Chợ phiên Bắc Hà
Bản dân tộc Thái – điểm hẹn của du khách
Từ năm 1994, do thiếu điểm tham quan và nhu cầu tìm hiểu đời sống người dân địa phương của du khách tăng cao, các công ty lữ hành đã lựa chọn bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình) là địa chỉ tổ chức những chuyến dã ngoại, thăm làng bản và ngủ tại nhà dân cho du khách.
Hàng năm, bản Lác thu hút từ 3.000 – 5.000 lượt du khách. Người dân địa phương cung cấp dịch vụ nấu ăn, biểu diễn văn nghệ, dịch vụ ngủ bản... và nộp lại ngân sách địa phương 10% tổng thu nhập. Toàn bộ số tiền thu phí tham quan cũng như 10% doanh thu của người dân được nộp vào ngân sách huyện, người dân không có quyền quản lý và cũng không được biết những khoản thu này sử dụng vào mục đích gì.
Điểm mạnh của mô hình này là sức hấp dẫn của nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc Thái. Ngoài ra, Mai Châu có vị trí địa lý gần với Hà Nội và các khu vực du lịch lân cận nên rất thuận lợi cho khách tham quan. Do đó, hàng năm thu hút một lượng lớn du khách.
Tuy nhiên, đây là một mô hình tự phát, thiếu sự hỗ trợ của các bên liên quan: từ chính quyền địa phương, các cơ quan bảo tồn cho tới các tổ chức phát triển bên ngoài. Mặc dù người dân có tham gia cung cấp dịch vụ và bản thân họ với lối sống, văn hóa độc đáo cũng trở thành sản phẩm, dịch vụ thu hút khách nhưng bản thân họ, ngoài nguồn thu nhập nhỏ từ việc cung cấp dịch vụ vẫn không có quyền tham gia, ra quyết định trong quá trình quản lý, phát triển sản phẩm. Chiến lược, mục tiêu phát triển, cơ cấu tổ chức, quy định nội bộ, đặc biệt là các chương trình bảo vệ môi trường... chưa được quan tâm phát triển tương xứng.
DLCĐ đem lại lợi ích về kinh tế
Suối Voi là một điểm du lịch nổi tiếng ở xã Lộc Tiên, Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế, nằm trên tuyến du lịch Huế - Hội An. Đây là điểm đến nổi tiếng với cảnh đẹp của suối Voi và khu rừng nguyên sinh độc đáo bên cạnh.
Tổ chức mô hình DLCĐ ở đây được UBND xã giao cho Hợp tác xã Nông nghiệp Song Thủy tổ chức. Cộng đồng địa phương tham gia bằng cách đóng cổ phần và trở thành cổ đông của hợp tác xã (HTX). Chỉ những cổ đông có cổ phần mới được tham gia cung cấp dịch vụ du lịch và hưởng lợi từ hoạt động du lịch.
HTX có hơn 310 thành viên (trên tổng 370 hộ của toàn xã). Thu nhập hàng tháng của các thành viên HTX đạt 500.000 – 600.000 đồng. Như vậy có thể nói, DLCĐ đã đáp ứng được nhu cầu việc làm và thu nhập cho rộng rãi người dân ở xã. Ngoài ra, tổng doanh thu hàng năm của HTX được phân chia khá hợp lý: 25% phục vụ công tác quản lý, điều hành; 10% nộp lệ phí ở huyện; 5% nộp Ban Quản lý xã, 10% phí tài nguyên; 5% phí giao dịch và quảng cáo; 5% quỹ chung làm quỹ phúc lợi cho xã và 40% còn lại chia phúc lợi cho các thành viên.
Ban Quản lý thành lập ra các tổ tự quản: thu gom rác, chống cháy rừng, bán vé vào cửa và cung cấp dịch vụ du lịch. Việc điều hành các hoạt động do Ban Quản lý đảm nhận và các điểm cung cấp dịch vụ được đấu giá hàng năm. Như vậy, bất cứ ai cũng có thể tham gia đấu giá và mua chỗ chứ không chỉ người dân địa phương. Có thể nói, mặc dù du lịch suối Voi đem lại lợi ích tích cực về mặt kinh tế cho người dân nhưng xét về phương diện phát triển cộng đồng, xã hội và đặc biệt là văn hóa ứng xử, điểm du lịch này chưa thực sự là một mô hình DLCĐ do cộng đồng tham gia cung cấp dịch vụ chưa được đào tạo các nghiệp vụ cơ bản; chưa quan tâm đến các vấn đề bảo vệ môi trường; phần trăm doanh thu trích nộp quản lý HTX, huyện, xã chiếm tới 45% trong khi việc sử dụng như thế nào người dân không được biết và quyết định.
Vừa làm du lịch vừa bảo vệ vườn quốc gia
Vườn quốc gia Ba Bể rộng 76.000ha, thuộc huyện chợ Rã, tỉnh Bắc Cạn. DLCĐ được bắt đầu hình thành từ năm 1998, tại hai làng Pác Ngòi của người Tày và Bò Lũ của người Dao. Mỗi làng có một nhóm du lịch vừa cung cấp các dịch vụ như: leo núi, lưu trú, hướng dẫn, biểu diễn văn nghệ, bán hàng thủ công... vừa làm nhiệm vụ bảo vệ vườn quốc gia.
