Với vốn then và đàn tính phong phú, sự đam mê, cộng thêm tình yêu di sản, nghệ nhân Chu Thị Hồng Vân, người dân tộc Nùng đã không ngừng góp sức bảo tồn, phát huy giá trị của di sản. Bà còn lồng ghép giữa then và dân ca giao duyên một cách tài tình, từ đó nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào.
Những ngày cuối năm này, nghệ nhân Chu Thị Hồng Vân khá bận rộn bởi nhiều gia đình trong vùng mời bà đến thực hiện các nghi lễ then về nhà mới, cưới hỏi, giải hạn, cúng mụ, sinh nhật... Dù đã đã nhiều lần tham gia và giành Huy chương Vàng tại các kỳ liên hoan hát then, đàn tính do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhưng nghệ nhân Hồng Vân tâm sự: Mấy chục năm gắn bó với nghi lễ then và đàn tính nhưng chưa năm nào bà thấy phấn khởi như năm nay. Đó là một năm ghi nhớ nhiều kỷ niệm, dấu ấn quan trọng đối với một người làm then như bà.
Đầu năm nay bà Vân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, được UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ trao tặng danh hiệu. “Sự ghi nhận đó là phần thưởng cao quý, đồng thời là sự động viên khích lệ rất ý nghĩa của Nhà nước dành cho bản thân tôi. Đó cũng là niềm vinh dự, tự hào của của cả cộng đồng dân tộc chúng tôi”, nghệ nhân Hồng Vân chia sẻ.
Niềm vui tiếp theo mà nghệ nhân muốn nhắc đến là mới đây Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã ghi danh thực hành then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Qua đó đánh dấu một bước ngoặt quan trọng khi di sản của đồng bào được thế giới biết đến, vinh danh.
Thôn Hố Cao đa phần là người dân tộc Nùng sinh sống. Năm 19 tuổi, một lần bỗng nhiên bà Vân lội xuống hồ sâu không ai bơi ra bắt được bà, rồi lại trèo tót lên mái nhà không ai bắt bà xuống được. Theo như lời kể của bà và những người thân thì đó là do bà có “căn số” làm then. Gia đình phải tìm thầy làm lễ và bà Vân đã đi theo học làm then từ một thầy then ở Bắc Lệ, Lạng Sơn, từ đó mới hết điên dại.
Theo năm tháng, cùng với sự truyền dạy của những người thầy đi trước, bà Vân đã biết thành thạo hầu hết nghi lễ tâm linh của then một cách lề lối, chuẩn mực. Cách đây 7 năm, bà Chu Thị Hồng Vân đã được cấp sắc nâng bậc "Pa luông" - bậc cao nhất của lẩu then.
Theo như chia sẻ của nghệ nhân Hồng Vân: Trong đời sống hằng ngày của người Tày, Nùng từ lúc sơ sinh đến khi mất đều cần đến then, những âm thanh của đàn tính, tiếng sóc nhạc đã ăn sâu vào tâm thức bao thế hệ. Đó không đơn thuần là nghệ thuật mà còn là nghi lễ tâm linh thiêng liêng. Các nghi lễ then tập hợp rất nhiều người đến xem và tham gia giúp việc. Có khi chính họ say trong lời ca tiếng đàn tính. Mọi người chăm chú nghe các trường đoạn then, nghe các câu chuyện được thể hiện qua lời hát của thầy then trong quá trình cúng lễ và thấy được lịch sử dân tộc mình trong đó. Sau mỗi nghi lễ then là những niềm vui thỏa nguyện cả về tâm linh và sự thưởng thức văn hóa.
