Hồ nằm ở độ cao 150m so với mực nước biển, rộng hơn 600ha, sâu chừng 25m, bao bọc bởi những dãy núi đá vôi và rừng nguyên sinh trùng điệp. Là hợp lưu của 2 dòng sông Năng và sông Gâm rồi đổ ra sông Lô nên không bao giờ cạn nước. Hồ Ba Bể dài hơn 8km, chia ra thành 3 nhánh là Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng. Mỗi nhánh hồ có một điểm nhấn độc đáo riêng.
Từ Hà Nội, du khách đi theo quốc lộ 3, qua đèo Giàng (Phủ Thông), rẽ trái chừng 40km là tới. Con đường uốn lượn như dải lụa, vắt qua những sườn đồi, qua những bản làng, rẫy lúa, nương ngô để rồi mở ra cả một vùng non nước trập trùng xanh biếc. Nước hồ Ba Bể bốn mùa xanh ngắt, phẳng lặng như một mặt gương khổng lồ in bóng núi, bóng cây, bảng lảng sương khói.
Hồ Ba Bể được hình thành trên núi karst từ khoảng 10.000 năm trước, với lịch sử địa chất lâu dài, phức tạp, cấu trúc địa chất độc đáo. Sự kết hợp của môi trường, khí hậu, địa chất, địa mạo nơi đây đã khiến hồ Ba Bể trở thành khu vực đa dạng sinh học, với hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới, là nơi sinh trưởng của hàng trăm loài động thực vật.
Toàn bộ khu vực danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể có những cảnh quan đặc biệt, như cao nguyên karst, thác Đầu Đẳng, hẻm vực karst sông Năng, hồ Ba Bể, hệ thống các hang động đá vôi kỳ thú. Hồ Ba Bể còn có nhiều địa điểm liên quan đến các truyền thuyết, di tích khảo cổ, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và cảnh đẹp thiên nhiên khác, như ao tiên, động tiên, gò An Mã, gò Bà Goá…
Điểm độc đáo nhất của hồ Ba Bể có lẽ phải kể đến chiếc thuyền độc mộc. Đây là loại thuyền làm bằng một thân cây gỗ, không sử dụng kỹ thuật đóng, ghép. Với dáng hình độc đáo, nhỏ nhắn mà cơ động, thuyền độc mộc từng là phương tiện đi lại phổ biến trên sông hồ ở vùng cao phía Bắc. Ngày nay, thuyền độc mộc đã trở thành phương tiện du lịch yêu thích của du khách khi du ngoạn hồ Ba Bể.
Du khách tới hồ Ba Bể có thể lưu trú lại trong những ngôi nhà sàn ở bản Pác Ngòi, trải nghiệm nét sinh hoạt của người dân bản địa, thưởng thức những món ẩm thực đặc sắc và thả hồn theo những điệu hát Then, hát Lượn bên cây đàn tính nổi tiếng của người Tày.
Bài: Trang Đào
Ảnh: Ô Phúc Bình
(Tạp chí Du lịch)