Cơ sở quan trọng đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Du lịch Việt Nam
Cơ sở quan trọng đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Du lịch Việt Nam
Thứ ba, 29/08/2006 | 11:08 GMT+7
Năm 1999, sự ra đời của Pháp lệnh Du lịch đã
đánh dấu mốc mới, quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước của ngành Du lịch
Việt Nam. Pháp lệnh Du lịch đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ, rộng rãi của tất
cả các cấp, ngành và địa phương, đặc biệt là những chủ thể trực tiếp tham gia
hưởng lợi từ hoạt động du lịch.
Với những quy định quy phạm pháp luật chặt chẽ, mang đậm nét nội hàm quản lý, điều chỉnh và bao trùm lên hầu hết các lĩnh vực liên quan tới hoạt động du lịch, cùng với việc vận dụng một cách linh hoạt vào thực tiễn, Pháp lệnh Du lịch đã mang lại những hiệu quả to lớn, thiết thực góp phần đáng kể cho quá trình CNH – HĐH đất nước và đặc biệt là tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của cả nước. Pháp lệnh Du lịch cũng đã khẳng định rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước trong việc kiên trì thực thi chính sách mở cửa, dành ưu tiên, ưu đãi cho hoạt động phát triển du lịch, mặt khác là định hướng quan trọng, là hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Du lịch sớm bắt nhịp vào tiến trình hội nhập và hợp tác kinh tế quốc tế chung với du lịch các quốc gia, các tổ chức du lịch quốc tế và các tổ chức kinh tế quốc tế trong khu vực và thế giới.
Sau hơn 5 năm triển khai Pháp lệnh Du lịch, ngành Du lịch đã gặt hái được nhiều kết quả khả quan, mang lại hiệu quả nhiều mặt, góp phần đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vị thế của Việt Nam không ngừng củng cố và nâng cao trên trường quốc tế, trong đó Du lịch Việt Nam là một trong những lĩnh vực hợp tác dần được khẳng định với vai trò nổi bật thông qua các hoạt động ngày càng sâu và rộng hơn trong các diễn đàn hợp tác kinh tế quốc tế. Du lịch Việt Nam đã và đang tiếp tục mở rộng quan hệ với du lịch các nước thông qua việc ký kết nhiều hiệp định, thoả thuận hợp tác du lịch song phương các cấp với các nước trong và ngoài khu vực. Đến nay, Du lịch Việt Nam đã ký thoả thuận quốc tế với chính phủ các nước. Du lịch Việt Nam cũng đã tích cực tham gia vào hoạt động chung của Tổ chức Du lịch thế giới (WTO), Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA); tham gia vào hợp tác trong diễn đàn ASEAN, APEC, ASEM, Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS), sông MêKông - sông Hằng (MGC), Hành lang Đông Tây (WEC), hợp tác 5 nước Việt - Lào - Thái – Campuchia -Myanmar (AMECS), 3 nước Việt - Lào - Thái, 3 quốc gia một điểm đến Việt - Lào - Campuchia... Có thể khẳng định, việc tích cực đẩy mạnh hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đáng kể vào thực hiện các chương trình, kế hoạch chung của Ngành. Thông qua hoạt động hội nhập và hợp tác kinh tế quốc tế, cùng với phát huy nội lực, Du lịch Việt Nam đã tận dụng tốt các cơ hội và khai thác hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ kỹ thuật từ bên ngoài, tranh thủ được các nguồn vốn, đầu tư, nguồn khách, kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến trong quản lý và phát triển du lịch, tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch...
