Di tích Cửa Bắc, còn gọi là Chính Bắc Môn, là một di tích gốc có từ thời Nguyễn được xây dựng từ năm 1805 với vật liệu chủ yếu được dùng lại của thời Lê. Theo một số tư liệu ảnh chụp thời Pháp cuối thế kỷ XIX, bên ngoài Cửa Bắc còn có một đường hào dẫn nước chạy xung quanh thành theo kiểu mô hình của thành quách phương Đông truyền thống. Đường lên mặt thành Cửa Bắc được đắp bằng đất có bậc thang để đi lên. Trên đó, quan quân triều Nguyễn có bố trí một số ụ súng và pháo để bảo vệ thành, đồng thời có quân lính tuần tra, canh phòng. Tường thành được xây bằng đá theo dạng cuốn vòm kiểu parapol. Cửa Bắc cao 8,7m, rộng 17m, dày 20,48m. Cổng quay hướng Bắc, chếch Tây 15 độ, dạng hình thang, lòng hình vòm cuốn xây bằng gạch, mép cửa kè đá hình chữ nhật. Phía trên vòm cửa chính có gắn tấm biển được khắc bằng đá xanh ghi ba chữ Hán “Chính Bắc Môn”. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, phương pháp xây dựng thành Cửa Bắc cũng có một số điểm tương đồng như cách xây dựng vòm cổng thành nhà Hồ, Thanh Hóa. Năm 1998 tại di tích Cửa Bắc, ở độ sâu 1,66m và 2,20m các nhà khảo cổ học đã phát hiện dấu tích của một đoạn tường thành thời Lê xây dựng bằng đá và gạch vồ, nền móng dày 1,2m. Dưới lòng đất khu vực này vẫn còn ẩn chứa nhiều giá trị khảo cổ học quý giá. Đây là cổng thành duy nhất còn lại của thành Hà Nội thời Nguyễn. Bên cạnh mặt chính diện từ ngoài nhìn vào, người ta dễ dàng nhận ra điểm bị khoét sâu vào tường. Đó là chứng tích của trận xâm lược bằng pháo của thực dân Pháp trong trận chiến xâm lược thành Hà Nội lần thứ hai năm 1882 và sự phản kháng của quân dân ta, đặc biệt là Tổng đốc Nguyễn Tri Phương và Tổng đốc Hoàng Diệu trong công cuộc giữ thành Hà Nội. Tên tuổi của Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu đã gắn liền với hai cuộc chiến giữ thành Hà Nội.
Lần thứ nhất diễn ra vào cuối năm 1873 với vị chỉ huy là Tổng đốc Nguyễn Tri Phương. Ngày 27/5/1873, Nguyễn Tri Phương đem quân từ Sơn Tây về giữ thành Hà Nội. Khoảng 6 giờ ngày 20/11/1873, Francis Garnier truyền lệnh cho hạ thành Hà Nội. Nguyễn Tri Phương đóng quân trong thành với 5.000 quân, nhưng vũ khí lạc hậu. Hai pháo thuyền Espingole và Scorpion trên sông Hồng, dưới sự chỉ huy của thủy sư trung úy Bany đã nã đại bác cách thành 1.200 thước. Trung úy Bany dẫn thủy binh tiến đánh cửa Tây Nam, đồng thời Francis Garnier cầm đầu đội thủy quân lục chiến tấn công nhằm vào cửa Đông Nam là cửa chính của thành Hà Nội. Chỉ sau một giờ chiến đấu, thành Hà Nội đã thất thủ. Tổng đốc Nguyễn Tri Phương bị thương nặng được đưa về tư dinh. Giặc thừa thế xông vào chiếm thành và bắt giữ ông. Chúng toan cứu chữa nhưng ông kiên quyết tuyệt thực và không cho chúng buộc thuốc vào vết thương. Sau đúng một tháng thì Nguyễn Tri Phương qua đời. Để tỏ lòng thương tiếc, đích thân vua Tự Đức tự tay thảo bài văn tế với tình cảm thống thiết. Tên tuổi của ông được thờ ở miếu Trung Liệt để nêu gương sáng muôn đời.
Cuộc chiến đấu lần thứ hai giữ thành Hà Nội gắn với Tổng đốc Hoàng Diệu. Sáng ngày 25/4/1882, Hangri Rivie gửi tối hậu thư cho Hoàng Diệu đòi phải triệt bỏ các công sự phòng thủ và “nộp thành” cho chúng. Đến 8 giờ sáng ngày hôm đó, giặc Pháp nổ súng bắn đạn vào Cửa Bắc và tấn công khắp các cửa thành, Hoàng Diệu đích thân ra mặt chỉ huy chiến đấu. Bỗng kho thuốc súng bị cháy, quân Pháp lợi dụng thời cơ để trèo lên cửa thành phía Tây phá cổng rồi ồ ạt kéo vào thành. Trong thế chiến đấu không cân sức, không chống cự nổi, thành Hà Nội thất thủ. Ông biết không thể chống cự được nữa nên đã vào hành cung viết tờ di biểu gửi vua Tự Đức rồi đến Võ Miếu lấy chiếc khăn chít đầu tự vẫn để bảo toàn khí tiết. Hoàng Diệu đã nêu cao tinh thần yêu nước, khí tiết của ông là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ người Việt Nam noi theo.
Hiện nay, trên Vọng lâu của di tích Cửa Bắc đang thờ hai vị Tổng đốc là Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu, những người đã anh dũng chỉ huy quân và dân Hà Nội khi thành Hà Nội rơi vào tay quân Pháp.
Ẩn sau một Hà Nội nhộn nhịp với ba mươi sáu phố phường, là một Hà Nội lắng sâu và trầm tư với những di tích lịch sử in dấu thời gian như thế. Để rồi những người con đất Việt mỗi khi đi xa Hà Nội hay khách du lịch khi đến với thủ đô, ngoài nhớ về những nghề truyền thống nơi phố cổ, hương cốm làng Vòng, phở Hà Nội hay tháp Rùa, hồ Gươm, người ta còn luôn nhớ về những di tích mang giá trị và ý nghĩa lịch sử sâu sắc đã gắn liền với Hà Nội như Cửa Bắc.
PV