Tiềm năng du lịch và những hạn chế
Thứ nhất, Tây Nguyên có tài nguyên tự nhiên phong phú đa dạng. Với địa hình hiểm trở hấp dẫn, các ngọn thác, hệ động thực vật, các khu bảo tồn tự nhiên… như Biển hồ T'Nưng, thác Xung Khoeng, vườn quốc gia Chư Yang Sin, Chư Mom Ray (Sa Thầy), Cát Tiên… thu hút nhiều người tới thưởng ngoạn.
Thứ hai, Tây Nguyên lại nổi danh hơn với tiềm năng du lịch văn hóa dân tộc phong phú, bao gồm các di tích lịch sử văn hóa nghệ thuật có giá trị, các sinh hoạt văn hóa dân tộc đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu phi vật thể của nhân loại. Với nền văn hóa đa sắc của các dân tộc thiểu số: Ba Na, Gia Rai, Ê đê, Cơ Ho… vùng đất này còn lưu giữ nhiều pho sử thi truyền miệng, các loại nhạc cụ dân tộc, các lễ hội độc đáo còn nguyên chất dân gian...
Thứ ba, so với nhiều tỉnh miền núi, Tây Nguyên có hệ thống sân bay và hệ thống đường quốc lộ có chất lượng khá thuận lợi cho việc phát triển giao thông đường hàng không và đường bộ. Quốc lộ 14, 19, 25 nối các tỉnh Tây Nguyên với các địa phương khác thuận tiện. Sân bay Pleiku, Buôn Ma Thuột, Liên Khương đã đón nhiều khách từ các chuyến bay thẳng từ các thành phố khác.
Thứ tư, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch từng bước phát triển, đa dạng về hình thức, phương tiện phục vụ khách, nhất là các cơ sở lưu trú và phương tiện vận chuyển khách. Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung (Bộ Kế hoạch – Đầu tư), đến nay, khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã có 353 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép với tổng số vốn đăng ký trên 4 tỷ USD, chiếm 6,3% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước. Các dự án xây dựng sân golf và khu resort cao cấp, khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp ở Lâm Đồng và Kon Tum thu hút một lượng vốn đầu tư khá lớn.
Bên cạnh những thuận lợi trên, phát triển Du lịch Tây Nguyên còn gặp nhiều khó khăn:
Số lượng khách du lịch đến Tây Nguyên trong những năm gần đây tăng chậm và không đều, có lúc giảm đáng kể. Sự đóng góp của du lịch trong cơ cấu kinh tế của địa phương còn nhiều hạn chế.
Hiện tượng "nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch" đã đem lại sự tăng trưởng về số lượng cho ngành Du lịch, song về chất lượng lại không đảm bảo. Hoạt động du lịch thiếu tính quy hoạch, chưa xác định rõ trọng điểm nên đầu tư du lịch còn dàn trải kém hiệu quả.
Cơ sở hạ tầng du lịch mặc dù khá thuận tiện so với các tỉnh miền núi, song nhiều tuyến đường có mức độ an toàn du lịch không cao, gây tâm lý lo ngại cho du khách. Mạng lưới truyền tải và phân phối điện còn lạc hậu. Phương tiện giao thông công cộng còn thiếu, nhìn chung vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của dân cư và du khách.
Sản phẩm du lịch Tây Nguyên còn nghèo nàn, thiếu hấp dẫn. Các lễ hội, liên hoan du lịch diễn ra theo thời vụ, còn mang tính địa phương, chưa thu hút được đông đảo du khách.
Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch chưa đồng bộ. Chất lượng trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Sự phân bố và đầu tư cho mạng lưới khách sạn còn chưa thật hợp lý mới chỉ tập trung ở thành phố (Pleiku, Buôn Mê Thuật, Đà Lạt).
