Vùng Đông Bắc với tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng, có khả năng đón nhận số lượng lớn du khách. Nơi đây có Di sản Thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long (Quảng Ninh); bãi biển Trà Cổ quanh năm lộng gió được đánh giá là bãi biển đẹp nhất phía Bắc Việt Nam; nhiều hồ nước lớn với cảnh quan hấp dẫn (hồ Ba Bể, hồ Núi Cốc); thác nước Bản Dốc, Đầu Đẳng (Cao Bằng); các cánh rừng già nguyên sinh ở vườn quốc gia Ba Bể, Tam Đảo… làm thỏa mãn trí tò mò của du khách và lòng say mê nghiên cứu của các nhà khoa học.
Ngoài những thành quả đã đạt được, Đông Bắc hiện đang đứng trước một số vấn đề lớn cần giải quyết, đó là: những lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên chưa được khai thác hiệu quả; môi trường ở các vùng núi, vùng biển đang bị xuống cấp, tài nguyên thiên nhiên đang bị phá hoại nghiêm trọng.
Để đạt được những mục tiêu phát triển vùng trong tổng thể kinh tế - xã hội của cả nước, đảm bảo hài hòa giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường, việc xây dựng cơ sở khoa học để xác lập nguồn lực phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại vùng du lịch Đông Bắc Việt Nam là rất cần thiết và dựa theo các tiêu chí sau:
Tài nguyên du lịch và môi trường thuận lợi: Đông Bắc Việt Nam là khu vực có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú về chủng loại, có giá trị đặc sắc, mức độ tập trung cao cũng như có môi trường tốt, thuận lợi cho việc xây dựng các tuyến điểm du lịch, đặc biệt rất thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. Tuy nhiên, khi quy hoạch để phát triển, cần điều tra đánh giá tài nguyên, môi trường du lịch xác thực và phải quan tâm đến việc bảo tồn, tôn tạo tài nguyên du lịch đúng mức.
Dân cư và nguồn lao động: Dân cư và lao động ở các địa phương là nguồn lực cho việc hình thành nuôi dưỡng và bảo tồn, khai thác các nguồn tài nguyên, môi trường du lịch. Sản phẩm du lịch cộng đồng có hấp dẫn và đáp ứng nhu cầu của du khách hay không là do nguồn lực này quyết định. Bởi vậy, cần quan tâm đầu tư cho việc đào tạo và giáo dục du lịch, có chế độ tuyển dụng cũng như đãi ngộ nguồn lao động địa phương phù hợp.
Quy hoạch và tổ chức quản lý phát triển du lịch: Các loại hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại vùng du lịch Đông Bắc chỉ có thể phát triển bền vững khi có quy hoạch đúng đắn và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời được tổ chức quản lý chặt chẽ, đồng bộ. Quy hoạch phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng chỉ có thể đạt kết quả cao khi cộng đồng được tham gia vào quy hoạch, tổ chức quản lý và ra các quyết định phát triển du lịch.
Thị trường du lịch: Hoạt động du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại vùng du lịch Đông Bắc Việt Nam diễn ra theo quy luật cung - cầu. Vì vậy, khi quy hoạch vùng cần quan tâm nghiên cứu các nhu cầu thị hiếu của thị trường khách du lịch, xúc tiến phát triển du lịch để tạo ra và cung ứng những sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, hấp dẫn du khách, mang lại hiệu quả cao về nhiều mặt.
Đường lối và chính sách phát triển du lịch: Đông Bắc Việt Nam có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đặc sắc song điều kiện tự nhiên và đời sống kinh tế - xã hội của người dân còn khó khăn. Do vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước và Chính phủ cần có cơ chế, chính sách hợp lý nhằm tạo các nguồn lực và môi trường thuận lợi cho hoạt động du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng.
Sự trợ giúp của các cơ quan, tổ chức chính phủ và phi chính phủ: Do cộng đồng địa phương thường thiếu tri thức, kinh nghiệm và các nguồn tài vật để phát triển du lịch, nên để phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng cần vận động, kêu gọi các cơ quan, tổ chức chính phủ và phi chính phủ, các doanh nghiệp lữ hành trợ giúp cho cộng đồng trong việc lập quy hoạch phát triển du lịch, bảo tồn, tôn tạo tài nguyên và môi trường du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến phát triển du lịch, tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch.
Xúc tiến phát triển du lịch: Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng thường được phát triển nhiều ở những vùng có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, kết cấu hạ tầng cũng như kinh tế - xã hội không thuận lợi. Do vậy, khách du lịch thường khó biết các thông tin về điểm đến, các sản phẩm của loại hình du lịch này. Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại vùng du lịch Đông Bắc Việt Nam chỉ có thể phát triển đạt hiệu quả cao, khi hoạt động xúc tiến phát triển du lịch được đầu tư và triển khai đúng đắn, hiệu quả theo hướng Nhà nước và nhân dân cùng làm.
ThS. Lê Thu Hương