Hầu hết lợi nhuận thu được, người dân được phép thu và sử dụng vào các sinh hoạt hàng ngày, đóng góp công sức cho bảo vệ rừng. Mặc dù mục tiêu phát triển DLCĐ ở đây là đem lại lợi ích kinh tế cho người dân và ràng buộc người dân với trách nhiệm bảo tồn tài nguyên, bảo vệ rừng của VQG nhưng DLCĐ còn rất nhiều hạn chế như: chưa được phát triển một cách rộng rãi, chưa có sự tham gia của đông đảo người dân địa phương, thiếu sự phối hợp giữa các bên liên quan, không nhận được sự ủng hộ của các tổ chức bên ngoài, người dân cung cấp dịch vụ chưa được đào tạo cơ bản và định hướng chiến lược cụ thể...
Mô hình DLCĐ thành công nhất Việt Nam
Sín Chải và bản Hồ là những bản làng nhỏ nằm lân cận điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Lào Cai. Do nhận thấy du lịch ở Sapa ngày một phát triển, tạo sức ép lên thị trấn Sapa, nhưng người dân ở các khu vực lân cận lại không có công ăn việc làm, sống rất khó khăn trong khi tiềm năng du lịch rất lớn, SNV (Tổ chức Phát triển Hà Lan) và IUCN (Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế) đã phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai, phòng du lịch huyện Sapa và UBND các xã tổ chức xây dựng mô hình DLCĐ ở những khu vực này. Nhờ sự hỗ trợ tài chính, kỹ thuật của SNV và IUCN, mô hình DLCĐ tại đây được tổ chức rất bài bản với chiến lược phát triển rõ ràng, có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, người dân được học tập, trang bị kỹ năng cần thiết...
DLCĐ đã đem lại rất nhiều lợi ích cho người dân địa phương và ngành Du lịch Sapa. Khoảng 70% doanh thu thuộc về người dân, 10% thuộc Ban Quản lý dùng cho các hoạt động quản lý, điều hành, quảng bá sản ph���m và 10% thuộc quỹ phát triển cộng đồng. Hàng năm, mô hình thu hút hàng chục ngàn lượt khách tham quan, đảm bảo đời sống kinh tế cho các hộ tham gia. Hoạt động du lịch đã góp phần nâng cao niềm tự hào của người Mông về văn hóa dân tộc, tạo nên những thay đổi tích cực trong nếp ứng xử của người Mông với khách, nâng cao vai trò làm chủ và trách nhiệm của cộng đồng trong sự phát triển chung của khu vực, hạn chế việc người Mông săn bắt thú rừng, chặt cây, phá rừng làm nương rẫy... trong khu vực vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn.
Có thể nói, đây là mô hình DLCĐ thành công nhất trên cả nước nhờ được phát triển đúng thời điểm, đúng nhu cầu của thị trường, đúng địa điểm; đem lại các lợi ích tổng thể nhờ sự tham gia của các bên liên quan. Tuy nhiên, hiện tại Sín Chải và bản Hồ đang phải đối mặt với việc bị xóa sổ do chính sách phát triển thủy điện của nhà nước (di dân để lấy diện tích làm thủy điện).
Thu hút sự chú ý của nhiều bên liên quan
DLCĐ được xây dựng ở bãi Hương thuộc khu bảo tồn biển cù lao Chàm từ năm 2009 với sự hỗ trợ của Hợp phần Sinh kế bên trong và xung quanh các khu bảo tồn biển (LMPA) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, dưới sự tài trợ của cơ quan hợp tác phát triển của Đan Mạch (Danida).
Mô hình có sự tham gia của 10 hộ gia đình cung cấp dịch vụ nghỉ tại nhà dân (homestay) và 25 thành viên khác trong tổng số 570 nhân khẩu của đảo. DLCĐ mặc dù vừa mới được hình thành nhưng đã thu hút sự chú ý của nhiều bên liên quan, đặc biệt là khách du lịch quốc tế do thị trường khách tới Hội An và cù lao Chàm tăng cao đột biến những năm gần đây. Thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, từ tháng 1 - 10/2010, cù lao Chàm đã đón hơn 10.000 lượt khách tham quan.
Thu nhập bình quân từ du lịch cho người dân địa phương chư
a được thống kê đầy đủ do mới được hình thành. Tuy nhiên, họ nhận được sự hỗ trợ khá đầy đủ của LMPA về cơ sở vật chất, tập huấn kiến thức cơ bản... Tuy nhiên, mô hình vẫn còn nhiều hạn chế: chưa có cơ cấu tổ chức và chiến lược phát triển cụ thể, chưa có sự tham gia rộng rãi của cộng đồng, chưa có cơ chế chia sẻ lợi ích và quy chế quản lý trách nhiệm...
Trần Phương Vy