Mục tiêu của Đề án nhằm ngăn chặn sự gia tăng các loài bị đe dọa tuyệt chủng, tiến tới phục hồi và phát triển giống loài thuỷ sinh quý hiếm, đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam với sự tham gia của cộng đồng, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển nghề cá bền vững. Đề án thực hiện ở tất cả các thuỷ vực tại Việt Nam và tiến hành từ năm 2008 đến năm 2020, chia làm 3 giai đoạn.
Giai đoạn 2008 – 2010 tập trung lập cơ sở dữ liệu các thủy sinh hiếm có nguy cơ tuyệt chủng; soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn quản lý, khai thác, bảo tồn, lưu giữ nguồn gen, quy định vùng cấm khai thác, giống loài cấm khai thác; xây dựng thí điểm khu bảo vệ một số loài thuỷ sinh đặc hữu như cá mòi cờ, cá anh vũ, cá rầm xanh, cá hỏa, cá chình…; xây dựng khu bảo vệ bãi đẻ của loài rùa tại Côn Đảo; phục hồi, tái tạo và bảo vệ thành công 20 loài thủy sinh quý hiếm nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng ở mức độ cao; hợp tác với các nước trong khu vực ASEAN, Trung Quốc thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp…
Ở giai đoạn từ năm 2011 - 2015 sẽ xây dựng chương trình mạng lưới giám sát cụ thể trên tất cả các thuỷ vực của Việt Nam; thiết lập 15 khu bảo vệ; tiến hành bảo vệ thành công 18 loài thuỷ sinh quý hiếm; tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; xây dựng nội dung giảng dạy về bảo vệ các loài thủy sinh quý hiếm đưa vào chương trình học của học sinh phổ thông và đại học; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật phù hợp với lộ trình hội nhập khu vực và thế giới…
Giai đoạn 3 kéo dài từ năm 2016 – 2020 sẽ thiết lập bổ sung từ 22 – 30 khu bảo vệ tại các thuỷ vực trên cả nước, tạo thành hệ thống các khu bảo tồn theo quy hoạch; hoàn chỉnh công nghệ sinh sản nhân tạo các loài thuỷ sinh quý hiếm để chủ động giống thả bổ sung vào các thuỷ vực, xã hội hóa công tác bảo vệ, phục hồi giống loài thuỷ sinh quý hiếm…
Nhằm thực hiện thành công mục tiêu nêu trên, Đề án đã đề ra một loạt các giải pháp về cơ chế chính sách, khoa học công nghệ, đào tạo giáo dục và hợp tác quốc tế. Tổng số vốn đầu tư Đề án cho cả 3 giai đoạn là 576 tỷ đồng, trong đó có các nguồn vốn từ ngân sách trung ương, địa phương, vốn doanh nghiệp công ích và tổ chức phi chính phủ. Tổng hợp cả 3 giai đoạn, Đề án đưa ra 34 dự án, nhiệm vụ cụ thể, thời gian thực hiện và các cơ quan thực hiện nhằm bảo vệ thành công các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng của Việt Nam.
PV