Du lịch biển Việt Nam đang phát triển như thế nào?
Du lịch biển, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng biển là loại hình rất hấp dẫn với khách du lịch và đang phát triển khá nhanh tại Việt Nam. Các khu du lịch biển nổi tiếng thu hút khách du lịch đến nghỉ dưỡng là Hạ Long - Cát Bà, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết – Mũi Né, Bà Rịa -Vũng Tàu, Côn Đảo, Phú Quốc. Khu vực Mũi Né – Phan Thiết có tốc độ phát triển các resort nhanh nhất, được mệnh danh là thủ đô resort của Việt Nam. Khu nghỉ dưỡng cao cấp Intercontinental Resort tọa lạc trên bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng mới khai trương gần đây được coi là khu nghỉ dưỡng cao cấp nhất Việt Nam hiện nay và thu hút sự chú ý của du khách quốc tế nhờ nơi đây là điểm đến gặp gỡ của các tỷ phú thế giới năm 2013.
Sự phát triển nhanh các resort ở vùng ven biển miền Trung và Nam Trung Bộ thời gian qua đang tạo cho Du lịch Việt Nam vị thế cạnh tranh mới trong việc thu hút khách du lịch tới Việt Nam. Hiện nay, các khu du lịch biển miền Trung đang được đánh giá là các điểm đến cạnh tranh thực sự của các khu du lịch biển nổi tiếng của các nước trong khu vực như Ba Li (Indonesia), Pattaya, Phukhet (Thái Lan)... Đặc biệt, sau những bất ổn chính trị tại Thái Lan gần đây, nhiều khách du lịch đã lựa chọn các khu nghỉ dưỡng biển Việt Nam làm địa điểm thay thế. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, trong thời điểm hiện tại, sản phẩm du lịch biển của một số nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia vẫn có vị thế cạnh tranh cao hơn sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển ở Việt Nam.
Vùng ven biển nước ta sở hữu nhiều di tích lịch sử và di sản văn hóa có giá trị. Hầu hết các di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới của Việt Nam đều nằm ở các tỉnh duyên hải. Với các bãi biển đẹp có các khu nghỉ dưỡng giải trí cao cấp, với mật độ di sản thế giới khá dày đặc và đa dạng cùng các di tích lịch sử có giá trị hấp dẫn đan xen, khu vực duyên hải miền Trung đang thu hút nhiều khách du lịch. Vì vậy, các doanh nghiệp lữ hành nước ta đã biết khai thác thế mạnh này của Việt Nam để thu hút du khách.
Mặc dù có nhiều tiềm năng về du lịch thiên nhiên và sinh thái biển nhưng nhìn chung Việt Nam vẫn chưa tạo được nhiều sản phẩm du lịch biển nổi trội, có thương hiệu mạnh để có thể cạnh tranh trên thị trường. Chúng ta đã có tất cả nguyên liệu cần thiết để chế biến thành chiếc bánh ngon, vấn đề chỉ còn là nghệ thuật chế biến, kết hợp các nguyên liệu đó và thêm gia vị như thế nào để làm thành những chiếc bánh vừa thơm ngon vừa đậm hương vị đặc biệt của Việt Nam, tạo được sự khác biệt với các loại bánh khác hiện có trong khu vực.
Với bờ biển dài, hàng trăm bãi biển và hòn đảo đẹp như Cát Bà, cù lao Chàm, Phú Quốc, Côn Đảo, các đảo trong vịnh Hạ Long, Bái Tử Long rất thích hợp cho phát triển các loại hình du lịch mạo hiểm như lặn biển, đua thuyền kayak, đua thuyền buồm, lướt ván, dù bay trên biển, đi bộ trên đảo, đi bè mảng, nhảy dù, dù lượn, khinh khí cầu. Tuy nhiên, loại hình du lịch mạo hiểm tại các vùng duyên hải chưa thực sự phát triển mạnh và đây cũng là lý do ta chưa thu hút được nhiều khách du lịch đến các vùng du lịch biển của Việt Nam.
