Hội thảo quốc tế về các di sản văn hóa cung đình thời Nguyễn – Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị
(VTR) - UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Di sản văn hóa cung đình thời Nguyễn - Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị” với sự tham dự của gần 200 đại biểu trong và ngoài nước, trong đó có 20 đại biểu quốc tế đến từ các trung tâm nghiên cứu và các trường đại học nổi tiếng ở 4 quốc gia Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức; đại diện cho các cơ quan nghiên cứu, một số Bộ, ban ngành Trung ương và địa phương, các nhà nghiên cứu văn hóa, khoa học…
Ông Nguyễn Văn Cao – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: nằm trong chuỗi các hoạt động văn hóa – nghệ thuật tầm quốc gia và quốc tế năm 2016 của Thừa Thiên - Huế, hội thảo lần này nhằm mục đích tổng kết quá trình nghiên cứu, đánh giá về các di sản văn hóa cung đình thời Nguyễn tại cố đô Huế trên các phương diện: giá trị di sản, quá trình nghiên cứu, khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị di sản; tranh thủ ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu về công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, từ đó xây dựng một chiến lược toàn diện về bảo tồn bền vững, phát huy các giá trị di sản văn hóa do triều Nguyễn để lại.
Với khoảng 55 bài tham luận của các nhà khoa học, các nhà quản lý…, hội thảo đã chia làm 2 tiểu ban thảo luận gồm tiểu ban văn hóa vật thể và tiểu ban phi vật thể. Hai tiểu ban này tập trung thảo luận vào 5 di sản liên quan đến triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận và một số di sản khác gồm di sản vật thể: Quần thể di tích cố đô Huế; hệ thống cổ vật cung đình; di sản phi vật thể: nhã nhạc, nghệ thuật diễn xướng cung đình, hệ thống lễ hội cung đình, ẩm thực cung đình, hệ thống nghề truyền thống… ; di sản tư liệu: Mộc bản, Châu bản, Thơ văn trên kiến trúc cung đình; các tư liệu của triều Nguyễn và của Huế xưa…
Nhìn chung các ý kiến đều đánh giá rất cao quy mô, tầm vóc và giá trị to lớn của các di sản văn hóa cung đình thời Nguyễn, đánh giá cao thành quả của công tác nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong những năm qua. Bên cạnh đó một số tham luận cũng phân tích rất sâu sắc những mặt còn hạn chế, bất cập ở một số lĩnh vực của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, từ đó đưa ra những kiến nghị khoa học, những giải pháp thiết thực để khắc phục cho giai đoạn trước mắt và tương lai.
Thông qua các ý kiến, các tham luận đầy tâm huyết của các đại biểu tham dự hội thảo, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp thu và ghi nhận những đề xuất, kế hoạch quản lý có tầm nhìn xa nhằm bảo tồn và phát huy tốt hơn nữa các di sản văn hóa cung đình triều Nguyễn. Qua đó góp phần xây dựng thành công thương hiệu du lịch Thừa Thiên - Huế “Một điểm đến – Năm di sản” để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước – Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định
Minh Hạnh