Bài viết này sẽ thảo luận về những cơ hội và thách thức mà các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam cần phải tính đến nếu muốn khai thác phân khúc thị trường khách du lịch cá nhân (FIT Free Independent Tourist). Đồng thời, cũng đưa ra một mẫu nghiên cứu mô phỏng cho tiến trình nghiên cứu về FIT và các khuyến nghị về sản phẩm FITs.
KHÁCH DU LỊCH CÁ NHÂN (FIT)
FIT xuất hiện đầu tiên ở các nước phát triển như châu Âu, Mỹ. Lúc đầu, phân khúc này chỉ gồm những người đi ra nước ngoài vì mục đích công việc như kinh doanh, học tập ngắn hạn (khách du lịch công vụ) chứ không phải đi du lịch thuần túy. Nó thực sự trở thành xu hướng tiêu dùng du lịch khi có sự tham gia của những nhóm du khách thanh niên trẻ tuổi – những người thích phiêu lưu khám phá và không chịu sự gò bó của chương trình du lịch trọn gói. Hoạt động cung ứng cho phân khúc này cũng chính thức được mở rộng khi có sự tham gia của các hãng hàng không giá rẻ như Southwest Airlines, Ryanair và EasyJet với sản phẩm Free & Easy. Tiếp đến là hoạt động cung ứng từ các công ty du lịch chuyên cung cấp các dịch vụ là các chương trình không trọn gói tham quan các thành phố của châu Âu như Rainbowtour.
Phân khúc FIT có các đặc trưng chính sau: Thứ nhất, họ có xu hướng chú ý đến môi trường xung quanh, muốn tận hưởng trải nghiệm với các di sản văn hóa địa phương, hòa mình vào cuộc sống của điểm đến chứ không phải chỉ đi tham quan những danh lam thắng cảnh chính trong thành phố mà các chương trình trọn gói thường áp dụng. Thứ hai, FIT thường có kiến thức rộng và sử dụng thành thạo máy tính, internet, tiếng Anh. Họ sử dụng Internet cho việc tìm kiếm thông tin, trao đổi kinh nghiệm và lựa chọn chuyến đi. Có thể sử dụng tiếng Anh thành thạo là một điều kiện và cũng là lợi thế của phân khúc này. Thứ ba, FIT hầu hết đều đã có kinh nghiệm hoặc đã từng ít nhất một lần đi du lịch ra nước ngoài. Thứ tư, FIT là một phân khúc thị trường khách của ngành công nghiệp du lịch, tạo ra những ảnh hưởng kinh tế đến địa điểm du lịch lớn hơn do đặc điểm của cấu trúc chi tiêu giữa phần chi tiêu qua công ty du lịch gửi khách và phần chi tiêu trực tiếp tại điểm đến. Điều này, gián tiếp tham gia vào phân chia lợi ích giữa các bên tham gia trong phát triển du lịch theo hướng phát triển bền vững.
SẢN PHẨM DÀNH CHO PHÂN KHÚC FIT
Gắn với phân khúc FIT, có hai dòng sản phẩm chính là Free & Easy của các hãng hàng không và FITs của các công ty du lịch lữ hành. Free & Easy được ra đời gắn liền với sự xuất hiện của phân khúc FIT. Loại sản phẩm này có cấu trúc gồm hai phần: phần giá trị cốt lõi (bao gồm vé máy bay khứ hồi hạng phổ thông + phòng khách sạn + ăn sáng) và phần dịch vụ khách hàng (thường là gắn liền với chính sách thưởng của các hãng hàng không).
FITs được cung ứng bởi các công ty du lịch và ra đời sau, gắn liền với sự xuất hiện của nhóm khách du lịch thuần túy trong phân khúc FIT. Khác với Free & Easy, FITs thường có cấu trúc gồm ba phần: phần giá trị cốt lõi (bao gồm vé máy bay khứ hồi hạng phổ thông + phòng khách sạn + ăn sáng hoặc vận chuyển khứ hồi bằng xe buýt du lịch + phòng khách sạn + ăn sáng); phần dịch vụ lựa chọn hay dịch vụ gia tăng – Options (thường là các chương trình tham quan thành phố - city tour, tham quan các điểm tham quan chính tại điểm đến, phần này, khách có thể lựa chọn theo nhu cầu, mong muốn và kế hoạch cá nhân của mình) và phần dịch vụ khách hàng (thường bao gồm cả hai phần: phần theo chính sách của công ty du lịch và phần theo chính sách của các hãng hàng không nếu gắn với các chuyến bay).
