Hiệu ứng của điện ảnh đối với du lịch
Khác với những thước phim tài liệu, phóng sự, chỉ phản ánh đơn thuần, chân thực và rõ nét về đời sống, phim truyện điện ảnh và truyền hình đưa người xem đến với những cung bậc cảm xúc khác nhau thông qua những góc quay hết sức tự nhiên và nghệ thuật về thiên nhiên, đất nước, con người. Với hiệu ứng tuyệt vời của phim ảnh mang lại, đây là cách thông minh để đưa khán giả trong và ngoài nước đến với những cảnh đẹp của đất nước, giúp quảng bá du lịch tới bạn bè thế giới.
Nhận thấy đây là lĩnh vực đầy tiềm năng để phát triển du lịch, một số nước trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Italia, Pháp, Trung Quốc đã có sự kết hợp giữa điện ảnh và ngành du lịch. Những bộ phim thành công đã mở ra thiên đường du lịch cho người hâm mộ với bối cảnh hoặc trường quay được dựng riêng. Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà lượng khách du lịch đến với các quốc gia này ngày một tăng.
Trên thế giới, hiệu ứng của điện ảnh đối với ngành du lịch đã được chứng minh. Năm 1989, thành công rực rỡ của bộ phim được đề cử giải Oscar “Field of dreams” đã biến cánh đồng ngô và sân bóng chày được xây dựng riêng tại Dyersville, Iowa (Mỹ) trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Ước tính hàng năm có khoảng 60.000 người hâm mộ tới tham quan.
Tại Ấn Độ, sau khi phim Triệu phú khu ổ chuột giành giải Oscar năm 2009, các khu ổ chuột ở Dharavi - bối cảnh quay của bộ phim - ngay lập tức trở thành điểm du lịch nổi tiếng. Hay loạt phim Harry Potter kéo theo cơn sốt hâm mộ toàn thế giới, bất kể tuổi tác. Ngay khi phần đầu tiên của phim ra rạp, bối cảnh quay, chủ yếu tại London trở thành điểm tham quan hút khách. Cụ thể, du khách có thể tới thăm trường đào tạo phù thủy Hogwarts nơi Harry Potter theo học - chính là một phần đại học Oxford lừng danh. Du khách cũng có thể ngắm nhìn thánh đường Gloucester tại Gloucester và ga tàu King’s Cross (London) - nơi dựng bối cảnh sân ga số 9 mà học sinh trường Hogwarts sử dụng để tới trường vào năm học mới; hay cuối cùng là khu chợ Leadenhall cũng ở thủ đô London.
Tại Thái Lan, trước đây, quần đảo Phi Phi thuộc Phuket vẫn còn xa lạ với khá nhiều du khách. Tuy nhiên, sau khi bộ phim Nhiệm vụ bất khả thi được quay tại đây, Phi Phi trở thành một điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách nước ngoài. Tiếp nối thành công đó, bộ phim The Beach (Bãi biển) đã đưa Phi Phi thành miền đất hứa đối với khách du lịch khắp nơi trên thế giới. Thủ đô Bangkok củaThái Lan đã được thế giới nhắc đến bởi bộ phim The Hangover 2 có bối cảnh chính ở Bangkok đạt doanh thu khổng lồ vào mùa hè năm 2011. Tương tự, hòn đảo Ko Tapu trong vịnh Phang Nga của Thái Lan đã mang tên mới là đảo James Bond kể từ năm 1974, bộ phim trong loạt phim Ðiệp viên 007 có tựa đề The Man with the Golden Gun thực hiện tại đây. Thành công của bộ phim đã giúp hòn đảo trở thành địa điểm “phải đến” đối với rất nhiều du khách đến Phuket.
Phương thức quảng bá du lịch của Thái Lan đặc biệt gây sự chú ý đối với ngành du lịch thế giới. Trong cuộc Hội thảo Dự án Cộng đồng điện ảnh Hàn Quốc - ASEAN, Một châu Á trong phim - liên quan đến điện ảnh du lịch tổ chức ở Hà Nội đầu năm 2012, bà Shucharitakul (Trưởng phòng cấp phép quay phim, Văn phòng Điện ảnh Thái Lan) cho biết: Thái Lan thu hơn 4 tỷ USD/năm từ du lịch và du lịch Thái Lan phát triển mạnh một phần nhờ vào phương thức quảng bá thông qua điện ảnh, đặc biệt là nhờ việc chấp thuận cho các đoàn làm phim nước ngoài vào thuê bối cảnh quay ngoại. Tính đến năm 2011 có hơn 500 bộ phim quay tại Thái Lan. Để đạt được thành công như vậy, Thái Lan đã có những cách làm rất đơn giản, hiệu quả như: thiết lập một trang web cung cấp mọi thông tin về thủ tục muốn quay phim ở Thái Lan, tranh thủ mọi cơ hội tại các Liên hoan phim quốc tế để triển lãm, liên lạc với khách hàng tiềm năng, tạo sự kết nối về nhân lực và các mối quan hệ về sau, thường xuyên gửi các bản tin văn hóa điện tử miễn phí đến hàng ngàn người trong giới truyền thông và quốc tế, quảng bá trên facebook, làm sách...Ví dụ, trong tất cả các tài liệu giới thiệu du lịch, hòn đảo Ko Tapu đều mang tên đảo James Bond. Và tất cả những lời giới thiệu về hòn đảo, dù của người dân địa phương hay trên những trang tin du lịch đều nhắc đến bộ phim như một niềm tự hào của họ.
