Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thành phố Cần Thơ xác định: “Phấn đấu đến năm 2020, đưa du lịch thành phố Cần Thơ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định thương hiệu, phát triển bền vững, đóng góp quan trọng trong cơ cấu khu vực dịch vụ và tăng trưởng của thành phố…”.
Tình hình phát triển du lịch thành phố Cần Thơ
Thị trường du lịch
Du khách đến Cần Thơ chủ yếu vào các dịp lễ tết và vào mùa khô. Khách quốc tế chiếm 13% khách quốc tế đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, chủ yếu từ Pháp, Đức, Mỹ, Australia, Anh và các nước Đông Bắc Á. Khách nội địa đến Cần Thơ chủ yếu từ các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian tới, với việc sân bay quốc tế Cần Thơ mở thêm các đường bay trong nước và quốc tế, thị trường khách du lịch đến thành phố hứa hẹn sẽ có sự mở rộng và gia tăng.
Cơ cấu, số lượng khách
Năm 2017, thành phố đón khoảng 7,54 triệu lượt khách (khoảng 10% du khách cả nước), tăng 41% so với năm 2016; trong đó có 2,18 triệu lượt khách lưu trú với khoảng hơn 305 nghìn lượt khách quốc tế; doanh thu từ du lịch ước đạt 2.897,9 tỷ đồng (tương đương 0,58% cả nước), tăng 59% so với cùng kỳ
Trong giai đoạn 2015 - 2017, ngành Du lịch thành phố có sự tăng trưởng cả về số lượng du khách và doanh thu. Đặc biệt năm 2017 cả hai tiêu chí này có mức tăng trưởng khá mạnh mẽ do có nhiều sự kiện lễ hội lớn diễn ra như: Tuần lễ An ninh lương thực trong khuôn khổ hội nghị APEC, Giải bóng chuyền quốc tế, Lễ hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật, Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ, Hội nghị về Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu… cùng nhiều sự kiện văn hóa, du lịch đặc trưng của các quận/huyện trên địa bàn thành phố.
Nguồn nhân lực và đào tạo
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 5 cơ sở đào tạo nhân lực du lịch (trong đó có 2 trường đại học, 2 trường cao đẳng và 1 trường trung cấp). Thành phố hiện có khoảng 5.420 lao động đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch; trong đó tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt khoảng 52%. Tuy nhiên, chất lượng lao động phân bố không đều và mức độ chênh lệch trình độ, kỹ năng của lực lượng lao động cũng khá lớn giữa các đơn vị sử dụng lao động. Thành phố đặt ra mục tiêu đến năm 2020, ngành Du lịch tạo việc làm cho khoảng 39.300 lao động (trung bình 7.860 lao động/năm), trong đó tỷ lệ lao động đã qua đào tạo phải đạt là 80%. So với tình hình hiện tại, đây là mục tiêu rất thách thức đối với ngành Du lịch thành phố.
Quy mô, chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch
Hiện nay, kinh doanh lưu trú và ăn uống chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu doanh thu từ du khách còn các lĩnh vực như dịch vụ lữ hành, mua sắm, vui chơi giải trí chiếm tỷ lệ khá thấp.
Kinh doanh lưu trú dẫn đầu về tỷ lệ đóng góp cho doanh thu của du lịch thành phố (41,82%). Hệ thống cơ sở lưu trú, khách sạn từng bước được nâng cấp, hoàn thiện. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 270 cơ sở lưu trú du lịch (trong đó có 140 khách sạn 1 - 5 sao) với tổng số khoảng 7.000 buồng, công suất sử dụng trung bình đạt trên 70%. Bên cạnh đó, thành phố có những trung tâm hội nghị với cơ sở vật chất tiện nghi, hiện đại, có sức chứa hàng nghìn chỗ ngồi như trung tâm hội nghị Hoàng Tử, Diamond Palace, các trung tâm hội nghị thuộc các khách sạn như Mường Thanh, Vinpearl, Ninh Kiều, Ninh Kiều 2, Vạn Phát, Đông Hà – Fortuneland, TTC, Nesta…
Về ẩm thực và hệ thống cơ sở ăn uống, Cần Thơ là nơi tập hợp rất nhiều món ăn đặc sản nổi tiếng, đa dạng với hệ thống các nhà hàng, quán ăn gia đình, quán ăn bình dân đến các gánh hàng rong, ăn vặt. Một vài món ăn đặc trưng của Cần Thơ rất được du khách gần xa ưa thích như các loại bánh dân gian, các loại chè, các món chế biến từ sản vật đồng quê. Trong những năm gần đây, hệ thống các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố rất phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng.
