 |
Động Thiên Cung (Vịnh Hạ Long) Ảnh: Vĩnh Cát |
Thực chất, địa chất du lịch là một loại hình du lịch cung cấp cho khách du lịch, khách tham quan những thông tin, những kiến thức về cơ chế hình thành, lịch sử phát triển của các thắng cảnh, các cảnh quan kỳ thú, những sản phẩm của tự nhiên được hình thành bởi các quá trình nội sinh và ngoại sinh. Mục đích của loại hình du lịch này nhằm giúp cho khách du lịch cảm thấy hứng thú khi tham quan các thắng cảnh, mặt khác giúp họ thấy được mức độ kỳ vĩ về quy mô và thời gian mà thiên nhiên đã tạo dựng nên những thắng cảnh đó. Qua đó cảnh tỉnh khách du lịch phải chung sức bảo vệ giữ gìn những danh lam thắng cảnh. Đối với ngành Du lịch, việc lồng ghép những thông tin, những kiến thức địa chất học về những thắng cảnh sẽ có tác dụng kích thích tính hiếu kỳ của du khách, từ đó tác động đến nhu cầu đi du lịch. Đối với hướng dẫn viên du lịch, cần được trang bị kiến thức về địa chất du lịch để những bản thuyết minh được chuẩn bị kỹ lưỡng, lồng ghép được những thông tin hướng dẫn du lịch thông thường với nội dung địa chất du lịch, làm cho việc thuyết minh không cứng nhắc, nhàm chán mà ngược lại càng làm tăng sức hấp dẫn của các thắng cảnh đối với du khách.
Những khái niệm như: địa điểm lý thú về địa chất (Geosite), địa điểm có giá trị đặc biệt đối với nghiên cứu địa chất cơ bản (Geotope), công viên địa chất (Geopark), Di sản địa chất thế giới (World Geological Heritage) lần lượt ra đời. Từ những năm 1996 trở lại đây các công viên địa chất được thành lập ở nhiều nước châu Âu, trở thành những địa điểm du lịch, giải trí, giáo dục và kinh tế đầy hấp dẫn. Hiện nay, tại châu Âu có một mạng lưới các công viên địa chất. Tại Trung Quốc hiện có 44 công viên địa chất. Ở nước ta, Di sản Thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long cũng là Di sản địa chất thế giới; Di sản Thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng không chỉ là điểm du lịch nổi tiếng mà còn là kỳ quan hấp dẫn cho những nhà thám hiểm, địa chất. Song trong quá trình khai thác phục vụ du lịch, do chưa được cung cấp kiến thức đầy đủ nên nhiều du khách vẫn chưa thấy được sự kỳ vĩ của các Di sản Thiên nhiên thế giới này. Ngoài những di sản trên, nước ta còn có không ít những kỳ quan thiên nhiên chưa được khai thác cho địa chất du lịch. Do đó, việc nghiên cứu địa chất du lịch phục vụ ngành công nghiệp không khói cần được quan tâm nhằm khai thác tối đa những thành tựu mà khoa học địa chất thế giới cũng như của nước ta đã đạt được.
Tại những Di sản Thiên nhiên, Di sản địa chất như vịnh Hạ Long, Phong Nha - Kẻ Bàng hoặc những Di sản Thiên nhiên đang xây dựng hồ sơ xin công nhận Di sản Thiên nhiên thế giới như hồ Ba Bể…, ngành Du lịch cần phối hợp với các nhà địa chất, các nhà hoạt động văn hóa xây dựng những kịch bản cho hình thức du lịch tại các Di sản Thiên nhiên, Di sản địa chất phục vụ khách du lịch, thông qua đó lồng ghép những kiến thức về địa chất trong các bản thuyết minh của các hướng dẫn viên du lịch; tổ chức chiếu những bộ phim tài liệu về quá trình hình thành và lịch sử phát triển của hệ thống hang động, nhũ đá với hình thù kỳ diệu, để du khách có nhận thức sâu sắc hơn về giá trị của cảnh quan, từ đó nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường thiên nhiên Di sản.
Để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, ngành Du lịch Việt Nam trong những năm tới cần phát triển mạnh mẽ các hình thức du lịch, trong đó địa chất du lịch cần được quan tâm, đầu tư nghiên cứu một cách tương xứng với vị trí của nó.
PGS.TSKH. NGUYỄN ĐỊCH DỸ