DU LỊCH NICHE
Tương phản với “du lịch đại chúng”, thuật ngữ “du lịch niche” chủ yếu vay mượn từ thuật ngữ “tiếp thị niche”, nhưng thực tế cũng đã được lấy từ khái niệm niche của ngành sinh thái học. Theo thuật ngữ tiếp thị, hiểu một cách khái quát niche là sản phẩm chuyên biệt được làm ra hay điều chỉnh để đáp ứng các nhu cầu của một nhóm khán giả/phân khúc thị trường đặc biệt. Trong hoạt động du lịch những năm gần đây, chúng ta thường thấy xuất hiện các thuật ngữ như: “các sản phẩm du lịch niche” và “các thị trường khách du lịch niche”… được đưa ra bởi các nhà cung ứng nhiều hơn là khía cạnh tiêu dùng. Đứng trên cách thức phân chia thị trường, du lịch niche hiện nay thường được chia làm hai loại: các “niche vĩ mô” như du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch thể thao…; các “niche vi mô” nghĩa là tập trung vào các thị trường nhỏ khó phân chia thêm như: du lịch địa lý, du lịch ẩm thực, du lịch xe đạp, du lịch ngắm chim… Hay cụ thể hơn là tập trung vào các loại hình du lịch chuyên đề.
Việc phân chia thị trường du lịch niche ngày nay thường được đề cập đến trên khía cạnh thứ hai, tức là các loại hình du lịch mang tính chuyên biệt. Chính vì vậy, du lịch niche mang tính chọn lọc đối tượng khách và thị trường tinh tế. Một ví dụ của Smith (2003) về việc phân loại khách niche trong du lịch văn hóa đó là khách du lịch tham quan “những hoạt động thú vị” như: tham dự các buổi hòa nhạc, tham quan các địa điểm nghệ thuật, các địa điểm văn chương… Nó khác với loại hình du lịch đại chúng hay “khách du lịch văn hóa bình dân” có thể tham quan các điểm di sản chính, các trung tâm mua sắm, các sự kiện thể thao…
Tất nhiên, khách du lịch thì khó phân định được hệ thống phân loại riêng của mình, họ có thể tham gia nhiều hoạt động du lịch khác nhau. Vấn đề quan trọng là những nhà cung ứng du lịch cần phải đưa ra những chương trình chuyên đề “niche vi mô” để phục vụ du khách. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc phát triển các loại hình du lịch niche sẽ đem lại lợi ích cao vì nó chọn lọc được đối tượng khách cao cấp và đặc biệt hơn, đồng thời ít tiêu dùng tài nguyên so với du lịch đại chúng. “Du lịch niche cũng được xem là một cơ chế để thu hút các khách du lịch chi tiêu nhiều, điều này liệt du lịch niche vào loại hình du lịch khá tinh hoa, tương phản với du lịch trọn gói đại chúng có giá rẻ” (Mike Robinson và Marina Novelli). Vì những lý do này, Tổ chức Du lịch thế giới, Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) xem việc tiêu dùng du lịch niche là có lợi hơn cho các cộng đồng chủ nhà, so với các loại hình du lịch đại chúng (Hall và Weiler, 1992; Hall và Lew, 1998).
DU LỊCH SINH THÁI THEO KHUYNH HƯỚNG NICHE
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của xã hội và trào lưu du lịch trên thế giới, DLST ngày càng phát triển cả về mặt nội dung lẫn hình thức, đem lại nguồn thu đáng kể cho nhiều quốc gia. Tuy nhiên, để góp phần thúc đẩy sự phát triển DLST theo khuynh hướng bền vững thì có một yếu tố nữa mà ngày nay người ta phải tính đến, đó là tính chất của du khách và loại hình DLST. Có rất nhiều loại hình DLST mà việc phát triển nó sẽ lọc được đối tượng khách, hạn chế hay không tiêu dùng tài nguyên như: loại hình DLST nghiên cứu động thực vật, người ta chỉ cho phép du khách đi rón rén, quan sát và chụp ảnh các động thực vật trong khu vực nhất định… Người ta gọi đó là những loại hình DLST theo khuynh hướng niche (thường được gọi tắt là du lịch sinh thái niche) và thuật ngữ này ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới.
Trong DLST, có rất nhiều cách phân chia loại hình du lịch niche tùy giác độ tiếp cận. Tuy nhiên, nếu đứng trên giác độ động cơ của du khách và khu vực địa lý chúng ta có thể phân chia thành các “niche vĩ mô” như: DLST biển, DLST núi, du lịch nông thôn, du lịch đầm phá… và các “niche vi mô” là các chương trình du lịch chuyên đề như: du lịch lặn biển tìm hiểu động thực vật; du lịch quan sát chim hoặc động thực vật rừng quốc gia; du lịch khám phá hang động; du lịch khám phá nhà vườn vùng nông thôn; du lịch khám phá các thác nước…
[Chi tiết xem tại Tạp chí Du lịch Việt Nam số tháng 11/2010]
Ths. Nguyễn Quyết Thắng