Bên cạnh các khu vui chơi giải trí nằm trong các trung tâm thương mại như hệ thống phòng tập gym 5 sao, hệ thống các rạp chiếu phim…, Cần Thơ còn có các cơ sở văn hóa lớn của vùng, hệ thống công viên cây xanh được nâng cấp cải tạo mới, các điểm, tụ điểm vui chơi giải trí… Mặc dù vậy, nếu so với mặt bằng chung cả nước, các điểm vui chơi giải trí của thành phố Cần Thơ còn khiêm tốn cả về quy mô, số lượng và hiệu quả hoạt động (chỉ đóng góp 1,32% doanh thu từ khách du lịch đến thành phố, thấp nhất trong các loại hình lĩnh vực).
Cần Thơ hiện có 54 doanh nghiệp lữ hành, 26 điểm vườn du lịch sinh thái với khoảng 24 hộ nông dân làm du lịch, tập trung ở quận Cái Răng và huyện Phong Điền. Ngoài ra, có 18 hộ tham gia mô hình nông dân liên kết làm du lịch ở Cồn Sơn (quận Bình Thủy). Thành phố đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, ngành Du lịch có 70 doanh nghiệp lữ hành hoạt động. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các điểm vườn mang tính tự phát, các doanh nghiệp chưa có chiến lược kinh doanh cũng như chưa được sự đầu tư bài bản và đồng bộ nên chất lượng và năng lực phục vụ chưa cao, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu thị trường và khó đảm bảo phát triển bền vững lâu dài (chỉ đóng góp 2,07% doanh thu từ du khách đến thành phố).
Hện nay, thành phố có khoảng 100 chợ truyền thống, 12 siêu thị, trung tâm thương mại lớn của các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước với đầy đủ các hàng hóa, dịch vụ cơ bản cũng như các thương hiệu thời trang uy tín trong nước và quốc tế. Mặc dù vậy, thành phố còn thiếu các điểm mua sắm chuyên phục vụ đối tượng khách du lịch với các hàng hóa, sản phẩm đặc trưng. Vì thế, mặc dù là trung tâm kinh tế, thương mại, dịch vụ của toàn vùng nhưng mức sức mua của du khách đến Cần Thơ chưa cao, làm giảm tính hiệu quả và doanh thu của loại hình dịch vụ mua sắm du lịch khi chỉ đóng góp 2,01% trong cơ cấu doanh thu từ du khách, ít hơn cả các địa phương như Bến Tre, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Sóc Trăng…
Để Du lịch Cần Thơ phát triển trong xu hướng hội nhập
Trong xu hướng hội nhập quốc tế, để đảm bảo hoàn thành được những kế hoạch, mục tiêu đặt ra, trên cơ sở phân tích những tiềm năng, thực trạng phát triển cũng như những khó khăn, thách thức của ngành Du lịch thành phố, xin đưa ra một số giải pháp phát triển du lịch thành phố Cần Thơ như sau:
Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, phát triển thương hiệu du lịch thành phố Cần Thơ
Hiện nay, Cần Thơ có nhiều sản phẩm du lịch khác nhau. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch đặc thù của TPCT được xác định là “tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống sông nước - tìm hiểu chợ nổi Cái Răng”. Thời gian tới, thành phố cần tập trung phát triển loại hình sản phẩm du lịch này với các hoạt động như mở các tuyến buýt đường sông, du thuyền cao cấp 3 sao trở lên, đặc biệt là các tour đường sông liên tỉnh và quốc tế, nhằm phát huy được hết các lợi thế so sánh về tiềm năng du lịch, tạo điểm nhấn cho du lịch thành phố, góp phần thu hút du khách đến Cần Thơ ngày càng nhiều, đặc biệt là khách quốc tế. Bên cạnh đó, ngành Du lịch thành phố cần đẩy mạnh triển khai thực hiện các hoạt động tiếp thị địa phương nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu thành phố cũng như thương hiệu ngành Du lịch Cần Thơ.