Một số giải pháp
Để phát triển du lịch cộng đồng nhằm xóa đói nghèo ở Tây Nguyên vấn đề cơ bản là phải đưa sản phẩm sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số trở thành sản phẩm du lịch, phải tăng thu nhập và việc làm từ du lịch cho dân nghèo. Các dự án du lịch phải bao hàm cả sự tham gia của cộng đồng dân cư. Vì vậy, cần xem xét một số vấn đề như sau:
Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển du lịch từng tỉnh Tây Nguyên, cần tiến hành quy hoạch chi tiết cho từng khu du lịch, xây dựng các dự án đầu tư cụ thể cho từng điểm du lịch để triển khai đầu tư và kêu gọi đầu tư thông qua chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh. Xác định trọng điểm đầu tư, nhưng không coi nhẹ đầu tư tại những điểm du lịch có thể tận dụng nguồn nhân lực tại chỗ.
Chính sách phát triển du lịch bền vững cần được hoạch định trên cơ sở nguồn tài nguyên hiện có của Tây Nguyên như: chính sách đầu tư hỗ trợ thúc đẩy các ngành nghề sản xuất truyền thống như dệt thổ cẩm của người Mạ, nghề đan lát của người K'Ho, nghề gốm của người Chu Ru…; chính sách bảo tồn và phát triển đàn voi, phát triển các tour du lịch sinh thái; chính sách tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về bảo tồn văn hóa truyền thống, lễ hội của đồng bào dân tộc, nâng cao lòng tự hào của người dân vùng Tây Nguyên…
Phát triển các tour du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách. Cần nghiên cứu tạo những sản phẩm du lịch độc đáo, khai thác, bảo tồn và phát huy vốn văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Phát triển các tour cho khách tham gia sản xuất trực tiếp, ăn nghỉ và sinh hoạt cùng với người dân. Hình thành các khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, khu dịch vụ văn hóa và giải trí không chỉ tập trung ở các thành phố mà mở rộng ra cả các huyện thị.
Chú trọng công tác sử dụng và đào tạo phát triển nguồn nhân lực tại chỗ. Đào tạo và bồi dưỡng những kỹ năng tối thiểu cho dân địa phương, cho đồng bào dân tộc thiểu số khi tham gia thị trường lao động du lịch, từng bước đào tạo nguồn nhân lực theo hướng chuyên nghiệp tại các điểm du lịch lớn.
Đầu tư phát triển mạnh cơ sở hạ tầng để tăng cường khả năng tiếp cận các điểm du lịch, đặc biệt là đường đến các bản làng, thôn xã. Khách du lịch quốc tế và nội địa đến từ các thành phố lớn cũng gặp nhiều bất cập nếu thời gian chuyến đi bị hạn chế.
Đẩy mạnh liên kết du lịch với các tỉnh thành phố khác, nhất là các tỉnh trung bộ như Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Ninh Thuận… tạo các tuyến du lịch độc đáo. Bên cạnh đó, cần hợp tác xúc tiến quảng bá du lịch ở quy mô vùng, nâng cao hiệu quả của công tác này.
- Tăng cường phối hợp hoạt động liên ngành. Mục đích là khai thác một cách có hiệu quả nền văn hóa đa dạng của các dân tộc thiểu số góp phần bảo tồn, gìn giữ bản sắc, di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; đồng thời thỏa mãn như cầu giao lưu, tìm hiểu văn hóa giữa du khách và cộng đồng dân tộc nhằm cải thiện đời sống, tạo cơ hội việc làm cho người dân địa phương.
Tây Nguyên thực sự là điểm đến lý tưởng cho khách du lịch về du lịch sinh thái, là một vùng đất còn nhiều bí ẩn cho việc khám phá tự nhiên, đến đây, du khách còn được hòa mình vào nền văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số. Như vây, khai thác những nguồn lực sẵn có góp phần cải thiện đời sống kinh tế - xã hội của người dân địa phương, đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo để nơi đây tương xứng với vị thế đã được xác định là vùng kinh tế lớn và quan trọng của đất nước là nhiệm vụ của các cấp, các ngành và của từng người dân địa phương■
Tây Nguyên là vùng cao nguyên giáp với Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia. Địa bàn Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng với 3 thành phố (Pleiku, Buôn Ma Thuột, Đà Lạt). Dân số trên 5 triệu người, chiếm khoảng 6% dân số cả nước. Tây Nguyên có những thuận lợi rất lớn trong phát triển du lịch. |