Bánh canh hến nước cốt dừa
Theo chị Chương Thị Tư ở huyện Chợ Lách làm món bánh canh hến nước cốt dừa rất dễ nhưng phải biết cách chọn nguyên liệu, nêm nếm gia vị để món ăn có vị đậm đà, mang hương vị của đồng quê, sông nước. Chị đã nấu món này trong nhiều năm đãi khách gần xa, và những ai đã ăn món bánh canh này đều khó quên.
Chị bảo chẳng loại hến nào ngon như hến cào được từ dòng sông Cổ Chiên, thịt dầy, chắc, ngọt. Hến mua về ngâm với nước gạo cho hết sạch hết cát, chà rửa thật kỹ mới đem luộc. Khi luộc, dùng đũa đảo mạnh để ruột bong ra ngoài. Vớt ruột hến ra để riêng, nước luộc để lắng lấy trong. Ngoài ra, ở chợ cũng bán hến chín người ta đã làm sẵn, hãy còn nóng hổi.
Bánh canh ở vùng chợ Lách nổi tiếng ngon, sợi bánh dẻo, dai, trắng đục, không sử dụng hóa chất làm trắng. Bột làm bánh canh làm từ bột gạo và bột năng, lấy một lượng bột vừa đủ, nhồi với nước nóng cho thật dẻo mịn, sau đó cán mỏng thành sợi.
Dừa chọn trái già, chặt để riêng nước, cùi xay nhỏ lọc bỏ bớt nước đầu, cho vào nồi cùng với nước hến luộc, nước dừa và một ít thịt hến nấu sôi. Phần thịt hến còn lại, phi thơm hành tỏi rồi xào săn, nêm chút gia vị cho vừa miệng ăn. Khi nồi nước hến và nước dừa đã sôi, thả bánh canh vào, nấu sôi, vớt bọt. Bánh canh chín sẽ tự nổi lên, trước khi tắt bếp múc một ít nước cốt dừa, hành lá, tiêu, nêm chút gia vị cho vừa ăn. Khi nêm gia vị không cần thêm bột ngọt, vì thịt hến, nước dừa đã ngọt rồi.
Múc bánh canh vào chén, sợi bánh trắng đục quyện với nước dừa ăn vào miệng mượt bóng nhai vị dai của bánh, ngọt của thịt hến thấm vào nơi đầu lưỡi. Ăn rồi nhớ mãi. Thương nhớ lắm miền Tây…
Cơm nấu trong trái dừa
Món cơm nấu trong trái dừa là một trong nhiều món ăn dân dã thơm ngon mà người dân Bến Tre sáng tạo ra vào mùa thu hoạch.
Cơm nấu trong trái dừa của người dân Bến Tre gần giống với cơm lam của đồng bào Tây Bắc. Nếu cơm lam nấu trong những ống tre với nước lọc, và chín bằng cách đốt trực tiếp trên lửa hồng, khi ăn chẻ bỏ lớp cháy đen bên ngoài; thì cơm dừa chín bằng nước dừa và hấp trong nồi, nhờ thế mà hương thơm, vị ngọt kết đọng lại trong mỗi hạt cơm đậm đà hơn.
Gạo dùng để nấu cơm là loại gạo dẻo, thơm, ngon được vo kỹ, để ráo. Dừa xiêm để nguyên trái, dùng dao sắc gọt một đường tròn phía trên để lấy hết nước ra ngoài (giữ lại phần này để làm nắp đậy). Khi trái dừa đã được lấy hết nước, phần lõi giữ nguyên, cho một lượng gạo làm sao để lúc cơm chín nở đầy là vừa. Sau đó rót nước dừa săm sắp mặt gạo. Cho dừa vào trong nồi hấp khoảng một giờ.
Muốn nấu cơm dừa ngon rất khó, người nấu phải ước lượng nước và gạo vừa phải, nếu ít nước quá cơm sẽ cứng, nhiều thì cơm nhão rất khó ăn. Người làm quen tay thì chỉ cần ngửi mùi thơm từ nồi hấp bay ra là biết cơm chín hay chưa mà không cần mở nắp.