Trong hoạt động du lịch, sự độc đáo của sản phẩm là yếu tố quyết định thành công trong cạnh tranh điểm đến. Đến nay, mặc dù tiềm năng đa dạng nhưng sản phẩm du lịch biển của Việt Nam vẫn chưa tạo được sự khác biệt nhiều so với nhiều nước phát triển du lịch trong khu vực. Cách thức tổ chức các loại hình du lịch biển của Việt Nam gần giống sản phẩm du lịch các nước khác trong khu vực. Việc đầu tư khai thác tài nguyên du lịch biển để xây dựng sản phẩm và phát triển dịch vụ du lịch biển mới ở Việt Nam chưa được quan tâm thực sự. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực du lịch được đào tạo cơ bản về du lịch biển chưa nhiều, đặc biệt là ở những địa phương mới phát triển du lịch biển.
Thời gian qua, Du lịch Việt Nam đã nỗ lực quảng bá hình ảnh sản phẩm du lịch biển trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, thông tin và hình ảnh về sản phẩm du lịch biển Việt Nam trên thế giới chưa nhiều mặc dù dải ven biển Việt Nam có những bãi biển tuyệt đẹp ít nơi nào sánh kịp. Chính vì vậy, khả năng cạnh tranh của sản phẩm du lịch biển Việt Nam chưa cao. Trong khi đó, một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia đã rất thành công trong việc xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm du lịch biển. Indonesia trở thành điểm đến hấp dẫn nhờ nỗ lực xây dựng thương hiệu của khu du lịch biển Bali nổi tiếng. Hai khu du lịch biển Pattaya và Phuket cũng đã góp phần quan trọng để Thái Lan trở thành một điểm đến nổi tiếng thế giới về du lịch biển.
Về triển vọng, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển của Việt Nam có thể vươn lên trở thành một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn và có vị thế cạnh tranh cao so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, khâu yếu của Du lịch Việt Nam chính là công tác quy hoạch, tổ chức xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch biển. Chất lượng dịch vụ tại các khu du lịch biển của Việt Nam nhìn chung đã được nâng lên khá nhanh thời gian gần đây nhưng chưa thực sự đáp ứng tốt nhu cầu cao và đa dạng của khách du lịch do tính đơn điệu về dịch vụ cũng như hạn chế về trình độ phục vụ khách du lịch của đội ngũ nhân viên làm việc tại nhiều khu du lịch biển của Việt Nam.
Đến nay, thương hiệu du lịch biển ở Việt Nam đang được hình thành nhưng phải mất một thời gian nữa với mức độ tập trung đầu tư cao mới có thể khẳng định được vị thế trên thị trường quốc tế.
Giải pháp góp phần nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch biển Việt Nam
Ngành Du lịch có đặc điểm luôn biến động, không ổn định do tác động của nhiều nhân tố khách quan. Hơn nữa, Du lịch Việt Nam luôn phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt của các đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Hai giải pháp quan trọng để giải quyết vấn đề này là: thay vì cạnh tranh bằng giá, nên tập trung nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ du lịch; phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp tại các bãi biển đẹp ở vùng duyên hải và hải đảo, đặc biệt tại khu vực Nam Trung Bộ.
Du lịch Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh quảng bá, kích thích nhu cầu về sản phẩm du lịch biển Việt Nam; sớm xây dựng và thực hiện chiến lược marketing điểm đến năng động, trong đó nhấn mạnh phát triển nhiều thị trường chuyên biệt và tiếp tục hoàn thiện sản phẩm du lịch biển để đáp ứng tốt thị trường chuyên biệt này.
Tập trung đa dạng hóa sản phẩm du lịch biển theo hướng tạo ra các sản phẩm hoàn toàn mới, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch, nâng cao được uy tín của sản phẩm du lịch biển Việt Nam trên thị trường thế giới. Nâng cao trình độ và chất lượng dịch vụ du lịch của Việt Nam. Cung cấp các dịch vụ du lịch biển hiện đại, kết hợp nhiều loại hình du lịch trong một sản phẩm...
Phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển và thưởng thức các loại hình thể thao trên biển như lướt ván, đi thuyền kayak, lặn biển... đặc biệt tại các vùng biển nổi tiếng ở miền Trung và Nam Trung Bộ. Tập trung đầu tư một số trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển có quy mô lớn tại khu vực vịnh Hạ Long, Cát Bà và vùng duyên hải Nam Trung Bộ, nơi có các bãi biển đẹp nổi tiếng như Lăng Cô, Đà Nẵng, Cửa Đại, Quy Nhơn, Phú Yên, Nha Trang, Ninh Chữ, Phan Thiết – Mũi Né, Côn Đảo, Phú Quốc và dải ven biển của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để có thể hình thành thương hiệu cạnh tranh hiệu quả với các khu du lịch biển nổi tiếng trong khu vực.
