại Hà Giang. Đồng thời, Hà Giang cần tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông để phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới.
Ba là, cần có quy hoạch về phát triển du lịch cộng đồng, gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, lấy du lịch cộng đồng làm động lực và tập trung nguồn lực để phát triển. Khi có quy hoạch cần phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện và xây dựng các đề án phù hợp, tránh phá vỡ quy hoạch và không gian của điểm đến, khu vực. Trong quy hoạch phải nhất quán quan điểm, chủ trương: Du lịch cộng đồng là động lực, cánh cửa mở ra, đưa Hà Giang đến gần và kết nối với thế giới, qua đó phát triển các ngành kinh tế khác.
Bốn là, xác định lại vị trí - vai trò của người nông dân – chủ thể chính trong phát triển du lịch cộng đồng. Thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội cho thấy, những lợi ích mà du lịch cộng đồng mang lại là rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh Hà Giang là một trong những địa phương có điều kiện tự nhiên khá khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, nhiều đồi núi… Do đó, cần có giải pháp căn cơ, lâu dài, nhằm đảm bảo sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của người dân. Lúc này, vai trò của người nông dân cần được quan tâm hơn bao giờ hết, trong đó phát triển du lịch cộng đồng gắn với sản xuất nông nghiệp là hướng đi mang tính hiệu quả, bền vững.
Năm là, cung cấp và khơi thông nguồn vốn đến tay người nông dân. Một trong những giải pháp quan trọng là phải có sự tham gia của các tổ chức tín dụng như: Ngân hàng, Quỹ nhân dân, Quỹ phụ nữ, Quỹ Công đoàn… hỗ trợ cho người dân vay vốn, thông qua nhiều hình thức vay, ưu đãi với lãi suất 0% hoặc lãi suất thấp. Tuy nhiên, để dòng tiền từ các tổ chức tín dụng đến tay người tiêu dùng có hiệu quả, cần phải có sự tham gia giám sát của chính quyền cơ sở, từ thôn, bản đến xã, phường thị trấn… hoặc những tổ chức (theo phong tục, tập quán) của các tộc người. Việc giám sát nhằm tránh tình trạng người dân vay vốn để cho các mục đích khác, gây thất thoát, lãng phí, không đúng mục đích.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chỉ đạo phát triển du lịch và Công văn địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn tỉnh Hà Giang, 2022, Báo cáo Kết quả phát triển du lịch tỉnh Hà Giang năm 2021 và hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực du lịch.
2. Tỉnh uỷ Hà Giang, 2021, Nghị quyết số 11 NQ-TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025.
3. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, 2014, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng 2030.
ThS. Dương Thanh Tùng