Một số giải pháp hoàn thiện hệ thống thông tin tuyên truyền quảng bá du lịch tại Việt Nam
Thông tin là chiếc cầu nối giữa điểm du lịch với du khách, là công cụ tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến hữu hiệu nhằm làm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và khách du lịch. Điều này được thể hiện như sau:
- Với doanh nghiệp và những người hoạt động trong ngành Du lịch: Thông tin từ điểm đến, từ các cơ sở dịch vụ du lịch là điều kiện để các doanh nghiệp, các công ty lữ hành xây dựng sản phẩm dịch vụ du lịch tới khách du lịch tiềm năng. Thông tin phản hồi từ du khách là cơ sở giúp họ điều chỉnh các sản phẩm dịch vụ, mang lại sự hài lòng cho khách du lịch. Ngoài ra, thông tin cũng là cơ sở để nhà lãnh đạo quản lý xây dựng chiến lược tuyên truyền, quảng bá du lịch và ra quyết định phù hợp với điều kiện thực tế trong hoạt động du lịch.
- Với khách du lịch: Thông qua thông tin du lịch, du khách có thể yên tâm tin tưởng tham gia du lịch với nhiều hình thức, nội dung phù hợp với sở thích và kinh tế như lựa chọn các tour của các doanh nghiệp hoặc tự xây dựng lịch trình, điểm đến riêng.
- Với các nhà đầu tư du lịch: Qua thông tin về tiềm năng, thế mạnh du lịch, bản sắc văn hóa vùng miền, nguồn nhân lực... cũng như các chủ trương, chính sách chế độ ưu đãi của nhà nước, địa phương cho các dự án là cơ sở để thu hút các nhà đầu tư ký kết thực hiện các dự án tại các điểm du lịch hấp dẫn của Việt Nam.
- Với người dân địa phương: Thông tin góp phần nâng cao nhận thức cho người dân, giúp họ hiểu được giá trị của các điểm du lịch cũng như bản sắc văn hóa vùng miền nơi họ đang cư trú.
Với những lợi ích trên, có thể khẳng định thông tin chiếm một vị trí, vai trò quan trọng trong hoạt động du lịch nói chung, trong công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch nói riêng. Việc ngành Du lịch có một hệ thống thông tin hoàn thiện với một cơ sở dữ liệu đa dạng phong phú cùng nhiều kênh thông tin khác nhau để cung cấp các thông tin một cách đầy đủ chính xác, kịp thời đáp ứng nhu cầu thông tin du lịch cho du khách, đó chính là mục tiêu hướng tới của hoạt động tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch tại Việt Nam.
THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG THÔNG TIN PHỤC VỤ CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, QUẢNG BÁ DU LỊCH
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động, quy chế xây dựng và thực hiện chương trình xúc tiến du lịch quốc gia… Cùng với đó, ngành Du lịch dành khoản kinh phí không nhỏ để thực hiện các chương trình quảng bá du lịch trong nước và quốc tế thông qua các hội nghị, hội thảo về du lịch và các chương trình road-show. Bên cạnh các cơ quan báo chí truyền thông như Tạp chí Du lịch Việt Nam, Báo Du lịch, ngành Du lịch còn có Trung tâm Thông tin Du lịch với nhiệm vụ quản lý, tổ chức, thực hiện các hoạt động thông tin du lịch thông qua phương tiện công nghệ thông tin và tại nhiều tỉnh, thành phố đã thành lập các trung tâm thông tin xúc tiến du lịch. Kết quả hoạt động của các đơn vị bước đầu có thành công nhất định. Hàng chục triệu ấn phẩm, tranh ảnh, băng đĩa giới thiệu về đất nước, con người và du lịch Việt Nam được phát hành. Các thông tin về tình hình hoạt động của các đơn vị trong Ngành thường xuyên được đăng tải trên website của Tổng cục Du lịch, Báo Du lịch, Tạp chí Du lịch Việt Nam. Các thông tin này đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của người dùng tin trong lĩnh vực du lịch.