Bà con người Nùng ở Hương Sơn có câu nói: "Ké quả tàng nghìn tiếng lượn then/ Mùa lườn táng piếu pồn báo ón…" (Người già qua đường nghe tiếng lượn then/ Về nhà như biến thành trai trẻ). Đồng bào thường sử dụng then vào nhiều dịp như về nhà mới, mừng thượng thọ, ngày cưới, cúng mụ, giải hạn, cầu duyên, cấp sắc…
Cũng theo nghệ nhân Hồng Vân: Quan niệm dân gian cho rằng, then có nghĩa là Thiên - “trời”, then thường đi cùng với đàn tính và được coi là điệu hát của thần tiên truyền lại. Đồng bào quan niệm, làn điệu then giúp con người gửi lời cầu nguyện đến trời. Vì thế mỗi khi thực hành nghi lễ, bà đã trình diễn bằng cả tâm hồn, nhiệt huyết của mình với âm thanh, làn điệu phong phú, nhuần nhuyễn giữa đàn, hát, sóc nhạc khi réo rắt, khi du dương, khi nhịp nhàng, rộn rã, lúc thầm thì như suối reo, và lại khắc khoải như nỗi mong ngóng, chờ đợi… Tuy nhiên, điều nghệ nhân Hồng Vân trăn trở là trong vùng còn rất ít người biết then cổ, lớp trẻ nhiều người biết hát then nhưng đó là then mới.
Nghệ nhân Hồng Vân giải thích: Lời ca tiếng hát trong nghi lễ then chủ yếu kể về hành trình đầy gian nan vất vả của một đội quân quả cảm. Trên đường đi họ phải trải qua rất nhiều thử thách cam go, mỗi một chặng đường lại gặp những thử thách khác nhau. Ví dụ như: có chặng đường gặp cướp phải đánh trả quyết liệt, có lúc lại phải băng rừng, vượt suối, vượt biển, có lúc hết lương thực phải săn bắt thú rừng làm thức ăn.
Rồi khi gặp hoàn cảnh khốn khó lại phải dang tay giúp đỡ, đoàn quân cũng phải vượt qua những cám dỗ, ham muốn của bản thân. Qua mỗi một chặng đường, thầy then lại có những cung đàn, giọng hát khác nhau thể hiện sao cho phù hợp với từng tình huống gặp phải. Ví như khi gặp phải thân phận khốn khó, éo le cần giúp đỡ thì sử dụng giọng hát ngọt ngào, yêu thương, chứa chan tình cảm. Khi đi săn thú rừng thì giọng hát mau lẹ, khỏe khoắn, hùng dũng. Khi cầu xin người lái đò vượt biển giọng hát lại tha thiết níu kéo.
Để giúp việc cho thầy then có những người đi nhạc ngựa. Nhạc ngựa là một vòng được làm bằng nhiều móc sắt hoặc đồng nối với nhau và quả nhạc. Tiếng sóc nhạc biểu tượng cho đoàn quân đang hành quân. Người đi nhạc ngựa điều khiển tiếng nhạc sao cho phù hợp với tiếng đàn, lời hát của bà then, phù hợp với từng tình huống mà đoàn quân gặp phải.
Một cuộc then không chỉ là một cuộc hành trình lên trời để cầu nguyện mà còn có nhiều chương đoạn miêu tả về cuộc sống trần thế và những mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên. Mỗi cuộc tổ chức lễ then thường kéo dài hết một đêm thì đoàn quân sẽ đến gặp được thánh thần, Nam Tào - Bắc Đẩu và cuối cùng là Ngọc Hoàng để trình bày những lời cầu xin của gia chủ mong muốn hóa giải những kiếp nạn, biến những lời cầu xin của gia chủ trở thành hiện thực.
Một mùa xuân nữa đang đến và những người Nùng ở Hương Sơn lại được thưởng thức những làn điệu then tài hoa, bay bổng. Những tiếng then, đàn tính, sóc nhạc như mạch nguồn chảy mãi từ mùa xuân này tới mùa xuân khác và từ thế hệ này sang thế hệ khác mà nghệ nhân Chu Thị Hồng Vân chính là cầu nối cho sợi dây gắn kết ấy.
Nguồn: vnca.cand.vn