 |
Một đường phố nhỏ ở ngoại ô Tel Aviv |
...Vì chưa có đường bay thẳng, nên để đến được Israel, tiện nhất là bay sang Bangkok (Thái Lan), đợi mấy tiếng rồi chuyển sang máy bay của hãng hàng không El Al - Israel và bay 11 giờ đồng hồ nữa. Cũng còn một vài đường bay khác nhưng thường là phải... “vòng vo Tam quốc” sang tận châu âu rồi mới quay lại. Sở dĩ có chuyện hạn chế này, vì từ mấy chục năm nay, nhiều nước A Rập chưa chịu công nhận Nhà nước Israel, thậm chí trong hộ chiếu của du khách nếu có đóng dấu hoặc thị thực (visa) của Israel sẽ không được vào các nước này. Không những chỉ là hộ chiếu du lịch, mà kể cả hộ chiếu công vụ hay hộ chiếu ngoại giao, cũng đều phải tuân theo “lệ làng” nói trên. Những năm trước đây, khi công tác ở Ai Cập kiêm nhiệm Israel, Kuwait, Syria và Palestine, bản thân tôi cũng phải có 2 hộ chiếu: một chỉ để đi Israel, một để đến các nước A Rập còn lại! Trong số 22 nước thành viên của Liên đoàn A Rập, mới chỉ có Ai Cập và Jordan ký hiệp định hòa bình với Israel (nên có thể qua lại bình thường bằng hộ chiếu của mình), các nước còn lại vẫn coi Israel là kẻ thù, nếu... lỡ có con dấu của biên phòng Israel thôi, là bạn chỉ có nước... quay lại ngay, chứ không được bước vào đến nhà ga!
Xin nói ngay chi tiết này để nếu bạn nào có ý định đi du lịch đến miền “đất hứa” thì liệu trước (để còn có thể tiếp tục dùng cuốn hộ chiếu đó đi các nước A Rập). Du khách, doanh nhân... mang hộ chiếu phổ thông, có thể đề nghị với Đại sứ quán Israel (58, Nguyễn Thái Học, Hà Nội) cấp cho một tờ... visa rời, và sau chuyến đi, có thể tháo ra để riêng tờ visa đó giữ làm kỷ niệm, và vẫn tiếp tục dùng cuốn hộ chiếu của mình. Riêng tôi, tôi cứ nghĩ tình trạng giữa các nước A Rập với Israel như thế này đã sớm thay đổi và hợp tác với nhau trong xu thế hội nhập thế giới, nên tôi đề nghị cứ cấp visa vào Israel cho tôi ngay trong cuốn hộ chiếu du lịch, mà chẳng cần phải làm tờ rời!
Máy bay hạ cánh xuống sân bay quốc tế Ben Gurion ở thành phố Tel Aviv (mang tên ông Thủ tướng đầu tiên của Nhà nước Israel David Ben Gurion). Thành phố này cũng được UNESCO xếp hạng Di sản thế giới bởi có những công trình kiến trúc cổ kính và quy hoạch chu đáo để bảo tồn. Vì thế, đường giao thông ở đây rộng rãi, chia làn đường cho từng dòng xe ô tô và hoàn toàn không có cảnh lấn làn của nhau!
Tuy nhiên, du khách đến Israel chủ yếu là để đến thành phố Jerusalem. Tel Aviv cách Jerusalem hơn 60 km, nhưng vì thành phố thường được gọi là “thánh địa” này không có sân bay, nên máy bay phải xuống Tel Aviv, rồi đi ô tô đến Jerusalem.
Đứng về góc độ kinh doanh và khai thác du lịch, thì Jerusalem mới là địa điểm “hốt bạc” của nước bạn (đã có năm, doanh thu du lịch của Israel lên tới 7 tỷ USD). Ngay hôm tới khách sạn Dan Panorama Tel Aviv, tôi đã chứng kiến từng đoàn xe bus loại 50 chỗ ngồi đưa khách từ đây đi hành hương Jerusalem, đoàn ít thì cũng 2, 3 xe, có đoàn đi tới 4, 5 xe, và ngày nào cũng thế.
Jerusalem được coi là thánh địa của 3 trong số 5 đạo giáo lớn trên thế giới là đạo Do Thái, đạo Cơ đốc (hay Công giáo) và đạo Hồi (2 tôn giáo lớn còn lại là đạo Phật và đạo ấn Độ - hay còn gọi là đạo Bà -la-môn - có thánh địa ở ấn Độ và Nepal). Đạo Do Thái có những thánh địa, thánh tích như Bức tường than khóc (Wailing Wall), bức tường còn sót lại của ngôi đền Herod xây dựng từ thời vua Salomon, năm 950 trước công nguyên; đỉnh Masada, bản anh hùng ca của dân tộc Do Thái, còn được giữ từ cách đây 19 thế kỷ... Trải qua hàng nghìn năm bị các lực lượng nước ngoài xâm chiếm (Babylone, La Mã, Byzantine, Ottoman...) người Do Thái bị buộc phải phiêu bạt ở khắp nơi trên thế giới, nhưng họ vẫn hướng về Jerusalem với nỗi khát khao được trở về chốn cũ. Mỗi buổi sáng, dù ở phương trời nào và từ thế hệ này qua thế hệ khác, người Do Thái cất tiếng đầu tiên trong ngày với câu hỏi: “Ta là ai? Ta đang ở đâu?”, và họ chào hỏi, chúc tụng nhau bằng câu “Năm sau nhé, ở Jerusalem” (Jerusalem, next year!) như một lời hẹn ước, một lời nguyện cầu. Với đạo Cơ đốc, Jerusalem là nơi chúa Jesus đã sống, truyền đạo, đã chết và phục sinh. Tại đây có nhà thờ mộ chúa Jesus, có vườn Gesthemane là nơi chúa đã ăn bữa tối cuối cùng, có khu vườn Via Dolorosa ghi lại 14 điểm dừng chân khi chúa Jesus phải vác cây thánh giá lên đỉnh đồi để bị đóng đinh câu rút. Còn đối với đạo Hồi thì Jerusalem là nơi mà nhà tiên tri Mohammed đã từ Mecca (A Rập Xê -út) đến, và từ đây trở về trời. Hai ngôi đền “Vòm đá” (Dome of the Rock) và đền “Xa xôi” (Al Aqsa) được nhắc tới trong kinh Coran là nơi thiêng liêng của đạo Hồi chỉ sau Mecca và Medina (cũng ở A Rập Xê -út).