Năm 2005 là năm cả nước cũng như toàn ngành Du lịch đang tích cực phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đầu thế kỷ 21. Ngành Du lịch đang trên đà phát triển trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào các diễn đàn, tổ chức kinh tế quốc tế đa phương đặc biệt là việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đòi hỏi Ngành Du lịch phải có một văn bản pháp lý cao hơn, phù hợp và hoàn thiện hơn nhằm đáp ứng những cam kết quốc tế mà Du lịch nước ta đang và sẽ tham gia. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ của các Bộ, Ngành và nỗ lực chung của toàn Ngành, Luật Du lịch đã được xây dựng chỉ trong một thời gian ngắn và được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2005. Luật Du lịch ra đời đã đáp ứng kịp thời yêu cầu về tình hình cũng như nhiệm vụ đặt ra đối với công tác hợp tác quốc tế, đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình hội nhập của Du lịch Việt Nam, được thể hiện qua một số điểm sau:
Một là, Luật Du lịch tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với vai trò quan trọng của hợp tác quốc tế trong việc thúc đẩy hợp tác du lịch và giao lưu giữa các nước. Trước hết, Luật khẳng định sự quyết tâm và cam kết mạnh mẽ hơn của Đảng, Nhà nước đối với công tác này qua nội dung về hợp tác quốc tế. Pháp lệnh Du lịch nêu “Nhà nước khuyến khích việc mở rộng hợp tác quốc tế…” thì nay trong Luật Du lịch quy định “Nhà nước đẩy mạnh hợp tác quốc tế về du lịch…”. Bên cạnh đó, Luật Du lịch tiếp tục nhấn mạnh vai trò của hợp tác quốc tế trong việc phát triển du lịch và tăng cường hơn nữa giao lưu, hợp tác hữu nghị giữa các nước. Tại điều 5, chương I, Luật quy định nguyên tắc phát triển du lịch là “góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại và giao lưu quốc tế để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam”. Chương IX, Hợp tác quốc tế về du lịch quy định “Nhà nước đẩy mạnh hợp tác quốc tế về du lịch với các nước, các tổ chức quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi; phù hợp với pháp luật mỗi bên, pháp luật và thông lệ quốc tế nhằm phát triển du lịch, gắn thị trường du lịch Việt nam với thị trường du lịch khu vực và thế giới, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”.
Hai là, Luật Du lịch tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch trong hợp tác quốc tế du lịch. Trước đây Pháp lệnh Du lịch, điều 39 quy định “Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch của Việt nam được tham gia các tổ chức du lịch quốc tế và khu vực, được đặt đại diện du lịch ở nước ngoài theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ” thì tại Luật Du lịch, điều 84 quy định: “Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương theo chức năng và trong phạm vi phân cấp thực hiện quyền và trách nhiệm đại diện cho Việt Nam trong hợp tác du lịch song phương, đa phương với cơ quan du lịch quốc gia của nước ngoài và trong các tổ chức du lịch quốc tế và khu vực”. Như vậy, Luật Du lịch đã được xây dựng theo hướng “mở và hài hoà” hơn trong việc nâng cao vai trò, phân cấp quyền và cụ thể hoá nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch trong công tác hợp tác quốc tế. Nội dung “đặt văn phòng đại diện du lịch Việt Nam ở nước ngoài” trong Luật Du lịch đã được chuyển sang Chương Xúc tiến du lịch cho phù hợp với xu hướng quốc tế và tình hình phát triển mới của Du lịch Việt Nam.
Ba là, Luật Du lịch đã thể hiện đầy đủ tinh thần những cam kết đàm phán mở cửa thị trường đối với các phân ngành khách sạn, lữ hành và điều hành tour, hướng dẫn viên trong ASEAN, trong Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ và trong đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Những nội dung cam kết quốc tế này đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và lồng ghép phù hợp vào nội dung luật, một mặt đảm bảo tuân thủ các quy định, chính sách quản lý hiện hành của Ngành, mặt khác vẫn hài hoà với những cam kết trong các tổ chức quốc tế mà Việt Nam đang và sẽ tham gia.
Trong thời gian tới, để triển khai hiệu quả chính sách hợp tác quốc tế trong Luật Du lịch, mang lại kết quả thiết thực phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn chung của Ngành, cần khẩn trương tiến hành công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Du lịch, nhằm nâng cao nhận thức về luật, đặc biệt đối với các doanh nghiệp du lịch, những chủ thể trực tiếp tham gia và hưởng lợi từ hoạt động du lịch. Tiến hành cụ thể hoá, minh bạch hoá các điều khoản Luật thành các văn bản dưới luật, các nghị định, thông tư hướng dẫn, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch; đồng thời giúp các doanh nghiệp du lịch Việt Nam hiểu sâu và nắm chắc hơn về những quy định, tập quán kinh doanh quốc tế, từ đó có thể tham gia hợp tác hội nhập hiệu quả hơn, tránh rơi vào tình trạng bị lép vế hoặc rủi ro đáng tiếc trong hợp tác kinh doanh với đối tác nước ngoài.
PHẠM QUANG HƯNG
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, TCDL