Bún cá Kiên Giang
Bún cá là món ẩm thực có thể tìm thấy ở mọi nơi khắp ba miền, nhưng bún cá Kiên Giang là đặc trưng nhất. Tại Kiên Giang có rất nhiều nơi bán bún, nhưng ngon nhất là quán nằm trên đường Mạc Cửu (đối diện Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Kiên Giang), đường Hàm Nghi, đường Phạm Hùng.
Bún cá Kiên Giang đã được du khách xa, gần thưởng thức vào các dịp du lịch Kiên Giang tham gia gian hàng ẩm thực tại các hội chợ, triển lãm hay các sự kiện ẩm thực. Bún cá khu vực nào cũng có. Nhưng bún cá Kiên Giang có hương vị đặc trưng và cách chế biến cũng có sự khác biệt. Nguyên liệu là cá lóc lớn làm sạch lột da, đầu cắt rời cho vào nồi nước sôi. Khi cá chín thì vớt ra đĩa, đầu và đầu lòng để ăn riêng, trứng được dầm và cho vào nồi nước trong, tôm lột vỏ bỏ vào tỏi mỡ với lòng đỏ trứng gà. Bún cá Kiên Giang có vị ngọt và màu đỏ của tôm, ớt; màu xanh của rau thơm, hành lá và màu trắng của thịt cá trông thật bắt mắt và kích thích khứu giác của bất kỳ ai.
Bánh canh ghẹ chả
Bánh canh ghẹ - đặc sản Kiên Giang - vốn dĩ đã ngon, bánh canh ghẹ chả của Hà Tiên lại càng hấp dẫn vì nguyên liệu xuất sắc. Ghẹ, cá làm chả, tôm, đầu cá thu chế biến nước dùng đều tươi và chất lượng. Nước lèo từ tôm khô, thịt, xương heo lại được cho thêm đầu cá thu lấy khi tàu vừa cập bến thơm, ngọt, đậm đà mà lại rất thanh. Còn chả cá chế biến bằng thịt cá thu tươi giã nhuyễn trộn với tiêu, tỏi, hành, bột ngọt, một chút mắm ngon nên vừa dai, vừa giòn, vừa ngọt. Đặc biệt, ghẹ nấu bánh canh là loại thật chắc thịt và còn tươi rói. Tô bánh canh ghẹ làm toàn từ hải sản, tập hợp đủ vị biển làm say lòng thực khách.
Nấm tràm
Nấm tràm có nhiều ở Phú Quốc, là loại đặc sản có thể chế biến thành rất nhiều món ngon. Muốn ăn nấm tươi phải đúng mùa mưa. Lá và vỏ của cây tràm rơi rụng thành từng lớp của mùa trước đã bắt đầu biến thành lớp mùn, là nơi để nấm tràm phát triển. Nấm tràm bắt đầu rộ dần và kéo dài khoảng hơn tháng thì hết mùa. Nấm tràm giòn xốp, không chỉ ngọt ngon mà còn có vị đăng đắng đặc trưng dễ gây thương nhớ.
Luộc gà rồi cho nấm tràm vào nấu với nước gà luộc là món đơn giản và giữ được nguyên vị của nấm nhất. Vừa xé gà chấm muối tiêu chanh, thỉnh thoảng húp chút nước, gắp miếng nấm tràm thấy thật ấm người, ấm lòng. Ngoài ra, chả cá viên nấu với nấm, nấm nấu tôm… món nào cũng ngon và ấn tượng.
Bánh thốt nốt
Bánh thốt nốt được làm từ nước thốt nốt, trái thốt nốt và bột gạo, là món ăn dân dã mà tinh tế của người Khmer Nam Bộ. Để làm bánh, người ta lấy gạo ngon xay thành bột, ủ một đêm cho lên men. Lấy bột này trộn với cơm thốt nốt, nước thốt nốt và bên trên rắc sợi dừa, gói trong lá chuối theo hình chữ nhật, rồi đem hấp.
