Ngành Du lịch Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động
hạng Nhất
Ngành Du lịch Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động
hạng Nhất
Thứ sáu, 08/09/2006 | 15:10 GMT+7
Hà Nội - Thành phố vì hòa bình, liên tục từ năm 2002 đến nay được bình chọn là Thành phố du lịch tốt nhất châu Á. Lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng cao, đạt khoảng 30% trong tổng số khách đến Việt Nam. Trong 5 năm qua, Du lịch Hà Nội đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 15%/năm, góp phần xác lập vị trí quan trọng trong khu vực, thu hút ngày càng nhiều lao động, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Du lịch Hà Nội đang có thế và lực phát triển mạnh để trở thành ngành kinh tế trọng điểm của Thủ đô.
Chỉ tính riêng năm 2005, lượng khách quốc tế đến Hà Nội ước đạt trên 1,1 triệu lượt người, tăng 6,7% so với kế hoạch năm, vượt 16,8% so với năm 2004, chiếm 32,16% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam và trên 4,2 triệu lượt khách du lịch nội địa, đạt 121% kế hoạch năm, tăng trưởng 20,87% so với năm 2004. Các thị trường khách du lịch trọng điểm của Hà Nội vẫn giữ vững và có tốc độ tăng trưởng cao; trong đó, 10 thị trường hàng đầu chiếm 75,82% tổng lượng khách quốc tế vào Hà Nội: Hàn Quốc (tăng 128%), Pháp (tăng 32,35%), Đức (tăng 27,69%), Mỹ (tăng 21,03%), Nhật (tăng 19,54%), Đài Loan (tăng 17,31%), Australia (tăng 12,39%), đặc biệt là thị trường Tây Ban Nha tăng 113%. Lượng khách du lịch Trung Quốc có giảm nhưng vẫn chiếm một tỷ lệ cao trong cơ cấu khách quốc tế đến Hà Nội. Thu nhập xã hội từ du lịch đã đạt trên 11,2 nghìn tỷ đồng (năm 2001 đạt trên 1,6 nghìn tỷ đồng).
Trước xu thế khách du lịch đến Hà Nội tăng mạnh, hệ thống cơ sở lưu trú (CSLT) đã được tăng cường. Năm 2000, Hà Nội có 311 CSLT với trên 9.200 phòng; đến nay, số lượng đã tăng lên 427 CSLT với 12.500 phòng, trong đó có 179 khách sạn được xếp hạng với 8.722 phòng. Các khách sạn đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng nhiều loại hình dịch vụ phục vụ khách, tăng công suất sử dụng buồng phòng. Giai đoạn 2001 - 2005, công suất buồng phòng bình quân đạt trên 70%, khi cao điểm có thể đạt tới 90 - 100% công suất.
Các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển khách du lịch cũng tăng khá nhanh. Tính đến hết năm 2005, số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động tăng gấp 5 lần so với năm 2001 đạt 255 doanh nghiệp, trong đó có 204 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và nội địa, 88 doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách. Các doanh nghiệp đã tập trung xây dựng tour, tuyến mới; phối hợp với các địa phương trong cả nước để mở rộng, kéo dài tour, tuyến; đồng thời, mở rộng các loại hình du lịch để thu hút khách.
Trong những năm qua, lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch của Thủ đô có sự tăng trưởng mạnh, đến nay có khoảng 30.000 lao động. Theo đà tăng trưởng, trong 5 năm tới số lượng lao động của Ngành sẽ tăng gấp hai lần. Đội ngũ lao động trong ngành Du lịch Thủ đô thường được du khách trong nước và quốc tế đánh giá cao về sự nhiệt tình, mến khách.
Đến chia vui với ngành Du lịch Thủ đô, ủy viên Trung ương Đảng - Phó Bí Thường trực Thành ủy - Chủ tịch HĐND Thành phố Phùng Hữu Phú đánh giá cao thành quả Du lịch Thủ đô đã đạt được. Ngành Du lịch đã có những đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng GDP của Thành phố và góp phần giải quyết những vấn đề xã hội trong đó có việc làm, tạo môi trường thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Đồng thời, nêu ra 3 yếu tố quyết định đến sự phát triển của Du lịch Thủ đô trong thời gian tới, đó là: tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng; xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; quảng bá, khuyếch trương thương hiệu Du lịch Thủ đô.
Ghi nhận công lao và thành tích đã đạt được trong 5 năm qua, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho ngành Du lịch Thủ đô và Huân chương Lao động hạng Ba cho cá nhân đồng chí Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Quang Lân.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, PGS.TS. Vũ Tuấn Cảnh chúc mừng ngành Du lịch Hà Nội đã liên tục phấn đấu và đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ. Phó Tổng cục trưởng nêu rõ: sắp tới, chúng ta sẽ tập trung khai thác du lịch chất lượng cao; chuẩn bị tốt điều kiện để đón các đại biểu tham dự Hội nghị APEC 2006 và triển khai kế hoạch công tác giai đoạn 2006 - 2010, Du lịch Thủ đô sẽ là đơn vị đi tiên phong trong các hoạt động này. Vì vậy, Du lịch Thủ đô cần tiếp tục phát huy những thế mạnh, chủ động liên kết với đơn vị liên quan để đạt được mục tiêu đề ra./.
KIM HOA