Bên cạnh những mặt đạt được, song so với những tiềm năng du lịch tự nhiên và nhân văn hiện có, hoạt động tuyên truyền quảng bá Du lịch Việt Nam còn nhiều bất cập, nhất là trong cách tuyên truyền, quảng cáo và làm du lịch còn thiếu tính chuyên nghiệp, chủ động, sáng tạo và liên kết, sản phẩm du lịch nghèo, trùng lặp, đặc biệt lĩnh vực thông tin phục vụ công tác tuyên truyền quảng bá còn nhiều điều đáng phải bàn. Điều này được chứng minh bằng một cuộc thăm dò ý kiến, có tới 36% khách quốc tế, 60% khách nội địa phàn nàn rằng họ nhận được các thông tin quảng cáo không đúng với những gì họ thấy trong thực tế hoặc họ không được cung cấp các dịch vụ, các sản phẩm du lịch đúng như những gì họ được quảng cáo. Điều này đã làm mất đi hình ảnh đẹp về đất nước Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế, mất đi niềm tin của du khách đối với Du lịch Việt Nam. Cùng với đó có tới 47% khách nước ngoài được hỏi, đã trả lời Việt Nam thiếu các loại sách, báo, tạp chí giới thiệu về quốc gia mình. Chính vì vậy, nhiều khách du lịch tiềm năng chưa biết đến Việt Nam, nên trong lịch trình khám phá những điều mới lạ của họ không có hai chữ Việt Nam.
NGUYÊN NHÂN CỦA NHỮNG HẠN CHẾ TRONG THÔNG TIN DU LỊCH
- Hệ thống thông tin du lịch phục vụ tuyên truyền quảng bá trên hệ thống website du lịch chưa có một cơ sở dữ liệu thống nhất giữa các đơn vị, đặc biệt thông tin này chưa có sự điều hành, giám sát của cơ quan quản lý trong Ngành.
Đến thời điểm hiện tại, chỉ có các website của Tổng cục Du lịch tương đối đảm bảo việc cập nhật thông tin. Ngoài 6 trang website chính thức, Trung tâm Thông tin Du lịch thuộc Tổng cục Du lịch còn thường xuyên xây dựng các website theo chủ đề để truyền tải các thông tin quảng bá cho những sự kiện nổi bật của Ngành.
Ngược lại, hầu hết các website của các đơn vị quản lý, doanh nghiệp du lịch có nội dung tương đối sơ sài, chủ yếu là các thông tin về doanh nghiệp với phương thức hoạt động dường như độc lập, chưa có sự liên kết khai thác thông tin lẫn nhau do giữa các website chưa tạo đường link đến địa chỉ khác hoặc có mà không liên kết được. Điều này đã dẫn đến việc thông tin giữa các website nhiều khi không đồng nhất.
- Việc kiểm soát thông tin trên các ấn phẩm du lịch đặc biệt các loại tờ rơi, tờ gấp của các đơn vị, doanh nghiệp… còn hạn chế, vì mục đích lợi nhuận, một số doanh nghiệp đã đưa ra những thông tin quảng cáo thiếu tính trung thực. Việc này đã làm mất đi lòng tin của khách du lịch, mất đi uy tín không chỉ của chính doanh nghiệp đó mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới ngành Du lịch.
- Thông tin tuyên truyền quảng bá còn mang tính chất chủ quan, chưa có sự điều tra khảo sát nhu cầu thông tin du lịch từ du khách, làm cơ sở điều chỉnh các sản phẩm và dịch vụ thông tin của Ngành.
Trước khi xây dựng, sản xuất các sản phẩm thông tin, nội dung thông tin cần có sự tham gia góp ý của các chuyên gia cố vấn, những thông tin quan trọng còn phải có sự thẩm duyệt của hội đồng chuyên môn ngành. Tuy nhiên, công tác dịch thuật chuyển từ tiếng Việt sang các ngôn ngữ khác chủ yếu do người Việt thực hiện, nên trong cách diễn đạt đôi lúc chưa chuẩn xác theo ngôn ngữ của người bản địa. Điều đó gây nên tình trạng thông tin quảng bá đôi khi còn đơn điệu, trùng lặp, vừa thiếu thông tin, vừa không có tính hấp dẫn.
- Hoạt động tuyên truyền, quảng bá thông tin du lịch chủ yếu hướng tới khách du lịch, chưa đi sâu vào hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân địa phương về giá trị của điểm du lịch.
Ngành Du lịch đã đưa thông tin du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, chủ động phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều sự kiện du lịch thông qua các lễ hội tiêu biểu, triển khai mô hình du lịch cộng đồng ở một số địa phương… Những việc làm này đã thu hút rất nhiều du khách. Tuy nhiên, Ngành vẫn chưa có kênh thông tin tuyên truyền dành riêng cho người dân địa phương hiểu hơn về giá trị của các điểm du lịch, giá trị của các phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng… nên nhận thức của họ về các giá trị đó còn hạn chế cũng như ý thức giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương chưa cao.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN HỆ THỐNG THÔNG TIN DU LỊCH
[Chi tiết xem tại Tạp chí Du lịch Việt Nam số tháng 9/2010]
Ths. PHAN THỊ HUỆ
Trường cao đẳng VHNT&DL Hạ Long