• Võ sĩ sumo chó
Quận Kochi trên đảo Shikoku (Nhật Bản) là nơi các nhà chuyên môn thiết lập một trung tâm huấn luyện võ sumo cho loài khuyển. Trung tâm có 5 huấn luyện viên, mỗi người phụ trách hơn 40 võ sĩ… chó. Mỗi năm, trung tâm tổ chức 5 lần thi đấu với cách tổ chức và hình thức thi đấu giống hệt… người: cũng phân đẳng cấp, các hạng nặng, nhẹ. Các võ sĩ chó được trang phục kiểu quần giống võ sĩ người và buộc đai lưng dành riêng cho môn võ sumo. Trên võ đài, khói hương nghi ngút giới thiệu các danh thủ sumo loại khuyển.
Sau tiếng hô lớn của trọng tài, cuộc đấu bắt đầu. Cuộc tranh tài thường kéo dài 15 phút, trừ khi một võ sĩ chó bị thương hoặc mới lâm trận đã bỏ chạy thì trận đấu có thể kết thúc sớm hơn. Trọng tài sẽ căn cứ vào ý chí chiến đấu ngoan cường hay nhu nhược, kỹ thuật tấn công đối phương cao hay thấp của võ sĩ để đánh giá và cho điểm. Chó sumo thường sống được 10 năm. Một năm tuổi, võ sĩ sumo chó bắt đầu tham chiến cho đến khi tám tuổi. Sau đó, nó được về… hưu, khi chó mất, người ta cũng tổ chức nghi lễ cho chó sumo như đối với người: mời các nhà sư tới tụng kinh siêu độ cho “nhà võ sĩ” quá cố.
• Trường dạy chó
Trong các đô thị của Nhật Bản mới xuất hiện hai loại “công dân” mới: chó và mèo. Đấy là những con vật được chủ nhân yêu chiều, săn sóc và được giáo dục kỹ càng để “văn minh” hơn. Những học trò chó và mèo có thể đến lớp với học phí từ 100 đến 160 đô la cho một khóa học ba tháng.
Việt Nam và Đông Nam Á là trung tâm thuần hóa chó sớm nhất. Các tài liệu lưu trữ cho biết, loài chó được thuần hóa cách đây chừng 15.000 năm. ở đảo Phú Quốc Việt Nam có giống chó sói Dingo, vốn là giống chó hoang duy nhất của châu Úc. Nhiều nhà khoa học cho rằng, chó Dingo vốn là chó nhà được thuần hóa từ sói Dingo, rồi khi đưa sang Úc, người bản xứ đã để chúng xổng ra và Dingo đã trở về nơi hoang dã. Dingo ăn thịt các thú nhỏ, sống theo bầy, săn mồi ban đêm và có thể đẻ ra con lai khi chúng hỗn phối với chó nhà. Chó Dingo được thuần hóa là một trường hợp hiếm hoi khi có thể quay trở lại sống hoang dã.
• Chó nhập “hộ khẩu”
Người Pháp vốn nổi tiếng là yêu chó. Theo thống kê, riêng tại Paris đã có 500.000 con chó, còn toàn nước Pháp lên đến con số khủng khiếp: 9 triệu con.
Các nhà chuyên môn cho biết, nuôi một con chó phải tốn 360 USD /năm.
ở Pháp còn có thẩm mỹ viện dành cho động vật. ở đấy, bạn có thể thấy người ta mang chó đi tắm gội, trang điểm đầu tóc, sửa sắc đẹp với giá 27 đô la /con. ở Paris còn có cả một cửa hàng tự chọn dành riêng cho chó và mèo. Ngay cả công ty bảo hiểm cũng bắt đầu đề nghị người nuôi chó bảo hiểm sức khoẻ cho chó, mỗi con phải đóng số tiền là 70 USD /năm.
Nuôi chó ở Pháp trở thành truyền thống và có tính chất xã hội. Người bạn “im lặng” ấy giúp con người cảm giác an toàn. Có lẽ dân Pháp đang thực hành câu cách ngôn xưa của họ: “Chó là người bạn trung thành nhất của loài người”.
• Đa dạng về chủng loại
Chó luôn xứng đáng có một vị trí đặc biệt đối với con người. Chó như một thành viên trong gia đình người chủ, một người bạn thực sự, hơn thế nữa là một vệ sĩ trung thành và tận tụy của con người. Do chó luôn hoàn thành xuất sắc các công việc được giao, nên nó đã thay đổi cả cấu tạo cơ thể, kiểu lông, màu sắc và tính tình để hợp với con người hơn. Chó là một gia súc đa dạng, hiện tại có tới 400 giống chó khác nhau trên thế giới. ở nước ta chó được nuôi cách đây 3 - 4 nghìn năm trước công nguyên, dùng để giữ nhà và đi săn. Các giống chó ta truyền thống ở Việt Nam gồm: chó vàng dáng trung bình, lông vàng tuyền, thuộc giống chó săn. Chó mèo sống ở miền núi cao, khá to lớn, tai to và vểnh. Chó lào có sắc lông vàng hung, 2 vệt trắng ở trên mắt. Cả ba giống trên đều bắt nguồn từ giống chó sói lớn, hiện đang còn phát triển ở nước ta.
