Vị trí vai trò của du lịch biển trong phát triển kinh tế biển
Du lịch là một trong năm ngành kinh tế biển quan trọng
Trong những năm gần đây, du lịch ngày càng khẳng định sự đóng góp quan trọng cùng các ngành kinh tế biển khác như hàng hải, thủy sản, dầu khí, vận tải biển. Chiến lược kinh tế biển Việt Nam đến năm 2020 đã xác định đến 2020, cần “phát triển có bước đột phá về kinh tế biển, ven biển gồm: khai thác, chế biến dầu khí; kinh tế hàng hải; khai thác và chế biến hải sản; phát triển du lịch biển và kinh tế hải đảo; xây dựng các khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với phát triển các khu đô thị ven biển”. Chiến lược cũng nêu “trước mắt sẽ tập trung đầu tư phát triển du lịch biển” và một số ngành dịch vụ mũi nhọn khác. Du lịch là một ngành có lợi thế quan trọng trong việc tạo ra nguồn thu nhập ngoại tệ. Hoạt động du lịch được coi là ngành xuất khẩu tại chỗ, không chỉ các dịch vụ lưu trú, vận chuyển, tham quan, vui chơi giải trí mà còn kích thích tiêu dùng và xuất khẩu tại chỗ các loại hàng hóa, thực phẩm cung cấp cho du khách, hàng hóa tiêu dùng, sản vật và đồ lưu niệm trong nước tạo ra tính lan tỏa của hiệu ứng kinh tế.
Du lịch biển là một trong những hướng ưu tiên phát triển về sản phẩm du lịch trong Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt coi các giải pháp phát triển sản phẩm du lịch là giải pháp quan trọng hàng đầu, trong đó hướng ưu tiên lớn nhất là tập trung phát triển dòng sẩn phẩm du lịch biển, đảo. Với các thế mạnh nổi trội về tiềm năng du lịch biển, các sản phẩm du lịch biển đảo trong tương lai sẽ mang đến cơ hội cạnh tranh, thu hút khách du lịch quốc tế đến với Du lịch Việt Nam.
Du lịch không chỉ là ngành kinh tế tổng hợp quan trọng mà còn được coi là ngành ngoại giao thứ hai có khả năng thúc đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế
Với đặc điểm về sự giao lưu quốc tế rộng rãi thông qua việc thu hút, đáp ứng thị trường khách du lịch quốc tế đông đảo, phát triển du lịch đi đôi với việc mở rộng, tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa. Hoạt động du lịch giúp tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc, giúp khách du lịch hiểu biết rõ hơn về đất nước, con người Việt Nam. Nhiều giá trị tích cực trong hình ảnh đất nước, con người Việt Nam được khám phá thông qua các trải nghiệm du lịch. Nhiều địa danh du lịch của Việt Nam được các tổ chức, tạp chí quốc tế vinh danh, bầu chọn đã và đang góp phần thúc đẩy nhìn nhận tích cực về đất nước Việt Nam trên bình diện quốc tế. Bên cạnh đó, các điểm đến du lịch thông qua phục vụ thị trường khách du lịch quốc tế đang dần được trang bị khả năng hội nhập quốc tế.
Phát triển du lịch biển kéo theo sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của các địa phương ven biển
Với sự thu hút đầu tư phát triển trong thời gian gần đây, hệ thống các khu nghỉ dưỡng ven biển đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt ở dải ven biển miền Trung tạo nên sự biến chuyển về diện mạo đô thị, hình thành tiềm lực cung ứng sản phẩm du lịch biển. Các khu nghỉ dưỡng ven biển phục vụ khách du lịch nghỉ dưỡng, khách du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, khách du lịch sự kiện lớn (đặc biệt như Nha Trang, Đà Nẵng) đòi hỏi hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ ở đây phải đảm bảo được các tiêu chuẩn quốc tế. Vì vậy, lực lượng lao động phải đảm bảo các kỹ năng về chuẩn nghề quốc tế, đáp ứng hoàn toàn theo các tiêu chuẩn hội nhập quốc tế. Với nhiều địa phương, lao động được thu hút từ cộng đồng và được đào tạo liên tục qua nhiều hình thức, cử đi đào tạo, đào tạo tại chỗ để đảm bảo lực lượng có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu phát triển.
Với một tương lai không xa, hệ thống sản phẩm du lịch biển sẽ hình thành năng lực cạnh tranh quốc tế lớn nhất cho Du lịch Việt Nam, là hướng hội nhập quốc tế rõ rệt nhất.
Xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch biển Việt Nam
Thương hiệu du lịch biển là yếu tố quan trọng cho phát triển thương hiệu biển Việt Nam
Theo Simon Anholt, một trong những chuyên gia hàng đầu về xây dựng thương hiệu thì thương hiệu quốc gia được cấu thành từ hình ảnh của sáu nhóm nhân tố có tác động qua lại với nhau, được coi là sáu chiều của thương hiệu quốc gia, bao gồm: văn hóa và truyền thống; xuất khẩu; du lịch; đầu tư và di trú; con người và năng lực điều hành của nhà nước.
