![](/FileManager/mypicture/Chao-Au-Tau.jpg) |
Cháo ấu tẩu Ảnh: H.D |
Ấu tẩu còn có tên ô đầu và phụ tử, thường mọc ở vùng núi cao có khí hậu lạnh. Cây ấu tẩu cao từ 0,6 – 1m, ra hoa to màu xanh lam, mọc thành chùm ở ngọn thân, có quả vào mùa đông. Theo y học dân tộc, ấu tẩu có vị cay tê, tính rất nóng, rất độc. Cây ấu tẩu gồm lá, rễ, củ dùng để chữa các chứng phong tê, chữa thận dương hư, chân tay nhức mỏi tê bại, bán thân bất toại. Từ lâu, người dân tộc Mông đã dùng củ ấu tẩu thái nhỏ ngâm rượu xoa bóp khi đau nhức, mỏi chân tay, đau khớp, bong gân hoặc chữa cảm gió rất hiệu nghiệm. Với tính năng như vậy, bắt nguồn từ món cháo giải cảm đơn giản của đồng bào dân tộc thiểu số, người dân Hà Giang thêm một số gia vị, phụ gia để chế biến nâng món cháo ấu tẩu thành đặc sản xứ này. Theo kinh nghiệm của người dân Hà Giang, muốn nấu được bát cháo ấu tẩu, ngoài bí quyết làm cho củ ấu tẩu bớt độc tính thì phải chọn gạo tẻ, nếp cái trồng trên nương rẫy của đồng bào dân tộc, cùng với chân giò, thịt lợn cắp nách, rồi trứng gà thả rông và qua một số công đoạn chế biến mới có được một bát cháo ấu tẩu hoàn hảo.
Hiện nay, bát cháo ẩu tẩu thường được chế biến theo các công đoạn: củ ấu tẩu được ngâm kỹ trong nước vo gạo đặc một đêm, sau đó rửa sạch và đem ninh trong vài tiếng tới khi củ mềm, bở tơi. Ở công đoạn này, củ ấu tẩu được chế biến theo các phương pháp dược học cổ truyền nhằm làm giảm đi độc tính là bí mật riêng của mỗi nhà hàng. Gạo tẻ thơm, trộn ít nếp cái cho cháo đặc sánh. Bột củ ấu tẩu được nấu lẫn gạo và nước dùng ninh từ chân giò lợn. Bát cháo được gia giảm thêm hành, rau mùi, trứng gà và thịt nạc thăn băm nhỏ, dậy lên mùi thơm ngọt ngào. Tô cháo múc ra có màu nâu đậm, khi ăn có vị hơi hăng đắng của thuốc bắc. Vị đắng của ấu tẩu hòa quyện với vị ngọt của nước xương ninh và thơm ngậy của gạo, trứng đọng lại thành hương thơm, vị ngọt lạ miệng và hấp dẫn.
Đến Hà Giang, du khách có thể thưởng thức cháo ấu tẩu suốt bốn mùa, nhưng đặc biệt cháo chỉ bán vào buổi tối. Vì người dân ở đây cho rằng, cháo chữa bệnh tốt nhất qua giấc ngủ đêm. Theo kinh nghiệm dân gian, cháo ấu tẩu có tác dụng giãn gân cốt, giảm đau cơ, nhức xương, xua tan mệt mỏi của người đi đường xa, khi ăn cùng lá tía tô có tác dụng giải cảm tốt. Nếu có dịp lên Hà Giang, mời bạn hãy thưởng thức món cháo đặc sản của vùng cao nguyên đá.
LÊ HẢI