
Cồng chiêng Tây Nguyên xuất hiện cùng với sự tồn tại và phát triển của các dân tộc Tây Nguyên. Cồng chiêng thường làm bằng đồng, có khi pha vàng, bạc hoặc đồng đen. Cồng là loại có núm, còn chiêng không có núm. Hai loại nhạc cụ này có nhiều kích cỡ, đường kính từ 20 - 60cm. Loại cực đại có đường kính tới 120cm. Cồng chiêng có thể được dùng đơn lẻ hoặc dùng theo dàn từ 2 - 12 chiếc, thậm chí có dàn cồng chiêng gồm 18 - 20 chiếc. Trước đây, gia đình nào ở Tây Nguyên cũng có cồng chiêng, bởi đó là tài sản quý, là vật linh thiêng của ông bà tổ tiên để lại. Tiếng chiêng là sự giao hoà giữa con người với thiên nhiên và giữa con người với con người. Từ lúc mới sinh, con người được đón chào bằng tiếng chiêng; đến lúc trưởng thành, dựng vợ gả chồng thì tiếng cồng chiêng lại dồn dập, rộn ràng trong lễ cưới và khi con người về với tổ tiên có tiếng chiêng thương tiếc tiễn đưa.
Cồng chiêng cũng được dùng làm vật giao lưu với thế giới thần linh trong các nghi lễ, lễ hội như: lễ mừng lúa mới, cúng trời đất, lửa nước, lễ đâm trâu, bỏ mả… Theo quan niệm tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, tiếng chiêng cũng có hồn. Con người phải coi trọng, quý mến, thờ cúng "thần chiêng" thì "thần chiêng" mới cho âm hay, trong trẻo và giúp con người giàu sang, hạnh phúc. Cồng chiêng còn là biểu tượng văn hoá, là nhạc cụ truyền thống gắn bó, truyền tải những niềm vui, nỗi buồn của đồng bào, buôn làng. Âm thanh cồng chiêng khi rộn ràng, khi trầm lắng, ngân nga vang vọng núi rừng, đi vào mọi ngõ ngách đời sống tâm hồn của con người và cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.
Giáo sư Georges Condominas, một trong 18 thành viên chính thức của Hội đồng xét duyệt quốc tế của UNESCO vừa qua cũng là người đã từng gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên khẳng định: cồng chiêng Tây Nguyên của Việt Nam xứng đáng được tôn vinh! Tuy nhiên, với niềm tự hào này, nhiệm vụ giữ gìn, bảo tồn nguyên dạng các giá trị vốn có của Di sản cồng chiêng Tây Nguyên và phát huy những giá trị tích cực của chúng trong đời sống hiện đại càng trở nên nặng nề hơn.
Nhận thức sâu sắc giá trị to lớn của cồng chiêng Tây Nguyên (trước khi được công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại), Nhà nước đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn sử thi và văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên. Hiện nay, ở các tỉnh Tây Nguyên còn lưu giữ được hàng ngàn bộ cồng chiêng. Riêng đồng bào Ê-đê, M'Nông lưu giữ được 3.375 bộ. Các cấp tỉnh huyện và xã trong khu vực cũng mở các lớp dạy đánh cồng chiêng cho con em đồng bào các dân tộc, thành lập trên 300 đội chiêng ở các buôn, làng.
Từ nay, tiếng chiêng của đồng bào Tây Nguyên sẽ còn ngân vang hơn và xa hơn, vượt rừng núi đại ngàn đến với toàn thể nhân loại. Những lễ hội đặc sắc của Tây Nguyên sẽ còn thu hút du khách đến thưởng thức giai điệu cồng chiêng vấn vít bên ánh lửa rừng, hoà nhịp với những điệu nhảy cuồng say của các cô gái Ê-đê, M'Nông.
PHƯƠNG LINH