Đẩy mạnh huy động các nguồn vốn đầu tư phục vụ phát triển du lịch
Cần tranh thủ mọi nguồn lực, phát huy tối đa tính xã hội hóa trong huy động vốn tư nhân và sử dụng hiệu quả vốn ngân sách trong vai trò “vốn mồi”. Thành phố cần tập trung mời gọi có chọn lọc các nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế để đầu tư những dự án một cách bài bản, đồng bộ và hiệu quả. Bên cạnh đó, ngành Du lịch cần nghiên cứu tham mưu cho thành phố ban hành các cơ chế ưu đãi đối với các dự án thuộc danh mục ưu tiên đầu tư của ngành Du lịch.
Chú trọng thu hút, đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao
Ngành Du lịch thành phố cần có chính sách khuyến khích công tác xã hội hóa, thu hút nguồn nhân lực du lịch; gắn công tác đào tạo với nhu cầu của xã hội, nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động du lịch; phối hợp chặt chẽ với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn thành phố, thường xuyên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của các cơ sở đào tạo ngoài địa phương; chú trọng đào tạo, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, các nhân viên phục vụ, bán hàng tại các khu, điểm du lịch.
Nâng cao chất lượng kinh doanh dịch vụ lữ hành
Để nâng cao chất lượng kinh doanh dịch vụ lữ hành, thành phố cần tập trung mời gọi các doanh nghiệp lớn, có uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực lữ hành đến kinh doanh trên địa bàn thành phố; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành hiện tại nâng cao hiệu quả hoạt động, chú trọng nghiên cứu, phát triển thị trường, tăng cường liên kết trong xây dựng tour/tuyến, điểm đến, chú trọng cải thiện chất lượng, cung cách phục vụ thay vì cạnh tranh về giá.
Phát triển đa dạng các hoạt động, loại hình dịch vụ phục vụ du khách nhằm kích thích chi tiêu, góp phần tăng doanh thu cho ngành Du lịch thành phố
Hiện nay, nguồn thu chủ yếu của Du lịch Cần Thơ là từ hoạt động lưu trú và ăn uống. Như vậy, trong thời gian tới, để góp phần tăng doanh thu cho ngành Du lịch, bên cạnh việc phát huy vai trò là “nơi ăn chốn ở” chất lượng cao của du khách khi đến miền Tây, Cần Thơ cần chú trọng đẩy mạnh khai thác các tiềm năng về dịch vụ vui chơi giải trí và mua sắm, kết hợp với hình thức du lịch đô thị; kêu gọi đầu tư thêm các khu vui chơi giải trí chất lượng cao, quy mô lớn với những loại hình phong phú, mới lạ nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế (dự án sân golf, dự án trường đua ngựa, dự án “Thiên đường nước Cần Thơ”...). Bên cạnh đó, các sản phẩm như du lịch MICE, du lịch giáo dục, du lịch y tế và chăm sóc sức khỏe rất phù hợp với những lợi thế về cơ sở vật chất, hạ tầng, dịch vụ của thành phố và hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu rất lớn nếu được quan tâm đầu tư phát triển một cách bài bản, đúng mức.
Phạm Trung Hiếu
Lưu Tiến Thuận
Tạp chí Du lịch tháng 8/2018