Theo báo cáo của Vụ Lữ hành (TCDL), Trung Đông là khu vực hình thành nguồn khách lớn của du lịch thế giới. Lượng khách Trung Đông đi du lịch nước ngoài tăng gấp 4,5 lần trong giai đoạn 1990 – 2010, tốc độ tăng trưởng bình quân khách outbound tại khu vực này trong giai đoạn 2000 - 2010 cao nhất thế giới, đạt 9,9% (tốc độ trung bình của cả thế giới là 6,5%). Hiện nay, ở khu vực Đông Nam Á, khách du lịch Trung Đông chủ yếu đến Malaysia và Indonesia do có sự tương đồng về văn hóa và tôn giáo (Hồi giáo).
Thành phố Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất. Nguồn: Internet
Trong những năm trở lại đây, lượng khách du lịch từ các quốc gia khu vực Trung Đông đến Việt Nam tuy có tăng theo từng năm nhưng vẫn ở mức thấp; chủ yếu từ các nước Israel, Iran, Ai Cập, Kuwait. Nguyên nhân một phần là do thông tin về Du lịch Việt Nam vẫn chưa đến được với thị trường khách du lịch này; giá vé máy bay còn ở mức cao, ít nhà hàng và món ăn phục vụ nhóm khách du lịch theo đạo Hồi, thủ tục xin visa du lịch tốn nhiều thời gian.
Khách từ các nước Trung Đông đến Việt Nam chủ yếu theo loại hình nghỉ dưỡng, khám phá di sản; một số điểm đến chính là Hạ Long, Sapa, Hội An, Mỹ Sơn, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… Việt Nam có một số điều kiện thuận lợi thu hút khách từ thị trường này: an ninh, an toàn được đảm bảo; tài nguyên du lịch phong phú, phù hợp với sở thích và nhu cầu của khách; mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước Trung Đông…
Phát biểu tại buổi báo cáo, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp tục cập nhật, bổ sung và hoàn thiện các thông tin trong công trình nghiên cứu; xác định đặc tính nổi bật của thị trường khách du lịch Trung Đông để từ đó lựa chọn các sản phẩm du lịch và điểm đến phù hợp.
Tại buổi báo cáo, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp để hoàn thiện bản nghiên cứu cũng như đề xuất các giải pháp thu hút khách từ thị trường các nước Trung Đông.
PV