• Chó giao thông
Chó có thể dùng trong việc vận chuyển hàng hóa và người đi lại ở vùng băng tuyết Bắc cực. Ngày xưa, ở vùng này rất ít người sinh sống, vì vậy dùng chó để làm phương tiện giao thông được coi là cách hay nhất. Ngày nay, mặc dù có những phương tiện giao thông hiện đại nhưng đi lại trên xe nhờ chó kéo ở đây vẫn chưa mất hẳn. Hầu như không có cuộc thám hiểm Bắc cực nào mà lại không có sự tham gia của chó. Chó Bắc cực dùng để kéo xe có một khả năng chịu gian khổ và bền bỉ đến kỳ lạ. Chúng có thể chạy bình thường trong mưa, trườn bò trong bão tuyết. ở trạm dừng chân, chó chỉ cần ăn no, rồi nằm ngủ. Sức tải mỗi con chó là 50kg, tốc độ vận chuyển khoảng 6 - 7km/h, tuy vậy một ngày con chó có thể kéo xe chạy được 80km đường dài.
Mùa hè ở Xibia và Kamsatca còn phổ biến hình thức vận chuyển bằng chó kéo thuyền. Nhiều đàn chó chạy trên bờ sông kéo thuyền trên một sợi dây dài tới 100 - 150m thay cho buồm và mái chèo. Cứ 5 - 7 con chó kéo được một chiếc thuyền trọng tải tới 1 tấn và đi với tốc độ 3 - 4km/h với điều kiện trọng tải không vượt quá 25% trọng lượng cơ thể chó cộng lại. Trong khi ấy ở một số nước Tây Âu lại dùng chó kéo xe bánh cao su để chở hàng nhẹ như bơ, sữa, rau, hoa, qủa… đi chợ.
• Chó … “phi hành gia”
Chó được luyện tập để du hành vũ trụ. Có lẽ chó là động vật đầu tiên được thí nghiệm để nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố không bình thường đến cơ thể trước khi đưa con người vào vũ trụ. Vì thế, ngày 3/11/1957, trên vệ tinh quỹ đạo trái đất, chó Laika đã thực hiện được một chuyến bay thần thoại.
• Lính chó cảm tử…
Nhờ khả năng đặc biệt, chó được phục vụ chiến tranh đắc lực và tin cậy. Chó được coi như một “quân chủng” đặc biệt. Trước hết, chó được dùng trong thông tin. Đường trận mạc, chó chạy truyền tin rất chính xác và an toàn. Chó được huấn luyện kỹ, đem theo bộc phá trên mình, chạy dích dắc tránh đạn, rượt đuổi theo xe tăng phát xít, chui vào gầm xe làm xe tăng nổ tung. Chó còn được sử dụng như một máy dò mìn. Nhờ khứu giác tinh tường, chó dễ dàng phát hiện được bãi mìn và vị trí từng quả mìn. Chó cũng dùng để chuyên chở đạn, dọn sạch thức ăn rơi vãi, bảo đảm bí mật trên đường hành quân. Trong đại chiến thế giới lần II, Liên Xô (cũ) có 168 đội đặc nhiệm nuôi dạy chó, đào tạo được 60.000 chú chó phục vụ chiến trường. Kết quả, chó đã vận chuyển được 5682kg đạn, tiêu diệt 300 xe tăng, mang trái phá vào ụ pháo, giật vũ khí địch… cứu các chiến sĩ bị nạn dưới nước…
• Chó săn, chó vận động viên
Nhiều nơi trên thế giới thường tổ chức thi chạy cho chó. Chó vận động viên thường chân cao, mõm dài, ngực nở, chạy với tốc độ 18m/s (65km/h), bằng tốc độ gió cấp 8, vượt 1,5 - 2 lần tốc độ của sói hoang dã (tổ tiên của chó), chỉ thua tốc độ chạy của ngựa và một số con sơn dương. Giống chó này thường được huấn luyện để giúp người đi săn trên đồng cỏ. Chúng có thể rượt đuổi hươu, nai, hoẵng, hoặc kìm chân chúng lại, chặn đầu con mồi. Để săn chim nước, thợ săn thường dùng các giống chó nhỏ hơn như Legave, Setter và Spaniel… Chó có thể ngửa đầu chạy theo con chim chờ chủ bắn rơi, đôi khi có thể đỡ mồi rơi từ không trung, có thể giúp chủ lừa vịt trời vào lưới. Đặc biệt, nhờ khứu giác kỳ diệu, chúng có thể dễ dàng tìm được chim rơi trong đám lau, sậy rậm rạp, thậm chí ở dưới sông, suối, hang, hồ…
ANH TÚ
Chó siêu mẫu thế giới: Cô nàng Coco, 6 tuổi, đến từ Ashford thuộc Kent (Anh) đã vượt qua đông đảo thí sinh chó khác để giành danh hiệu Crufts lần thứ 102 được tổ chức tại Trung tâm Triển lãm quốc gia ở TP. Birmingham, miền Trung nước Anh. Lễ hội Crufts năm 2005 kéo dài 4 ngày, thu hút đến 21.500 chú chó thuộc 178 loài của 27 quốc gia tham dự. Chủ nhân của siêu mẫu Coco cho biết, cô nàng thích bắt chuột, đuổi chim và nằm dài trên trường kỷ.
