Hoạt động chưa tương xứng
Nhìn chung, hoạt động kinh doanh du lịch của Hà Nội chưa tương xứng với chủ trương nâng Du lịch thủ đô thành ngành kinh tế mũi nhọn. Việc định hướng, hỗ trợ của các cơ quan quản lý đối với du lịch chưa nhiều, hiệu quả chưa cao; công tác kiểm tra giám sát hoạt động du lịch lỏng lẻo. Sự liên kết, phối hợp giữa ngành Du lịch Hà Nội với các địa phương khác chưa thường xuyên. Cơ sở vật chất nếu không phát triển nhanh hơn nữa (nhất là hệ thống các khách sạn) thì khó đáp ứng nhu cầu ngày một tăng cao. Hệ thống giao thông vận tải chật chội, cũ kỹ. Hệ thống cung cấp năng lượng (chủ yếu là điện) không ổn định. Việc bảo vệ môi trường, bảo tồn và cải thiện chất lượng các sản phẩm và điều kiện phục vụ chưa được quan tâm giải quyết đúng mức.
Theo kết quả khảo sát của SNV tại Việt Nam (tập trung vào 5 địa phương có nhiều du khách nước ngoài là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hội An, Hạ Long, Huế), du khách ngày càng quan tâm đến nhiều vấn đề như xả rác nơi công cộng, ô nhiễm sông hồ và tiếng ồn. Trong thực tế, hiện nay Hà Nội ngổn ngang như một đại công trường, bụi khói, ô nhiễm nguồn nước, tiếng ồn đang là những vấn đề bức xúc... Những hạn chế trên đã trực tiếp làm giảm một lượng lớn khách tại Hà Nội, đồng thời làm xấu đi hình ảnh của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Mặc dù phát triển khá nhanh nhưng nhìn chung, hàng hóa du lịch Hà Nội chưa đa dạng, phong phú. Việc đầu tư mới các khu vui chơi giải trí còn ít. Về cơ bản những điểm đến du lịch, sản phẩm du lịch Hà Nội chủ yếu dựa vào các di tích lịch sử, di sản văn hóa truyền thống tâm linh, việc đầu tư xây mới còn hạn chế. Hàng hóa mà du khách có thể mua sắm phần lớn là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ chất lượng chưa cao, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe như vật lý trị liệu, masage...
Theo ý kiến của nhiều nhà quản lý và kinh doanh, thời gian qua nhiều khách du lịch của các hãng lữ hành không lưu trú ở Hà Nội. Ví dụ với tour Hà Nội - Hạ Long, trước đây khách lưu trú, mua sắm, tham quan ở Hà Nội, sau đó thuê xe đi Hạ Long thì nay ngược lại, Hà Nội chỉ còn là điểm tham quan. Thậm chí, một số hãng đã bỏ điểm dừng chân Hà Nội, đưa khách vào thẳng Đà Nẵng, Nha Trang… Lượng khách du lịch vào Hà Nội đang ít hơn lượng khách của Hà Nội ra các vùng. Du khách của Hà Nội hiện nay chủ yếu là khách nội bộ đi nghỉ dưỡng cuối tuần. Vào các ngày nghỉ lễ dài, người Hà Nội đi du lịch xa; còn một bộ phận khá đông khách quốc tế vào Việt Nam hiện nay đi theo đường biển do vậy du khách sẽ càng ít vào Hà Nội hơn...
Mở rộng loại hình và nâng cao chất lượng
Tiềm năng du lịch của Hà Nội là rất lớn. Tuy vậy để phát triển bền vững, ngoài việc bảo tồn và phát triển sản phẩm du lịch, Hà Nội cần quan tâm mở rộng loại hình và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
Trước hết, cần đầu tư xây dựng nhiều công trình phục vụ và kinh doanh du lịch như công viên, vườn cây xanh, khu nghỉ dưỡng, chữa bệnh... để vừa phục vụ nhu cầu nâng cao thể chất và tinh thần nhân dân vừa góp phần xây dựng Hà Nội xanh - sạch - đẹp tạo môi trường du lịch hấp dẫn. Các công trình này cần có quy mô lớn, với hệ thống phương tiện phục vụ tiện ích. Kinh nghiệm của TP. Hồ Chí Minh và các thành phố lớn trên thế giới đã chứng minh hiệu quả của mô hình này. Các khu du lịch có quy mô nhỏ nhất cũng phải như công viên Đầm Sen, Suối Tiên (TP.Hồ Chí Minh), các công viên phải đa dạng sinh học, nhiều khu vui chơi.
Chủ động quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển du lịch dài hạn trên cơ sở quy hoạch tổng thể của UBND thành phố về phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Cần có chiến lược đầu tư lâu dài, bài bản, mở rộng liên kết hợp tác với các công ty du lịch các địa phương mà du khách Hà Nội thường đến nghỉ như các bãi tắm, các danh lam thắng cảnh ở các địa phương trong và ngoài nước.
Bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, phục hồi các làng nghề truyền thống, các phố cổ, làng cổ...
Các cơ quan quản lý cần xem xét lại chính sách cho thuê đất đai, rừng núi, sông hồ và các tài nguyên du lịch khác để có thể chủ động gia hạn thời gian cho các công trình đầu tư xét thấy có hiệu quả.
Giáo dục văn hóa du lịch là vấn đề cần hết sức được coi trọng. Ngành Du lịch đề xuất, phối hợp với các cơ quan ban ngành, các địa phương và cả những người có địa bàn kinh doanh du lịch thực hiện nghiêm túc văn hóa du lịch. Đồng thời, ngành phải là một trong những cơ quan chủ trì, đầu tư để giáo dục văn hóa du lịch của địa phương. Một kinh nghiệm rất hay của TP. Hồ Chí Minh là tổ chức các đoàn thanh niên tình nguyện để trợ giúp du khách, trước hết là tại các "điểm nóng"...
TS. Võ Tá Tri - ThS. Nguyễn Thị Lan Phương