 |
Cây thế Ảnh: Nguyễn Đăng Bảo |
Chơi cây thế vừa phải thể hiện cái đẹp về hình thể lại vừa phải toát lên vẻ đẹp tâm hồn mà phần hồn ở đây chính là nguyện vọng, tình cảm, đạo lý của người chơi đặt vào thế cây. Cây thế phải cô đọng, gọn, cành lá phải phù hợp, độ phân tầng của cành lá, dáng vẻ của cây phải phóng khoáng, thanh thoát. Dáng cây gồm 4 dáng chính: trực - xiêu - hoành - huyền. Thân đứng thẳng hùng dũng là thế trực, ngả rạp ngang rồi mới xoè tán là thế hoành, hai cây ghép đôi là song trụ, cây to cạnh cây nhỏ là phụ tử đồng khoa. Mỗi dáng cây mang một chủ đề tư tưởng nên có một tên gọi khác nhau như: phụ tử, mẫu tử, nghênh phong, ngoạ long (rồng nằm), giao long (đôi rồng lượn), phượng vũ (chim phượng múa)... Tuy nhiên, cũng có những thế cây sâu kín như một phôi cây già do trải qua một thời gian dài, lại chịu ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt làm cho cây bị lũa nhưng vẫn rất hiên ngang, vẫn đâm chồi nảy lộc thể hiện sức sống mãnh liệt. Hoặc thế phu thê song phụ xuất phát từ đạo Nho, vợ chồng phải đùm bọc, thương yêu nhau. Người chồng với thân cây cao, mạnh mẽ lại vừa phóng khoáng, gần gũi, người vợ thấp hơn, mảnh mai, mềm mại nép vào thân cây cao thể hiện sự mong chờ được che chở, đùm bọc. Chính vì vậy, cây thế thấm nhuần đạo lý chân chính, luôn thể hiện tâm tư, nguyện vọng, tâm hồn của người chơi.
Chơi cây thế khó bởi tạo được dáng cây đã khó, tạo nên cái hồn của cây còn khó hơn. Cái hồn ấy mang ý nghĩa trong từng dáng đứng, trong từng cành lá đến sự ôm ấp, đan xen nhau của từng nhánh cây, chồi lá. Cái khó của người trồng cây cảnh là giai đoạn tạo thế. Để có được những cây cảnh có hàng chục tán dưới to, trên nhỏ với khoảng cách đều nhau là cả một quá trình sáng tạo của người nghệ nhân. Ví như muốn có cây có dáng dấp già cỗi, phải lột vỏ dọc theo thân cây và các cành lớn, không chỉ một lần mà phải nhiều lần, trong nhiều năm. Khi lột vỏ thân cây làm sao để phần gỗ bị lột phải trắng phau. Các mảng gỗ này sẽ phai màu dần theo thời gian rồi trở nên màu bạc của cây khô. Để tạo được một cây si với hàng trăm chùm rễ già nua, người trồng đưa cây vào chậu có đáy sâu để rễ mọc tự do, sau một thời gian thay một chậu khác có đáy sâu hơn. Nhiều lần như thế, cây sẽ có một bộ rễ dài và cứ mỗi lần thay chậu, người ta lại nâng rễ cây lên khỏi mặt đất một ít.
Người xưa chơi cây cảnh thường chú ý tới 4 yếu tố: nhất hình, nhì thế, tam chi, tứ diệp. Cây thế uốn lượn thành 3 tầng, 4 đoạn thân, 5 chùm nhánh là để tượng trưng cho tam cương (quần thần, phu tử, phu phụ), ngũ thường (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín), tam tòng (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử) và tứ đức (công, dung, ngôn, hạnh) … tiềm ẩn một triết lý sống thật cụ thể. Các nghệ nhân tạo thế cây còn sáng tạo nghệ thuật chơi cây cảnh với đặc tính nhân cách hoá cây thành những con vật gần gũi trong thiên nhiên nh ư: nai, ngựa đến những loài vật có hình tượng như: cá hoá rồng, bộ rễ với nét rồng, thế rồng lên (thăng long), rồng xuống (long giáng) hoặc cuồn cuộn cả một đàn rồng mẹ rồng con (quần long).
Qua việc thưởng ngoạn cây thế, người xem thấy rõ được triết lý sống, cảm nhận được mối giao hoà giữa thiên nhiên và con người. Có thể nói, chơi cây cảnh không chỉ là một môn nghệ thuật mà còn là một triết lý đạo đức đưa con người đến với chân thiện mỹ đúng như đạo lý truyền thống của dân tộc Việt Nam ta.
VŨ XUÂN HẢI