Tập trung phát triển cơ sở vật chất và dịch vụ du lịch biển cao cấp để thúc đẩy phát triển loại hình du lịch MICE. Có thể khẳng định, Việt Nam đang nổi lên là điểm đến hấp dẫn của loại hình du lịch MICE. Do đó, cần tập trung quy hoạch, xây dựng một số trung tâm hội nghị lớn lớn tại các vùng duyên hải trọng điểm về du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ và kỹ năng phục vụ hội nghị, hội thảo chuyên nghiệp để thu hút các hội nghị, sự kiện, hội thảo quốc tế tại Việt Nam. Các địa điểm thích hợp cho phát triển các trung tâm hội nghị quốc tế là Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Phan Thiết - Mũi Né, TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Cần Thơ, đảo Phú Quốc.
Xây dựng và phát triển một số công viên chủ đề về biển tại các thành phố lớn và các trung tâm du lịch biển như Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long.
Đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch kết hợp mua sắm tại các thành phố là trung tâm du lịch biển của Việt Nam như Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng.
Phát triển du lịch tàu biển ở Việt Nam theo hướng khai thác tối ưu thế mạnh của loại hình du lịch này, tạo được vị thế cạnh tranh cao so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Đồng thời, tăng cường liên kết, hợp tác với các nước trong khu vực để cùng quảng bá điểm đến chung cho cả khu vực nhằm tăng cường thu hút khách tàu biển đến Việt Nam. Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng tại các cảng biển, tập trung trước mắt xây dựng 2-3 cảng chuyên dụng cho khách tàu biển theo hướng hiện đại và tiện lợi, đáp ứng tốt nhu cầu của khách tàu biển. Xây dựng một cảng biển ở miền Trung (Tiên Sa hoặc Chân Mây) trở thành cảng trung chuyển khách du lịch tàu biển và cung cấp dịch vụ cho tàu biển trong khu vực Đông Nam Á...
Để tạo dựng được thương hiệu sản phẩm du lịch biển Việt Nam thực sự, ngành Du lịch cần tăng cường kết nối với các địa phương có biển cũng như các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và liên quan đến du lịch, từ đó, vạch ra chiến lược tạo dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm du lịch biển Việt Nam nằm trong Chiến lược marketing điểm đến. Bên cạnh đó, tăng cường cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nói chung và cơ sở hạ tầng du lịch nói riêng, nâng cao chất lượng dịch vụ, đơn giản hoá thủ tục xuất nhập cảnh, hải quan, tổ chức các loại hình du lịch, cần tập trung cải thiện môi trường du lịch theo hướng trật tự, vệ sinh, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, hạn chế tối đa tệ nạn ăn xin, bán hàng rong, quấy rầy du khách tại các điểm du lịch.
Cần tập trung nghiên cứu, tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm du lịch biển Việt Nam theo hướng khác biệt và độc đáo. Việc tạo ra hình ảnh khác biệt sẽ giúp sản phẩm du lịch biển Việt Nam ngày càng trở nên nổi tiếng nhờ sự khác biệt và cạnh tranh được với các nước đang thành công trong phát triển du lịch biển trong khu vực Đông Nam Á.
Tập trung hoạch định chính sách phát triển sản phẩm du lịch biển theo vùng, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch chuyên đề nổi bật so với các sản phẩm du lịch truyền thống. Có cơ chế khuyến khích thay đổi phương thức tiếp thị chào bán tour cho khách thông qua việc đa dạng hoá các chương trình du lịch và sản phẩm du lịch biển.
Một trong những giải pháp quan trọng không thể không nhắc tới là vai trò đầu mối quản lý các hoạt động xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch biển, khai thác tài nguyên du lịch biển, phát triển các dịch vụ du lịch biển trên toàn quốc; xây dựng các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản phẩm du lịch nói chung và sản phẩm du lịch biển nói riêng; định hướng đầu tư khai thác tài nguyên du lịch, phát triển cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch biển mới phù hợp với thị trường và tiềm năng vốn có… của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch tại Trung ương và các địa phương.
TS. Nguyễn Anh Tuấn
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)