Khai thác điện ảnh để phát triển du lịch tại Việt Nam
Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để quảng bá du lịch thông qua điện ảnh với 3.260 km bờ biển, khí hậu phong phú, nhiều di tích cổ kính, di sản văn hóa đặc sắc có thể làm bối cảnh cho nhiều bộ phim, nhiều địa danh có sẵn những lợi thế để trở thành một phim trường thiên nhiên thực sự. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có lợi thế nhân công rẻ, các nhà làm phim trên thế giới nhận thấy Việt Nam có nhiều cơ hội vàng để phát triển du lịch qua điện ảnh.
Với những lợi thế như một mảnh đất giàu tiềm năng như vậy, nếu có hướng đi đúng đắn, chỉ cần có một địa điểm thật sự hấp dẫn cũng có thể thu hút được rất nhiều du khách đến với Việt Nam. Tuy nhiên, dường như chúng ta chưa tận dụng được lợi thế này. Trong thực tế, Việt Nam chưa có nhiều những bộ phim khai thác vẻ đẹp của những địa danh nổi tiếng của đất nước, chất lượng và nội dung phim chưa thực sự gây được ấn tượng đối với khán giả; nhiều phim đã khai thác những cảnh đẹp của đất nước nhưng nội dung phim thiếu cuốn hút, không đủ tầm để xuất khẩu ra nước ngoài; chưa xây dựng được một phim trường chuyên nghiệp mang tầm quốc gia; chưa có sự hợp tác giữa nhà sản xuất phim với các công ty du lịch trong xúc tiến quảng bá du lịch liên quan đến các tác phẩm điện ảnh; các thủ tục cấp giấy phép cho các đoàn làm phim nước ngoài vào Việt Nam ghi hình còn thiếu linh hoạt, mất nhiều thời gian, gây khó khăn khiến cho họ chọn các điểm đến ở các nước khác.
Trước tình hình hiện tại đặt ra một yêu cầu cấp bách là phải đẩy mạnh sự hợp tác giữa ngành Điện ảnh và ngành Du lịch nhằm khai thác hiệu quả điện ảnh để phát triển du lịch. Trước mắt, có thể tập trung vào một số giải pháp dưới đây:
Thứ nhất, để phục vụ cho điện ảnh du lịch, trước mắt chúng ta cần xây dựng được những kho dữ liệu về các địa điểm danh lam thắng cảnh nổi tiếng có thể dùng làm bối cảnh quay của phim.
Thứ hai, để xây dựng được những bộ phim có chất lượng, một trong những yếu tố quan trọng là phải có cơ sở đảm bảo cho dựng bối cảnh phim. Chúng ta cần phải xây dựng được một phim trường chuyên nghiệp theo mô hình vừa có các công trình kiên cố lẫn công trình tạm để phục vụ việc làm phim và du lịch.
Bên cạnh đó, cần có những biện pháp lưu giữ và bảo quản tốt những bối cảnh được sử dụng trong phim để khai thác phục vụ thu hút khách du lịch, tránh lãng phí. Cách làm ở một số quốc gia trên thế giới cho thấy bối cảnh được sử dụng trong phim luôn có sức hấp dẫn lớn đối với khách du lịch.
Thứ ba, cần có sự liên kết giữa các nhà sản xuất phim có tiềm năng quảng bá du lịch và những công ty du lịch để có thêm nguồn thu cho những bộ phim. Những trailer quảng bá bộ phim, những cảnh quay đẹp lúc kết thúc phim kèm theo thông tin giới thiệu cảnh quay thực hiện ở đâu vừa quảng bá phim, vừa quảng bá du lịch cho du khách trong và ngoài nước; có sự hợp tác chặt chẽ giữa Tổng cục Du lịch và Cục Điện ảnh.
Thứ tư, cần đơn giản hóa quy trình, thủ tục xin cấp phép tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn làm phim nước ngoài vào Việt Nam quay hình. Đồng thời giữ quan hệ chặt chẽ và đúng hợp đồng với đối tác nước ngoài.
Thứ năm, các công ty du lịch nên thiết kế những tour, tài liệu giới thiệu, quảng bá về những địa danh đã từng được sử dụng làm bối cảnh trong các bộ phim. Tại các điểm du lịch có sử dụng các bối cảnh trong phim nên đặt các tấm bảng ghi chú, hay những tấm ảnh chụp trong phim, các pano, tượng nhân vật chính trong phim...
Thứ sáu, Việt Nam nên thường xuyên và tích cực tham gia các Liên hoan Điện ảnh, Truyền hình, Thể thao và Du lịch quốc tế bởi đây là dịp để chúng ta giới thiệu những tác phẩm điện ảnh và truyền hình có giá trị nghệ thuật, chuyên môn cao về đề tài du lịch trong nước với bạn bè quốc tế, đồng thời sẽ là cơ hội đẩy mạnh điện ảnh du lịch Việt Nam, góp phần quảng bá tiềm năng du lịch của đất nước, giới thiệu hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, tôn vinh bản sắc văn hóa Việt Nam. Các liên hoan phim quốc tế cũng giúp chúng ta có cơ hội để liên lạc với khách hàng tiềm năng, tạo sự kết nối về nhân lực và các mối quan hệ về sau. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có những những hoạt động thiết thực nhằm
tôn vinh những tác giả, đạo diễn, nhà quay phim, nghệ sĩ điện ảnh, truyền hình... có những sáng tạo xuất sắc, đã góp phần giới thiệu quảng bá du lịch qua phim ảnh.
ThS. Nguyễn Thị Hồng Tâm
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)