Hoặc cũng có thể chà trái thốt nốt già vào rổ lấy bột, trộn với gạo, chút dừa nạo rồi gói trong lá chuối hoặc lá dừa, lá thốt nốt đem hấp. Sau ít thời gian, mùi thơm từ xửng hấp tỏa ra ngào ngạt là bánh đã chín. Bánh thốt nốt có màu vàng đặc trưng, ăn đến no vẫn thèm.
Nước mắm Phú Quốc
Nước mắm Phú Quốc không những nổi tiếng ở Việt Nam mà còn nổi tiếng trên khắp thế giới. Nước mắm Phú Quốc có truyền thống trên 200 năm và được sản xuất từ nguyên liệu chính là cá cơm tươi đánh bắt quanh đảo Phú Quốc. Cá cơm có từ đầu năm đến cuối năm nhưng nhiều nhất và tốt nhất từ tháng 7, tháng 8 đến tháng 12. Cá cơm có đến hơn chục loại, nhưng phải là cá cơm sọc tiêu, cá cơm than và cá cơm đỏ thì nước mắm mới có màu cánh gián đậm, thơm ngon tinh khiết. Theo kinh nghiệm của một số nhà thùng lâu đời trên đảo, cá cơm phải được “chuộp” (ướp muối) ngay trên tàu rồi chở về đất liền mới đảm bảo độ “tươi” và đậm đà của nước mắm.
Lẩu chua sả nghệ cá nhám giàu
Cá nhám giàu có màu trắng, là tên gọi một loài cá nhám (cá mập nhỏ) của người dân Hà Tiên. Cá tương đối hiếm nên chỉ được ngư dân cung cấp cho các nhà hàng lớn, không bán tràn lan ngoài chợ.
Người Hà Tiên thường chế biến cá nhám giàu thành nhiều món ăn bổ dưỡng, nhưng ngon nhất vẫn là nấu canh chua sả nghệ. Chỉ riêng vùng biển Kiên Giang mới có món này. Canh chua cá nhám giàu phải có sả và nghệ bằm nhuyễn. Cách làm này mang cung cách ẩm thực Kinh - Khmer, giúp giảm mùi tanh cá biển. Khi nấu, cắt cá từng khúc từ 1-1,5 cm. Nồi cá sôi khoảng 5-10 phút, cho dọc mùng, giá, dứa, cà chua, đậu bắp, bắp cải, măng tươi... rồi nêm chút đường. Nồi cá sôi lần nữa thì múc ra tô, rắc rau ngò om xắt nhỏ với mấy lát ớt sừng. Ăn kèm với lẩu cá nhám giàu canh chua sả nghệ cũng có thể là đĩa bún trắng tươi, đĩa rau muống và nước mắm ngon. Lẩu cá nhám giàu canh chua sả nghệ là sự kết hợp hài hòa giữa vị chua của món lẩu, hương vị đặc trưng của sả và nghệ, tạo ấn tượng khó quên.
Rượu sim
Sim là loài thực vật mọc rất nhiều trong các cánh rừng của đảo Phú Quốc. Cả vùng đất trù phú Tây Nam Bộ chỉ duy nhất Phú Quốc mới có trái sim rừng với hương vị ngọt thanh đặc trưng, khác với các loại sim trong đất liền. Sim ở đây hầu như cho hoa và trái quanh năm nhưng chỉ chín rộ vào dịp tháng Giêng Âm lịch. Cư dân nơi đây đã nghĩ ra cách chế biến quả sim chín thành một thức uống độc đáo, có hương vị đặc trưng, gần giống với rượu nho. Cách làm rượu sim rất đơn giản: hái những trái sim chín mọng, rửa sạch, giã nát rồi cho vào hũ sành, ngâm trong rượu trắng ngon. Để độ 3 tháng, thấy sim đã hòa lẫn với rượu là có thể lấy ra uống. Rượu sim rất tốt cho hệ tiêu hóa, giúp khí huyết lưu thông, chống được các bệnh nhức mỏi của người già.
Hiền Thanh