Cơm dừa ăn kèm với dĩa tôm rang mới đúng điệu. Tôm ở đây phải là tôm đất. Tôm mua về dùng kéo cắt đầu đuôi, rửa sạch để ráo, ướp với chút muối, nước mắm, đường cho thấm. Phi thơm hành trút tôm vào xào, khi tôm ngã sang màu đỏ thì nêm thêm gia vị và một chút nước cốt dừa vào để tôm được giòn, béo và thơm. Rim cho tới khi tôm khô se lại là được.
Ăn cơm hấp nước dừa phải ăn nóng, cơm dừa, tôm đất rim ăn nhấm nháp mới cảm nhận được hết mùi thơm, vị ngon ngọt, béo bùi trong từng hạt cơm và thịt tôm. Nếu có dịp về Bến Tre hãy nhớ tìm và thưởng thức món cơm hấp nước dừa này bạn nhé.
Ngọt ngon ốc gạo Phú Đa
Ốc gạo ở cồn Phú Đa (huyện Chợ Lách) nổi tiếng thơm ngon vì đây là vùng cát sa ốc to, vỏ màu xanh, ruột trắng thịt dầy. Ốc gạo không có nhớt, nên khi vừa đánh bắt lên có thể chế biến món ăn mà không cần phải ngâm như các loài ốc khác.
Ốc gạo có mặt ở khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Cần Thơ. Theo những người dân trên dòng sông Cổ Chiên đoạn qua xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách thì cái tên ốc gạo do chính những người dân nơi đây đặt. Ngày trước cứ vào quãng tháng 5 hàng năm ốc lên bờ rất nhiều, những gia đình ven sông bắt về luộc ăn. Ăn không hết mới mang đi bán ở chợ, người dân nghèo dùng ốc đổi lấy gạo, từ đó món ốc cứu đói được gọi bằng cái tên ốc gạo như để hàm ơn dòng sông Cổ Chiên đã sản sinh nên loài ốc ngon này.
Ốc gạo sinh sản nhiều vào khoảng tháng 7 hàng năm và sống ở vùng đáy sông, ăn phù sa. Theo kinh nghiệm của anh Ba Ngói người đã nhiều năm sống trên dòng sông Cổ Chiên: ốc gạo béo ngon nhất vào khoảng tháng 5 âm lịch, khi đó con ốc to cỡ hạt mít, ruột trắng tinh. Ốc gạo tuy nhỏ nhưng ai đã từng thưởng thức đều nhớ vì vị béo, thơm, ngọt, giòn. Đặc biệt ốc vào mùa sinh sản luộc chín thường có một lớp mỡ trắng dưới yếm, khều lên ăn sẽ thấy những con ốc con trắng tinh bên trong, nhai giòn rum.
Ốc gạo có thể chế biền thành nhiều món như ốc gạo xào dừa, ốc gạo xào sả ớt, làm nhân bánh xèo, nấu lẩu mắm, đổ bánh xèo, trộn gỏi… nhưng ngon nhất vẫn là ốc luộc bởi vị ngọt thanh của ốc vẫn còn được giữ nguyên. Ngồi nhâm nhi dĩa ốc gạo luộc chấm nước mắm tỏi ớt trên dòng sông Cổ Chiên, nghe đờn ca tài tử, anh Ba Ngói nói vui có lẽ một phần phù sa của con sông này đã được mang vào trong thịt ốc, con ốc ở đây ngọt ngon đến vậy.
Nhiều năm nay đoạn sông Cổ Chiên chảy trên địa phận Cồn Phú Đa nơi có loài ốc gạo sống đang được chính quyền địa phương bảo vệ, ngăn không cho thuyền lớn vào, sợ tràn dầu làm ảnh hưởng đến sự phát triển của loài ốc này.
Dạo thuyền trên dòng sông Cổ Chiên đón bình minh, đi chợ nổi, nghe câu chuyện về loài ốc gạo… bạn sẽ càng thêm yêu những chuyến đi.
Bài và ảnh: Đoàn Xuân
(Tạp chí Du lịch)