Những con chó cứu người gặp nạn:
Dân Mỹ đến nay vẫn không quên truyền tụng và ca ngợi những con chó trung thành cứu người. Như chuyện một con chó lớn tên Blue, vào năm 2002 đã xông vào quyết chiến với một con cá sấu để bảo vệ cô chủ của mình ở bang Florida. Một con chó tên Sammy - giống Epalhon lông dài tai cụp - đã bị một con rắn chuông cắn bị thương vì xông vào cứu một em bé 3 tuổi ở bang California. Còn có những con chó khác đã hì hục moi những đống đổ nát do động đất, hoặc tuyết lở để cứu nạn nhân, noi gương con chó Barry huyền thoại đã cứu sống trên 40 người đầu thế kỷ 19.
Những tượng đài ghi công chó:
Trên thế giới có 7 tượng đài được dựng lên để ghi công sự đóng góp của chó cho khoa học và nền văn minh nhân loại: tượng đài ở Berlin (Đức) ghi công chó dắt người mù; tượng đài ở Paris (Pháp) ghi công chó giúp 40 người leo núi đạt được kỳ tích; tượng đài ở Osaka (Nhật Bản) ghi công chó khảo sát Nam cực; tượng đài ở Saint Petersbourg (Nga) ghi công chó đóng góp vào phát minh Y học; tượng đài ở Bargo San Lorenco (Ý) ghi nhớ con chó Bermon trong một buổi tối tìm đến ga để đón chủ rồi bị chết vì chiến trannh; tượng đài ở đảo Nom (Alaska - Bắc Mỹ) ghi công chó đã cho người huyết thanh để đẩy lui được bệnh bạch hầu; và tượng đài ở Edinburgh (Anh) ghi nhớ sự trung thành của con chó đã đến nằm bên mộ chủ suốt 5 năm rồi chết theo chủ.
TỊNH THUỶ
• Chó lái canô
Chú chó Jacper ở Labrador đã phải trải qua một khúa huấn luyện dài tới nửa năm để điều khiển thành công chiếc canô. Jacper thi lấy bằng loại ưu… và 14 năm về trước, nó đã lái canô chở du khách dạo chơi trên sóng nước vịnh Cypress ở bang Florida (Mỹ) với tốc độ tới 60 km /h.
• Chó lái xe
Một sở cảnh sát ở nước Đức đã quyết định cấp bằng lái xe cho chú chó chăn cừu bốn tuổi, bởi nó rất thông minh, có thể lái xe và truy bắt tội phạm thật tài tình. Tấm bằng lái xe mà người ta trao cho chú chó có giá trị đến suốt đời, chỉ bị tịch thu trong trường hợp chú ta cũng say rượu hay phóng nhanh vượt ẩu trái luật giao thông.
• Khách sạn dành riêng cho chó:
ở nước Anh có những khách sạn dành riêng cho chó hoặc đón tiếp chó như thượng khách, đó là khách sạn Canigou, Marjorie Titchen, White Tops Hotel... Tại đây, người ta đảm bảo cuộc sống thần tiên cho chó: ngày đi dạo 5 lần, có bồn nước nóng, điện thoại di động, phòng ốc khang trang, thoáng mát, thức ăn tuyệt hảo…
• Mức chi kỷ lục cho chó
Cách đây 22 năm, số chó nuôi ở nước Anh mới có khoảng 2 triệu con, sau đó 10 năm đã lên tới 8 triệu con. Năm 1990, sản lượng thức ăn cho chó ở Anh lên tới 842 nghìn tấn, một con số không hề nhỏ. Và càng kỳ cục hơn, khi không ít ông bà chủ luôn đòi hỏi “thức ăn của chó phải được rút hết mỡ và đường”, trong khi bản thân họ chẳng mấy khi quan tâm đến cơ thể tàn tạ của mình, chẳng nghĩ đến cholesterol và bệnh tiểu đường. Bởi thế mà thức ăn của chó đã lên tới hàng “mỹ thực” với thịt thỏ, gà tây, cá thu và lợn sữa.
* Chó trong chiến tranh thế giới
Trong chiến tranh thế giới thứ I, loài chó đóng vai trò giết chuột trong các hầm hào hay phát hiện mìn trên chiến trường và tìm kiếm các thi hài đã được chôn cất; hoặc như một nhân viên y tế mang các thuốc men quan trọng từ nơi này sang nơi khác. Khoảng 10 nghìn các “chiến sỹ bốn chân” này vẫn làm việc ở Mặt trận phía Tây khi Hiệp định ngừng chiến được ký kết năm 1918.
NGUYỄN DUY CÁCH