![](/FileManager/mypicture/Bai-bien-quynh-phuong-,-quy.jpg)
|
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hồ Đức Phớc khẳng định: với 82km đường bờ biển, 6 cửa lạch, đảo Ngư và đảo Mắt cùng 4329 hải lý vuông diện tích, Nghệ An có nguồn tài nguyên biển phong phú để phát triển tổng hợp nhiều ngành kinh tế ven biển, trong đó có dịch vụ du lịch. Bờ biển ở một số địa phương như Cửa Lò, Nghi Thiết, Quỳnh Phương, Diễn Thành… có độ dốc thoải đều, nước biển xanh, độ mặn vừa phải đã tạo nên nhiều bãi tắm đẹp hấp dẫn du khách. Ngoài ra, vùng ven biển Nghệ An còn có hệ thống núi đồi nhô ra biển với gần 2000ha rừng keo, bạch đàn, phi lao; nhiều di tích lịch sử có giá trị như đền Cuông, đền Cờn… là nguồn tài nguyên có thể hình thành các sản phẩm du lịch đa dạng. Hoạt động du lịch biển Nghệ An trong những năm qua đạt được kết quả tốt, lượng khách liên tục tăng, năm 2007 đạt 1,4 triệu lượt trên tổng số hơn 2 triệu lượt khách đến Nghệ An; tốc độ tăng trưởng doanh thu từ hoạt động du lịch biển giai đoạn 2001 - 2007 đạt 20%/năm và chiếm trên 60% tổng doanh thu từ hoạt động du lịch; hiện Nghệ An có 230 khách sạn, nhà nghỉ với 5634 phòng ở các huyện thị ven biển, trong đó có các khu nghỉ dưỡng cao cấp như Sài Gòn - Kim Liên resort, Bãi Lữ resort, khu sinh thái Cao Lộc, sân gôn 18 lỗ và tổ hợp khách sạn nhà nghỉ cao cấp Cửa Lò…
Nhiều đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, muốn nâng cao hiệu quả phát triển du lịch biển trong khi chưa đủ nguồn lực đầu tư khai thác hết nguồn tài nguyên du lịch biển Nghệ An cần tiến hành công tác quản lý, quy hoạch, đặc biệt là quỹ đất bãi tắm và các khu du lịch. Trong quá trình chọn lựa các dự án đầu tư vào du lịch biển, các cơ quan chức năng cần xem xét tổng hợp các yếu tố về kinh tế, xã hội, môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng lao động… để tạo ra hiệu quả cao nhất. Chính quyền các địa phương có kế hoạch phối hợp với các cơ quan chuyên ngành tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư ven biển, tạo cơ hội cho họ tham gia vào các hoạt động du lịch biển nhằm từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An Trần Anh Tời để giảm dần yếu tố mùa vụ trong hoạt động du lịch cần nghiên cứu xây dựng điểm du lịch làng nghề truyền thống ven biển như câu mực, đóng thuyền, đan lưới… nhằm tạo ra sản phẩm du lịch mới, có chất lượng và bền vững. Bên cạnh đó, ngành Du lịch Nghệ An cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch bằng các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, văn hóa kinh doanh nhằm đáp ứng cho sự phát triển của hoạt động du lịch nói chung và du lịch biển nói riêng.
Bài và ảnh: ANH TÚ