Theo kết quả cuộc điều tra hàng năm của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), Việt Nam đã từ vị trí thứ 6 lên vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng các quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách nhanh nhất thế giới. Sau nhóm khách du lịch balô và những cựu chiến binh, ngày càng có nhiều khách du lịch có khả năng chi trả cao đến Việt Nam.
Hiện đang có một lượng lớn nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào các dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng, sân gôn nhằm hướng tới thị trường khách cao cấp. InterContinental - tập đoàn quản lý khách sạn của Mỹ vừa khai trương khách sạn ở gần hồ Tây. Giám đốc Điều hành Jon Nielsen, cho biết hiện tập đoàn đang triển khai thêm 4 dự án tại Việt Nam.
Dọc miền Trung Việt Nam, từ bãi biển Đà Nẵng xuống thị xã Hội An, nhiều khu nghỉ dưỡng biển đang mọc lên. Ngoài các bãi biển hoang sơ chưa được khai thác, Việt Nam còn có nhiều điểm thu hút khách du lịch như: tháp Chàm, nhà rông, các lễ hội và đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống, các thành phố và nhà thờ từ thời Pháp thuộc, những di tích chiến tranh như địa đạo Củ Chi, bảo tàng chiến tranh Mỹ Lai, tiềm năng du lịch sinh thái với nhiều loài động thực vật đang được khám phá tại các vùng núi xa xôi.
Theo chuyên gia phân tích du lịch Đông Nam Á của WTTC Amir Girgs: Việt Nam đang dành nhiều nguồn lực cho mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo những cảnh quan đẹp có thể phục vụ cho hoạt động du lịch được bảo vệ. Tuy nhiên, đây thực sự là điều đáng lo ngại, ví dụ như đỉnh Fansifan cao nhất khu vực Đông Dương hiện đang bị xuống cấp bởi hoạt động du lịch không có kiểm soát. Tình trạng tương tự đang diễn ra ở Hà Nội, nơi mà nhà chức trách đang có gắng hạn chế việc xây dựng và mua bán các tòa nhà trong các khu phố cổ.
Đối với một quốc gia có dân số trẻ với khoảng 01 triệu người tham gia vào lực lượng lao động hàng năm, Du lịch là ngành quan trọng vì có thể tạo ra chỗ làm trực tiếp và gián tiếp. Những người Việt Nam ham học hỏi là một tài sản lớn: khoảng 95% nhân viên của khách sạn của InterContinental có thể nói tiếng Anh trong khi đó, tỷ lệ này ở Băng cốc chỉ là 50%. Patrick Basset của tập đoàn Accor cho biết, tất cả 15 khách sạn thuộc tập đoàn này tại Việt Nam đã thuê 3.000 người và số lượng này sẽ tăng gấp đôi trong 3 năm tới.
Ngành Du lịch Việt Nam đang phát triển nhanh nhưng cơ sở hạ tầng còn chưa đáp ứng kịp. Một phần do cơ sở hạ tầng yếu kém nên Diễn đàn Kinh tế thế giới đã xếp ngành Du lịch Việt Nam ở vị trí 96 trong tổng số 130 quốc gia. Nhưng nếu được quản lý tốt hơn, dòng khách du lịch đang tăng có thể đem lại lợi ích cho toàn bộ nền kinh tế.
LÊ HẢI