Như vậy, FITs có lợi thế hơn Free & Easy nhờ khác biệt về cấu trúc sản phẩm và giá trị cung ứng. Ngoài ra, Free & Easy thường cũng bị giới hạn hơn về điểm đến do chỉ gắn với các điểm đến có các chuyến bay thẳng. Với sự khác biệt này, FITs là sự bổ sung cho Free & Easy để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của phân khúc FIT, đặc biệt là với nhóm khách đi ra nước ngoài với mục đích du lịch thuần túy.
PHÂN KHÚC FIT TẠI VIỆT NAM
Trước đây, khách du lịch là người Việt Nam, khi đi du lịch đều theo hình thức đi du lịch theo đoàn độc lập, có hướng dẫn viên đi kèm và sản phẩm sử dụng là các chương trình du lịch trọn gói do các công ty du lịch lữ hành cung cấp.
Từ một vài năm trở về đây, xuất hiện xu hướng đi du lịch cá nhân, gia đình và nhóm nhỏ. Thị trường du lịch được phân chia thành hai phân khúc: phân khúc GIT vẫn sử dụng các chương trình du lịch trọn gói do các công ty du lịch lữ hành cung cấp. Phân khúc FIT, có sự tham gia của các hãng hàng không với sản phẩm Free & Easy và các công ty du lịch lữ hành với sản phẩm là các chương trình du lịch không trọn gói. Trong đó, Free & Easy là sản phẩm được cung ứng một cách chính thức, có hệ thống qua các đại lý của các hãng hàng không (bao gồm cả các công ty du lịch lữ hành tham gia như một đại lý phân phối). Các chương trình du lịch không trọn gói của các công ty du lịch lữ hành được cung cấp theo yêu cầu cụ thể của du khách (thiết kế riêng) do vậy rất đa dạng và không mang hình hài của một sản phẩm cụ thể như Free & Easy hay FITs như các công ty du lịch trên thế giới đã thực hiện.
Về góc độ sản phẩm, Free & Easy vẫn mang đầy đủ phẩm chất truyền thống gồm hai phần: dịch vụ cốt lõi và dịch vụ khách hàng. Do vậy cũng mang đầy đủ các hạn chế trong giá trị cung ứng cho khách hàng (dịch vụ và điểm đến). Tuy nhiên, đây là sản phẩm đầu tiên được cung ứng có hệ thống và đáp ứng đúng xu hướng của thị trường nên trong thời gian qua, tốc độ tăng trưởng thị trường của sản phẩm này khá cao. Theo thống kê từ một số công ty du lịch trên địa bàn Hà Nội có triển khai sản phẩm Free & Easy, tốc độ tăng trưởng thị trường của sản phẩm này đạt tới 150% năm 2009. Khách hàng sử dụng sản phẩm này chủ yếu là khách công vụ.
Một số công ty du lịch lữ hành ngoài việc tham gia vào phân phối Free & Easy, cũng thực hiện cung ứng các chương trình du lịch không trọn gói cho phân khúc FIT. Mặc dù chưa mang tính hệ thống dưới hình thức một sản phẩm cụ thể dành riêng cho phân khúc FIT mà mới chỉ dừng ở việc đáp ứng theo yêu cầu của khách hàng. Tăng trưởng của sản phẩm là các chương trình du lịch không trọn gói dành cho cá nhân, gia đình và nhóm nhỏ tại một số công ty du lịch được khảo sát trên địa bàn Hà Nội đạt từ 7% đến 60%. Điều này minh chứng cho sự gia tăng mạnh mẽ của phân khúc FIT như một xu hướng phát triển tất yếu của thị trường du lịch Việt Nam.
Thị trường FIT Việt Nam hiện nay, có thể được ví như thị trường FIT của giai đoạn đầu tiên ở châu Âu và Mỹ. Việc nghiên cứu, phát triển FITs phù hợp với nhu cầu và mong đợi của phân khúc FIT, khác biệt có lợi thế cạnh tranh là một việc làm có ý nghĩa chiến lược mà các công ty du lịch lữ hành cần phải tính đến.
(Còn nữa)
[Chi tiết tại Tạp chí Du lịch Việt Nam số tháng 6 & 8/2010]
TRƯƠNG TỬ NHÂN
Đại học Kinh tế Quốc dân