Như vậy, nếu coi việc phát triển thương hiệu biển Việt Nam là một thương hiệu quốc gia thì thông qua phát triển thương hiệu du lịch biển là một trong những nhân tố quan trọng nhất để đạt được thành công về phát triển thương hiệu biển Việt Nam. Hoạt động du lịch, xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch thường sử dụng những hình ảnh thiên nhiên, đất nước, con người đẹp nhất để xây dựng hình ảnh tích cực về các điểm đến du lịch, cũng vì vậy mà dễ dàng tạo ra những ghi nhận tích cực nhanh nhất cho một hình ảnh chung cho quốc gia. Bên cạnh đó, các trải nghiệm du lịch của khách du lịch quốc tế mang đến những ghi nhận, đánh giá sâu sắc hơn cũng tạo thuận lợi lớn hơn trong việc xây dựng thương hiệu chung về biển Việt Nam.
Các thế mạnh thương hiệu mà du lịch biển Việt Nam có thể tập trung phát triển theo 4 nhánh thương hiệu sản phẩm du lịch biển gồm:
Thắng cảnh biển – Di sản Thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long với sự kỳ bí của hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ;
Các bãi biển phục vụ nghỉ dưỡng ven biển - dải ven biển miền Trung phục vụ nghỉ dưỡng biển kết hợp với nhiều hoạt động du lịch khác như tham quan các di sản văn hóa thế giới...;
Thể thao biển với các hoạt động thể thao quốc tế (lặn biển tại Nha Trang, lướt ván dù, ván buồm tại Mũi Né);
Du lịch đảo - nghỉ dưỡng và khám phá đảo (tại Phú Quốc, Côn Đảo).
Thương hiệu du lịch biển Việt Nam gắn với các giá trị chính là:
“Sự đa dạng sắc thái và đa dạng mục đích sử dụng đường biển, với: Vịnh vũng cảnh quan, dải biển dài với chất lượng bãi tắm, hệ thống đảo ven bờ với nhiều đảo còn nguyên sơ”.
Tập trung vào những giá trị cốt lõi, thế mạnh thương hiệu này, cần có các biện pháp xúc tiến quảng bá phù hợp từ Trung ương đến địa phương, các địa phương ven biển cần đảm bảo việc phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp, mang tính tập trung, hình thành rõ nét hơn từng khu vực với từng thế mạnh sản phẩm, thế mạnh thương hiệu.
Phát triển thương hiệu du lịch biển cần dựa vào hiệu ứng các thương hiệu điểm đến, sản phẩm cụ thể đã được thị trường biết đến mà các địa phương ven biển đã từng bước gây dựng.
Sự đánh giá quốc tế về các bãi biển, vịnh đẹp Việt Nam cần được các địa phương nhìn nhận như các động lực cho hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch biển ra nước ngoài.
Các lễ hội, sự kiện được tổ chức tại các địa phương ven biển cũng góp phần định vị thương hiệu du lịch biển Việt Nam, đó là các lễ hội gắn liền với biển như festival biển Nha Trang; lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng; cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ tại Nha Trang; thi thuyền buồm quốc tế tại Nha Trang, Bình Thuận; lễ hội khinh khí cầu quốc tế tại Bình Thuận…ngoài ra là các lễ hội khác như festival Huế, lễ hội Đêm rằm phố cổ Hội An…
Du lịch biển cũng được định vị thông qua các đặc trưng văn hóa cùng các tập tục từng vùng miền, các giá trị ẩm thực truyền thống...
Đẩy mạnh các hướng hội nhập đã và đang triển khai – thế mạnh phát triển và hội nhập thương hiệu du lịch biển Việt Nam
Quá trình hợp tác song phương và đa phương với các quốc gia, tổ chức trong khu vực và quốc tế đã và đang tạo ra những thuận lợi mà Việt Nam có thể tận dụng để phát triển thương hiệu du lịch biển như một trong những động lực cho phát triển thương hiệu biển Việt Nam.
Đẩy mạnh hoạt động hợp tác du lịch khu vực như: CLMV (Hợp tác với các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam), GMS (Hợp tác trong Tiểu vùng Mekong mở rộng), ACMECS (hợp tác trong khối các nước ASEAN gắn liền với lục địa châu Á, gồm 05 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Thái Lan);
Khai thác tối đa hỗ trợ của các nước lớn, có nhiều tiềm lực hoặc kinh nghiệm phát triển du lịch trong các khuôn khổ hợp tác song phương (với Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Liên minh châu Âu);
Tranh thủ tối đa lợi ích từ hợp tác đa phương (ASEAN - Nhật Bản, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Trung Quốc) và các tổ chức quốc tế (Tổ chức Du lịch thế giới, APEC…).
Như vậy có thể thấy phát triển thương hiệu du lịch biển hiện nay là hướng đi đúng đắn thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Thông qua phát triển du lịch biển và đẩy mạnh thương hiệu du lịch biển Việt Nam chính là cách thức hiệu quả phát triển thương hiệu biển Việt Nam và hướng quan trọng trong hội nhập quốc tế. Tận dụng những lợi thế thương hiệu và các quan hệ hợp tác quốc tế sẽ đẩy mạnh được quá trình xây dựng thương hiệu biển và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
- Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
- Đề án phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020. Bộ VHTTDL, 2013.
- Đề tài NCKH cấp Bộ “Nghiên cứu xây dựng sản phẩm Du lịch Việt Nam có tính cạnh tranh trong khu vực và quốc tế”. Đỗ Cẩm Thơ, 2009.
- Đề tài NCKH cấp Bộ “Giải pháp phát triển thương hiệu Du lịch Việt Nam”. Đỗ Cẩm Thơ, 2014.
|
TS. Đỗ Cẩm Thơ
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)