Khách du lịch đến Israel còn mong mỏi được đến Biển Chết (Dead Sea), nơi có độ sâu 400m dưới mặt nước biển, và có lẽ vì sâu như thế nên độ mặn tới mức bão hòa, và không một sinh vật nào có thể sống được trong độ mặn đó. Bạn có thể nằm ngửa trên... mặt nước biển để đọc báo, vì không làm thế nào để có thể... chìm trong biển nước mặn đó! Bùn của biển này được các nhà khoa học chế biến thành một thứ thuốc chữa thấp khớp, mỹ phẩm, còn nước của Biển Chết nghe nói đem về rửa mặt, sẽ làm trắng da. Vì thế, mọi người đi tắm ở Biển Chết đều mua một hộp bùn, và chị em phụ nữ thì thường xách về một can nước biển.
Những năm trước đây, tôi đã có dịp đặt chân tới những nơi đó, lần này, tôi đặt một mục tiêu khác: tham quan và tìm hiểu về nền nông nghiệp công nghệ cao nổi tiếng thế giới của đất nước này. Bên cạnh đó, tôi còn có cơ hội để đến thăm 20 em sinh viên Đại học nông nghiệp Việt Nam đang học tập và thực hành tại Israel (đây là đợt thứ 2, vì đã có 20 em hoàn thành khóa học về nước từ năm ngoái). Đặt ra mục tiêu đó, hóa ra lại là... “khôn ngoan”, vì nhờ thế, tôi được bạn cho đi khảo sát rất nhiều nơi dọc ngang đất nước Israel, ngày nào cũng rong ruổi hàng trăm km, thậm chí có ngày cả đi và về tới 500 km.
 |
Cây chà là |
Đối với du lịch Israel, vấn đề an ninh của du khách được coi là vấn đề hàng đầu. Tôi đã lang thang cả tiếng đồng hồ trong một cái chợ đông đúc của Tel Aviv - đi một mình, xách theo một cái máy ảnh du lịch - hoặc thẩn thơ ở bãi biển Địa Trung Hải vào buổi tối, nhưng vẫn bình yên vô sự, chẳng thấy ai hỏi giấy tờ hoặc theo dõi. Cũng không hề có cảnh đeo bám du khách để bán hàng hoặc ăn xin. Cô hướng dẫn du lịch Sharon Halle cho tôi đi thăm các trang trại. Cô nói thành thạo tiếng A Rập, tiếng Anh và tiếng Pháp (còn tiếng Do Thái thì hẳn rồi, vì là tiếng mẹ đẻ của cô!). Cô còn thủ thỉ tâm sự: “Tôi sẽ phải đi học thêm tiếng Đức vào tháng tới, vì du khách Đức vào nhiều lắm!”. Những điều cần hỏi về lịch sử, địa lý, xã hội... đều được cô giải đáp một cách cặn kẽ và chính xác như một... cuốn từ điển sống. Có thể nói ngành du lịch Israel cũng thuộc loại... công nghệ cao, vì bạn biết khai thác và kinh doanh một cách khôn khéo - xin được dùng một từ đời thường là biết “moi tiền” du khách. Chẳng hạn, tại các điểm du lịch, có một cuốn “passport” mà ai cũng thích mua. Kích cỡ bằng đúng một cuốn hộ chiếu, cũng đề Passport. Bên trong, ngay ở trang đầu là bản “chứng nhận ông (hoặc bà)... đã đến thăm... từ ngày... đến ngày.., cuối trang có chữ ký và dấu đỏ của Bộ trưởng Bộ Du lịch hẳn hoi. Một tấm bản đồ Israel, có ghi những điểm du lịch đáng xem và nên xem với khoảng cách tính từ sân bay Ben Gurion; một vài hướng dẫn cần thiết cho du khách nước ngoài: số điện thoại khi cần, đổi tiền ở đâu, một đôi câu chào hỏi bằng tiếng Do Thái... Giá một cuốn hộ chiếu đó không rẻ, tới 5 USD, nhưng không ai là người không mua!
Còn rất nhiều chuyện muốn kể với bạn đọc Tạp chí Du lịch Việt Nam, nhưng không dám viết quá dài, vì biết rằng số trang của tòa báo có hạn. Tôi chỉ xin kể một điều mang tính chất tâm sự: đi đến đâu, xem những gì... tôi đều canh cánh một tâm trạng “trông người lại ngẫm đến ta”, với những ao ước, những mong mỏi về công nghiệp du lịch của mình. Vừa rồi, ngành Du lịch Việt Nam của ta đã đưa ra một tiêu đề rất hay “Vietnam, the hidden charm” Việt Nam rất đẹp, nên chắc chắn một ngày không xa, vẻ đẹp tiềm ẩn ấy sẽ trở nên rực rỡ, để Du lịch Việt Nam xứng đáng là một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Tel Aviv - Hà Nội, trước thềm Xuân Bính Tuất NGUYỄN LÊ BÁCH
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Israel